Phán quyết của bồi thẩm đoàn tại tòa án ở San Francisco hôm 19/3 được cho là sẽ có ảnh hưởng tới nhiều vụ kiện khác khi Tập đoàn Bayer (Đức), công ty đã sáp nhập với công ty hóa chất Monsanto (Mỹ), đang bị khoảng 11.200 người kiện vì ảnh hưởng sức khỏe mà sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup và Ranger Pro gây ra.
Phán quyết của bồi thẩm đoàn ở San Francisco đã khẳng định thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto là yếu tố quan trọng gây ra bệnh ung thư đối với nạn nhân có tên Edwin Hardeman, sống tại Santa Rosa (bang California, Mỹ).
Ông Hardeman là người đầu tiên đệ đơn kiện Monsanto lên tòa án liên bang Mỹ, cáo buộc rằng việc tiếp xúc với thuốc diệt cỏ Roundup đã khiến ông mắc chứng ung thư hạch không Hodgkin (NHL).
Ông Edwin Hardeman (phải) cùng vợ rời khỏi tòa án ở San Francisco. Ảnh: AP. |
Con số 11.200 vụ kiện nói trên từng được hé lộ trong bản báo cáo tài chính năm 2018 của Bayer đưa ra hồi cuối tháng 2.
Vào cuối năm 2018, Bayer nói hãng ghi nhận 9.300 nguyên đơn đang kiện tập đoàn này. Như vậy, số đơn kiện đã tăng 20% chỉ trong vòng 3 tháng, theo tạp chí Fortune.
Thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto gây ung thư, theo phán quyết trong 2 vụ kiện tại Mỹ. Ảnh: AFP. |
Bayer hoàn thành thương vụ sáp nhập Monsanto vào tháng 6/2018 và trở thành chủ sở hữu duy nhất của công ty này. Monsanto là công ty liên quan tới sản xuất chất độc da cam được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, gây ảnh hưởng tới hàng triệu người Việt. Các nạn nhân Việt Nam từng kiện công ty này ra tòa án Mỹ những năm 2005-2009 nhưng không thành công.
Tháng 8/2018, bồi thẩm đoàn cũng tại bang California từng phán quyết thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto gây ung thư giai đoạn cuối cho Dewayne Johnson, một nhân viên vệ sinh trường học, và yêu cầu Monsanto bồi thường cho nguyên đơn 289 triệu USD.
Sau khi phán quyết thuốc diệt cỏ Roundup đã gây ra ung thư ở Edwin Hardeman, sắp tới, bồi thẩm đoàn sẽ tiếp tục phán quyết xem Monsanto có phải chịu trách nhiệm hay không, có thể sẽ khiến công ty này chịu phạt thêm nhiều triệu USD.
Doanh thu của tập đoàn dược phẩm và hóa chất ứng dụng Đức trong tài khóa 2018 tăng 13%, nhưng lợi nhuận giảm 3/4 do các khoản trừ nhiều tỷ USD liên quan đến việc mua lại Monsanto mà Bayer phải ghi nhận trong bảng cân đối kế toán.
Hạt giống biến đổi gen của Monsanto cũng từng bị cáo buộc là nguyên nhân của nạn tự tử hàng loạt của hàng nghìn nông dân Ấn Độ, theo một phim tài liệu về vấn nạn này. Các nông dân này đã rơi vào cảnh nợ nần sau khi vay tiền để mua hạt giống biến đổi gen bị cáo buộc là chưa qua nghiên cứu kỹ càng và không có năng suất cao.