Ngày 10/8, luật sư Brent Wisner, 34 tuổi, đại diện cho nguyên đơn Dewayne Johnson, đã có được một phán quyết lịch sử.
Tòa án San Francisco yêu cầu công ty hóa chất Monsanto bồi thường 289 triệu USD vì không cảnh báo khách hàng về rủi ro ung thư khi sử dụng những loại thuốc diệt cỏ chứa glyphosate của hãng. Trước khi phát hiện ung thư hạch bạch huyết, ông Johnson từng sử dụng 2 loại thuốc diệt cỏ Roundup và Ranger Pro trung bình 30 lần/năm.
Trước phán quyết của tòa, Monsanto, vừa được tập đoàn dược phẩm Đức Bayer mua lại, phủ nhận mọi mối liên hệ giữa sản phẩm và bệnh ung thư. Theo công ty này, hợp chất glyphosate được sử dụng phổ biến và đã được chứng minh về độ an toàn.
Der Spiegel mới đây vừa có bài phỏng vấn với luật sư Wisner.
Monsanto phải đền bù cho nguyên đơn Dewayne Johnson bị ung thư. Ảnh: AP. |
- Der Spielgel: Công ty luật của ông nổi tiếng luôn đứng về phía người tiêu dùng, và từng nhắm vào các công ty dược phẩm cũng như các hãng hàng không khó tính. Ông bắt đầu chú ý đến Monsanto từ khi nào?
- Wisner: Nó giống như ở trong máu tôi vậy. Cha của tôi cũng từng hoài nghi về thuốc trừ sâu. Ông ấy kết nối mạng lưới các nông dân và trở thành nhà hoạt động xã hội phản đối chất hóa học. Sau đó, hơn 2 năm trước, tôi nhận được cuộc điện thoại từ Teri McCall, vợ của một nông dân qua đời vì ung thư. Ông ấy đã sử dụng sản phẩm của Monsanto hơn 30 năm. Đó là động lực thúc đẩy cuộc điều tra. Hè năm nay, Dewayne Johnson cũng tìm tới chúng tôi.
Monsanto chưa đền bù cho nạn nhân da cam tại Việt Nam
Monsanto là một trong những công ty sản xuất chính của chất độc da cam, nhưng liên tục tuyên bố không chịu trách nhiệm gì với chất độc được sử dụng trong thời chiến tranh tại Việt Nam.
Năm 2004, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện Monsanto, Dow Chemical và hơn 30 công ty đã sản xuất chất độc da cam lên tòa án tại New York. Cũng tại tòa này vào năm 1984, Monsanto và các công ty từng đồng ý giàn thỏa với số tiền 180 triệu USD cho 291.000 người vì các hệ lụy của chất độc da cam.
Tháng 12/2017, Monsanto (với tên gọi Dekalb Việt Nam) được vinh danh năm thứ 2 liên tiếp trong Top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam.
- Hiểm họa từ những sản phẩm của Monsanto là một chủ đề gây tranh cãi trong hàng chục năm nay. Tại sao bây giờ tòa án mới quyết định bắt đầu xử lý vụ việc?
- Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất là kết quả phân loại của cơ quan chống ung thư thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Năm 2015, cơ quan này xếp glyphosate vào nhóm các chất hóa học "có khả năng dẫn đến ung thư". Phản ứng trước thông tin này, CEO của Monsanto gọi đó là “khoa học bịp”. Tuy nhiên, trước đây trên thế giới chưa từng có ai thu thập nhiều dữ liệu và đào sâu vấn đề như vậy. Đó là một tiếng chuông cảnh tỉnh.
Monsanto săn đuổi các nhà khoa học
- Monsanto có liên quan thế nào tới việc phán quyết của tòa chỉ được đưa ra vào lúc này?
- Họ làm rất nhiều thứ! Monsanto có một chương trình nội bộ tên là “Không để bất cứ thứ gì tuột khỏi tay”. Mục đích của chương trình này là tấn công các nhà khoa học chỉ trích sản phẩm của họ. Họ trực tiếp săn đuổi các nhà khoa học hoặc vung tiền thuê người làm các nhà khoa học mất uy tín.
- Theo ông, Monsanto còn có chiến thuật PR nào nữa không?
- Monsanto còn có chương trình “Tự do hoạt động” với mục đích loại bỏ bất cứ điều gì cản trở việc kinh doanh của họ, dù đó là luật pháp hay bài báo khoa học. Họ săn đuổi mọi thứ. Trong nỗ lực của mình, Monsanto cũng tìm tới một số nhà khoa học cơ hội, trả tiền cho họ tuyên truyền vận động có lợi cho công ty. Những chương trình này đều phản ánh văn hóa doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận thay vì sức khỏe cộng đồng.
Luật sư Brent Wisner: "Monsanto không hề quan tâm đến danh tiếng". Ảnh: AFP. |
- Trong khi Monsanto tiếp tục phủ nhận đã cố can thiệp nghiên cứu khoa học, đâu là nhân tố quan trọng giúp bồi thẩm đoàn đạt được phán quyết?
- Tôi tin rằng việc phán quyết được đưa ra như vậy là nhờ chính kết quả nghiên cứu. 12 thành viên bồi thẩm đoàn không “nhẹ cân”. Trong số họ có nhà sinh học phân tử, kỹ sư môi trường và luật sư. Vài đồng nghiệp còn bảo tôi rằng: “Hãy cẩn thận, Brent, nhiều trí tuệ như vậy có thể là một trở ngại”. Nhưng tôi chắc chắn rằng những lý lẽ được đưa ra nhờ cuộc nghiên cứu quan trọng đó là bằng chứng mạnh nhất mà chúng tôi có.
- Đó có phải lý do ông chuyển email nội bộ công ty cho báo chí trước phiên xử?
- Chúng tôi muốn đảm bảo rằng toàn bộ câu chuyện được biết đến và tất cả đều hay biết người khác muốn giấu giếm chuyện gì. Những hoạt động nội bộ như vậy chắc chắn cũng góp phần vào quá trình phúc thẩm.
- Đối với những người không thông thạo, rất khó để tiếp cận nghi vấn về sự an toàn của sản phẩm. Một mặt, Monsanto nói có tới 800 nghiên cứu về mức độ an toàn của glyphosate. Tuy nhiên, nhân viên Monsanto thừa nhận sản phẩm Roundup chưa bao giờ được kiểm nghiệm có phải chất gây ung thư hay không. Ông nghĩ sao về điểm mâu thuẫn này?
- 800 nghiên cứu chỉ là ngụy tạo. Chúng không liên quan gì tới ung thư. Thay vào đó, những nghiên cứu này tập trung vào những chất có thể gây kích ứng mắt hoặc da chẳng hạn. Chỉ khoảng 20 nghiên cứu là liên quan tới ung thư và hầu hết tất cả đều cho thấy nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, Monsanto chỉ luôn đề cập tới 800 nghiên cứu này nhằm đánh lạc hướng.
Những lần lấp liếm đầy dối trá
- Trong trường hợp của Monsanto, sản phẩm Roundup là một hỗn hợp hóa chất. Vậy việc một công ty chỉ cần chứng minh độ an toàn của thành phần hoạt tính (glyphosate), thay vì sản phẩm cuối cùng, phải chăng là một lỗ hổng lớn trong quy định?
- Đó là một điểm quan trọng. Tại Mỹ, quy định lỏng lẻo cho phép lưu hành công thức của Roundup mà bị cấm ở hầu hết quốc gia khác. Ví dụ, tại Đức, hỗn hợp có công thức khác.
Sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto nghi ngờ có chất gây ung thư. Ảnh: Reuters. |
- Bản thân công ty Monsanto có vẻ đã tự nghiên cứu về Roundup phải không, thưa ông?
- Đúng, Monsanto thuê công ty TNO để tiến hành nghiên cứu năm 2002. Nghiên cứu này chỉ ra rằng hóa chất Roundup thấm qua da chuột nhanh hơn gấp 3 lần so với hỗn hợp theo công thức được cho phép ở Đức. Monsanto nói rằng đây là một vấn đề lớn và TNO cũng đã đề nghị nghiên cứu lại mà không lấy thêm chi phí. Tuy nhiên, Monsanto từ chối lời đề xuất và chọn cách chôn vùi kết quả, cho đây là một nghiên cứu lỗi.
- Sau khi nhà khoa học người Pháp Gilles-Éric Séralini nghiên cứu về Roundup năm 2012, những lời phản đối bắt đầu xuất hiện ngày càng kịch liệt. Tại sao những chỉ trích lại gay gắt tới vậy?
- Lý do là nghiên cứu này chứng minh được Roundup có nguy cơ gây ung thư ở chuột, và nó trở thành rủi ro đối với Monsanto. Họ sắp đặt vụ om sòm, tạo dựng hàng loạt thư phản đối của độc giả đối với nghiên cứu với lý do nghiên cứu bị lỗi. Công ty này cũng trả tiền thúc biên tập viên của tạp chí khoa học phải gỡ bài báo đó.
- Bên cạnh mối nguy từ chất độc da cam trước đây, Monsanto che giấu những hiểm họa từ chất dioxin trong chất làm lạnh PCB (PCB hay Polychlorinated biphenyl là nhóm các hợp chất nhân tạo được sử dụng trong thiết bị điện nhưng đã bị nhiều nước cấm vì nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người như gây ung thư, hệ thần kinh...). Ông có nghĩ rằng sản phẩm Roundup là một phần trong lịch sử hoạt động của công ty này?
- Có. Lịch sử của Monsanto đầy lời dối trá. Họ lừa dối người dân, hứa rằng sản phẩm của họ là an toàn và đã kiếm được nhiều tiền từ việc đó. Khi mọi việc trở nên khó khăn hơn, họ đơn giản chỉ cần chuyển sang một sản phẩm khác. Chiến thuật này đã thành công hơn 100 năm qua. Ban điều hành Monsanto không quan tâm đến uy tín. Tôi hy vọng lối tiếp cận của tập đoàn Bayer sau khi mua lại Monsanto sẽ có trách nhiệm hơn, dù rằng họ vừa tự đặt gánh nặng lên vai mình.
- Ông có thể giải thích tại sao Bayer lại mua Monsanto không?
- Họ có vẻ đã đánh giá thấp trách nhiệm pháp lý của Monsanto và lượng chất độc công ty này đã lấp liếm trong quá khứ. Bayer có thể đã bắt đầu hối hận vì quyết định mua Monsanto khi giá cổ phiếu giảm mạnh vào tuần trước. Tình hình sẽ không dễ dàng cho họ. Nhiều tài liệu sẽ được phơi bày và còn một số vụ kiện nữa. Riêng công ty luật của tôi đang đại diện cho 800 người chống lại Monsanto.