Sau phán quyết của bồi thẩm đoàn ở San Francisco cho thấy Roundup của Monsanto là yếu tố quan trọng gây ra bệnh ung thư với Edwin Hardeman, ở Santa Rosa (bang California, Mỹ) ngày 19/3, trong bước tiếp theo, các luật sư của nạn nhân 70 tuổi này sẽ tiếp tục tranh biện về tác động của Monsanto đối với các cơ quan kiểm soát của chính phủ cũng như với các nghiên cứu liên quan tới ung thư.
Monsanto – công ty liên quan tới sản xuất chất độc da cam được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gây ảnh hưởng tới hàng triệu người Việt. Các nạn nhân Việt Nam từng kiện công ty này ra tòa án Mỹ hồi những năm 2005-2009 nhưng không thành công.
Thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto gây ung thư, theo phán quyết trong vụ kiện tại Mỹ. Ảnh: AFP. |
Trả lời Zing.vn, luật sư Constantine Kokkoris, một trong những luật sư của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, cho biết nếu tác động nói trên được chứng minh, ông chắc chắn Monsanto sẽ kháng cáo và nhiều sự chú ý sẽ dồn về phía các phiên tòa phúc thẩm, xem tòa có giữ quyết định đó hay không.
Về trường hợp các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, ông Kokkoris cho biết: “Chúng ta đã có thể chứng minh tới tòa sơ thẩm và phúc thẩm rằng Dow, Monsanto và các nhà sản xuất khác biết sự tồn tại của dioxin, một chất hóa học độc hại hơn nhiều so với glyphosate, trong chất độc da cam”.
Trong khi đó, bồi thẩm đoàn tại tòa án liên bang ở San Francisco ngày 19/3 nói trên đã kết luận thuốc diệt cỏ Roundup dựa trên thành phần glyphosate của Monsanto là nguyên nhân gây ra chứng u lympho không Hodgkin (non-Hodgkin's lymphoma) cho ông Edwin Hardeman. Phán quyết này được cho là sẽ là tiền lệ có thể tác động tới hàng loạt các vụ kiện khác mà Monsanto đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, luật sư Kokkoris nói rằng vụ kiện chống lại Monsanto này là một vụ kiện dân sự chống lại một sản phẩm tiêu dùng, không phải một vụ kiện liên quan tới hoạt động sử dụng thuốc diệt cỏ mang tính chất quân sự. “Điều đó có nghĩa là tiêu chuẩn pháp lý của nó thấp hơn nhiều và cũng dễ truy cứu trách nhiệm của công ty hơn”, ông Kokkoris nêu rõ.
“Không may là cả phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm (trong vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam) đều quyết định áp dụng lập luận ‘bảo vệ nhà thầu chính phủ’. Về cơ bản, điều đó nghĩa là vì chất độc da cam được sử dụng trong thời kỳ chiến tranh với mục đích quân sự (chính phủ Mỹ được miễn trách nhiệm dân sự với các hoạt động như vậy), và vì chính phủ Mỹ biết về sự hiện diện của dioxin và bản chất độc hại của nó, các công ty sản xuất chất độc da cam không thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý. Tức là nó giống như chính phủ Mỹ đã thông qua việc sử dụng chất độc da cam, và vì không thể truy cứu trách nhiệm pháp lý của họ, cũng không thể đòi trách nhiệm các nhà sản xuất đã theo chỉ đạo của họ”, luật sư Kokkoris giải thích thêm.
Monsanto đã được tập đoàn Đức Bayer AG mua lại với giá 63 tỷ USD mùa hè năm ngoái. Cổ phiếu của Bayer sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 20/3, sau phán quyết bồi thẩm đoàn tại tòa án liên bang ở San Francisco. Công ty này đang bị khoảng 11.200 người kiện vì ảnh hưởng sức khỏe mà sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup và Ranger Pro gây ra.
Nhận định về việc sáp nhập Monsanto của Bayer, báo Deutsche Welle (Đức) ngày 20/3 chua chát rằng đây rõ ràng là một sai lầm của tập đoàn dược phẩm và hóa chất ứng dụng Đức. “Bayer mắc kẹt trong cái bẫy của Monsanto”, Deutsche Welle khẳng định.