Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luật chống khủng bố của Trung Quốc bị chỉ trích

Giới phê bình cho rằng luật chống khủng bố của Trung Quốc có thể vi phạm các quy định về không gian mạng và đe doạ quyền sở hữu trí tuệ của công ty nước ngoài.

Lực lượng cảnh sát được triển khai tại thủ đô Bắc Kinh hôm 27/12 sau cảnh báo thắt chặt an ninh. Ảnh: Reuters>

Quốc hội Trung Quốc hôm 27/12 thông qua luật chống khủng bố, nhằm giải quyết vấn nạn khủng bố trong nước và giúp duy trì an ninh thế giới.

Theo Xinhua, đây là lần đầu tiên Bắc Kinh có luật này. Tuy nhiên, nó đã vấp phải sự chỉ trích của Mỹ và các nhà hoạt động nhân quyền về vấn đề an ninh mạng.

Kế hoạch của Trung Quốc

Bản dự thảo luật cho phép chính phủ mở rộng quyền kiểm soát mới và truy cập dữ liệu thương mại nhạy cảm. Bắc Kinh lập luận rằng các biện pháp này rất cần thiết để ngăn chặn nguy cơ xảy ra khủng bố.

Luật chống khủng bố được quốc hội thông qua đã giản lược một số yêu cầu trong bản dự thảo, như yêu cầu công ty Internet và công nghệ phải thiết lập backdoor (cửa hậu) đối với sản phẩm của họ, hoặc giao nộp thông tin cho chính phủ Trung Quốc trước khi sử dụng trên thực tế.

Tuy nhiên, luật vẫn yêu cầu họ bàn giao thông tin kỹ thuật và giúp giải mã khi cảnh sát, nhân viên an ninh của chính phủ yêu cầu. Văn bản quy định các công ty dịch vụ viễn thông và Internet cung cấp giao diện kỹ thuật, giải mã, trợ giúp kỹ thuật và hỗ trợ khác cho cơ quan an ninh và tình báo quốc gia khi thực thi nhiệm vụ.

"Không chỉ Trung Quốc mà ở nhiều nơi khác trên thế giới, các phần tử khủng bố đang sử dụng Internet để kích động và đẩy mạnh âm mưu tấn công. Chúng tận dụng Internet để tổ chức, lên kế hoạch và thực hiện các hành động khủng bố", quan chức có tên Li Shouwei phát biểu trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters hồi tháng ba, Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích dự luật này và các sáng kiến tương tự của chính phủ Trung Quốc.

Vài ngày trước khi luật chống khủng bố được thông qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi khẳng định các chỉ trích của chính quyền Obama không có căn cứ. Trung Quốc nhấn mạnh rằng quy định mới không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Phản đối

Theo New York Times, giới phê bình nhận định chính phủ nước này đã mở rộng định nghĩa về "chủ nghĩa khủng bố" một cách liều lĩnh. Phương Tây bày tỏ lo ngại rằng quyền lực mới của chính phủ có thể bị lạm dụng để theo dõi các công dân khác và ăn cắp bí mật công nghệ. 

Quốc hội Trung Quốc thông qua luật chống khủng bố đầu tiên - nỗ lực mới nhất nhằm giải quyết vấn nạn khủng bố trong nước và giúp duy trì an ninh thế giới.
Quốc hội Trung Quốc thông qua luật chống khủng bố nhằm giải quyết vấn nạn khủng bố trong nước và giúp duy trì an ninh thế giới. Ảnh: Reuters

"Nhà chức trách Trung Quốc đã có nhiệm vụ hợp pháp là bảo vệ công dân trước các cuộc tấn công, việc thông qua luật này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề nhân quyền", William Nee, chuyên gia nghiên cứu của Tổ chức ân xá quốc tế, nhận định.

Theo Nee, về cơ bản, luật cho phép các cơ quan chức năng có thêm công cụ để kiểm duyệt thông tin không mong muốn và tự thông báo về cách thức tiến hành hoạt động chống khủng bố.

Các công ty quốc tế sử dụng công nghệ mã hoá tại Trung Quốc lo sợ rằng chính quyền có thể kiểm soát người sử dụng, một khi họ cung cấp mã hoá và thông tin theo quy định của dự thảo. Luật này sẽ ảnh hưởng đến công ty đa quốc gia có cổ phần lớn tại Trung Quốc như Cisco, IBM và Apple.

"Các công ty này đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng trong 2-3 năm qua", luật sư Scott D. Livingston cho biết. Với luật chống khủng bố, chính phủ càng có cơ sở để thực hiện yêu cầu đó.

Hồi đầu năm nay, nhiều nhóm doanh nghiệp nước ngoài từng gửi thư cho Chủ tịch Tập Cận Bình, phàn nàn về chính sách Internet của Trung Quốc, bao gồm dự thảo yêu cầu bàn giao dữ liệu nhạy cảm và bí mật thương mại.

Bắc Kinh thông qua luật trong bối cảnh nước này mở chiến dịch mạnh tay nhằm trấn áp bạo lực chống chính phủ, đặc biệt ở khu tự trị Tân Cương. Lãnh đạo Trung Quốc ra lệnh cho các lực lượng an ninh nâng cao cảnh giác trước nguy cơ tấn công như ở Paris. 

An ninh được thắt chặt tại khu mua sắm Sanlitun ở Bắc Kinh cuối tuần trước, sau khi đại sứ quán Mỹ và Anh tại nước này cùng nhận được thông tin về các mối đe dọa chống lại người phương Tây trong dịp Noel.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26/12 tuyên bố trục xuất nhà báo Pháp Ursula Gauthier, người đã chỉ trích cách chính quyền đối xử với cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ thiểu số ở Tân Cương.

Duy Ngô Nhĩ là một dân tộc thiểu số Hồi giáo nói tiếng Turk. Mâu thuẫn với người Hán là nguyên nhân chính của những vụ bạo lực ở Tân Cương trong nhiều năm qua. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc cho rằng hành vi bạo lực của người Duy Ngô Nhĩ đều do các nhóm cực đoan quốc tế xúi giục. 

Tháng ba năm ngoái, những kẻ tấn công đã xông vào nhà ga Côn Minh và chém loạn xạ khiến ít nhất 29 hành khách mất mạng, 13 người bị thương.

Trung Quốc thông qua luật chống khủng bố đầu tiên

Chiều 27/12, Quốc hội Trung Quốc thông qua luật chống khủng bố đầu tiên - nỗ lực mới nhất nhằm giải quyết vấn nạn khủng bố trong nước và giúp duy trì an ninh thế giới.


Hoàng Anh (theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm