Việc bầu Đức công khai phát biểu yêu cầu sa thải HLV Miura khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ. Vì với cương vị Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), quan điểm của ông ít nhất cần phải được bàn bạc nội bộ trước khi xuất hiện tràn lan trên mặt báo.
Đó không phải lần đầu tiên trong thời gian ngắn vừa qua, bầu Đức chĩa mũi dùi về phía tổ chức nơi ông đang đảm nhiệm cương vị lãnh đạo cấp cao.
Bầu Đức liên tiếp có những động thái thể hiện sự bất mãn với VFF. Ảnh: Minh Đức |
Cách đây chưa lâu, ông lên tiếng tố cáo: “HAGL đang bị đánh hội đồng tại V.League”. Ý kiến này đồng nghĩa với sự phê phán nặng nề khả năng điều hành, tổ chức giải đấu số một của bóng đá Việt Nam.
Bầu Đức cũng không ngần ngại phanh phui chuyện nội bộ thiếu đoàn kết của VFF, qua việc nghị quyết ghi xây dựng đội tuyển U23 dựa trên nền tảng là các cầu thủ khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG, nhưng không được thực hiện.
Rõ ràng, khó có thể phủ nhận thái độ bất mãn của ông chủ đội bóng phố núi. Cách ứng xử của bầu Đức hoàn toàn trái ngược so với thời điểm lứa cầu thủ Công Phượng nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của VFF trong màu áo U19 Việt Nam 2 năm trước.
Hình ảnh nhiều người vẫn nhớ là Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, sau bài phát biểu khai mạc Cúp bóng đá Nutifood tổ chức tại TP HCM đầu năm 2014, đã thể hiện sự phấn khích cao độ dành cho lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh.
Sau đó, ông Dũng còn ví von họ là “người con ngoan trong gia đình, theo học Harvard”. Chưa hết, Chủ tịch VFF thậm chí lên tận Pleiku dự khán trận đấu của HAGL.
Kết quả của sự ủng hộ hết mình đó là việc VFF nhiều lần khẳng định, lứa cầu thủ khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG là tương lai của bóng đá nước nhà hướng đến đấu trường châu lục và giấc mơ World Cup, là nền tảng trong việc xây dựng đội tuyển U23 và sau này là đội tuyển Việt Nam.
Thái độ của bầu Đức lúc này khác hẳn một năm trước. Ảnh: Tùng Lê |
Trong suốt quãng thời gian 2 năm 2013-2014, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức gắn bó với nhau như hình với bóng. Chưa bao giờ người ta chứng kiến bầu Đức và VFF bất đồng trong bất cứ lĩnh vực gì.
Thậm chí, bầu Đức còn sẵn sàng chiều theo ý thích của VFF. Tại giải U19 Đông Nam Á mở rộng năm 2014, sau khi đã chắc suất lọt vào bán kết, HLV Graechen dự định sử dụng đội hình phụ ở trận đấu cuối vòng bảng. Nhưng bầu Đức đã thuyết phục nhà cầm quân người Pháp thay đổi quyết định này, vì VFF muốn U19 Việt Nam vẫn thể hiện được những phẩm chất quyến rũ người hâm mộ.
Nhưng từng bước một, mối quan hệ giữa bầu Đức và VFF dần xấu đi trông thấy xoay quanh sự thay đổi trong cách ứng xử của Liên đoàn với lứa cầu thủ Công Phượng.
Cam kết của VFF về việc xây dựng đội tuyển U23 dựa trên nền tảng là các cầu thủ khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG đã không trở thành hiện thực. Thay vào đó, HLV Miura được trao toàn quyền tuyển chọn cầu thủ và ấn định lối chơi trái ngược so với U19 Việt Nam.
Sự phản đối của Bầu Đức được thể hiện qua những phát biểu như: “Nếu triệu tập cầu thủ HAGL thì gọi nguyên lứa, nếu không thì thôi”. Hoặc, ông lên tiếng bảo vệ Tuấn Anh khi cầu thủ này bị gạt ra ngoài kế hoạch của HLV Miura: “Cậu ta không được đào tạo để đá kiểu như vậy”.
Sự bức xúc của bầu Đức tiếp tục tăng cao khi lứa cầu thủ ông hết mực yêu quý thi đấu bết bát tại V.League. Khi thẳng thừng nhận xét: “HAGL đang bị đánh hội đồng”, có lẽ bầu Đức từng hy vọng (để rồi thất vọng) đội bóng phố núi sẽ nhận được cơ chế bảo vệ tốt hơn từ VFF và VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam).
Sự thất thế của lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh khoảng một năm qua gắn liền với sự thay đổi thái độ của bầu Đức. Ảnh: Tùng Lê |
Yêu cầu sa thải HLV Miura bất chấp ý kiến ủng hộ của VFF, điều bầu Đức chỉ trích nhà cầm quân người Nhật nhiều nhất nằm ở triết lý bóng đá đề cao sức mạnh, xem nhẹ yếu tố kỹ thuật. Hiểu theo nghĩa khác, chừng nào HLV Miura còn làm việc tại Việt Nam, lứa cầu thủ ông chủ đội bóng phố núi hết mực yêu quý sẽ khó có cơ hội được trọng dụng.
Công Phượng chỉ đá 5 phút trong trận giao hữu với CLB Man City và không được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam thi đấu với Đài Loan (Trung Quốc). Với bầu Đức, điều đó khó có thể xem là sự công bằng.