Tại ngôi làng Altenahr phía tây nước Đức, kể cả người chết cũng không thoát khỏi sự tàn phá của trận lũ lịch sử. Nghĩa trang của làng bị lũ tràn qua. Nhiều bia mộ đã bị hư hỏng, thậm chí rơi vỡ dưới dòng nước đục ngầu.
Đứng bên nghĩa trang ngập nước, bà Antoinnette Steinhoff bàng hoàng trước cảnh tượng trước mắt. “Mẹ tôi nằm đây”, bà chỉ về một ngôi mộ bằng đá cẩm thạch đen, với cây thánh giá phía trên.
Khi lũ lụt tấn công ngôi làng, người phụ nữ 76 tuổi này tận mắt chứng kiến một ngôi nhà bị lũ cuốn trôi với hai người bên trong. “Một thi thể được tìm thấy trong vườn nho”, bà nói.
Làng Altenahr bị tàn phá thảm khốc. Những nhà hàng ven sông bị phá hủy hoàn toàn. Nhiều tòa nhà đổ sập. Ở nhiều khu vực, nước lũ vươn cao tới nửa tầng hai.
Nước Đức oằn mình
Cảnh tượng đau lòng này xuất hiện nhiều trên trang nhất các tờ báo khi Tây Âu đang phải đối mặt với trận lũ kinh hoàng. Hơn 180 người đã thiệt mạng tại Đức và Bỉ, trong khi hàng trăm người còn đang mất tích hoặc không thể liên lạc.
Bất chấp mực nước đang dâng cao, sạt lở đất đá và tình trạng mất điện, nỗ lực tìm kiếm cứu nạn vẫn tiếp diễn. Quân đội Đức điều 850 binh sĩ tới hỗ trợ. Bộ Nội vụ Đức cho biết khoảng 22.000 lính cứu hỏa và nhân viên cứu trợ đang tham gia cứu hộ, chỉ tính riêng tại bang North Rhine-Westphalia.
Thị trấn Erftstadt, bang North Rhine-Westphalia chìm trong biển nước. Ảnh: AP. |
Cư dân địa phương cho biết nước lũ khiến họ không thể thoát khỏi khu vực và bị mắc kẹt trong nhà.
“Mực nước quá cao. Bạn không thể đi bằng xe cỡ nhỏ. Các lực lượng cứu hộ có xe đặc chủng. Họ đến và cố gắng đưa đi nhiều người nhất có thể khỏi khu vực”, Michael Kautsch, cư dân thị trấn Erftstadt, bang North Rhine-Westphalia, nói. “Trực thăng bay đến suốt đêm để tìm cách đưa người dân đi”.
Thị trấn Erftstadt trở thành biểu tượng của sự tàn phá gây ra bởi trận lụt này. Nhiều tòa nhà, bao gồm một phần của một lâu đài lịch sử, bị phá hủy sau khi mỏ đá gần đó xuất hiện một hố sụt lớn.
“Dòng nước cuốn nhiều phần thị trấn xuống hố này. Cơ quan cứu hỏa cho biết dưới các tòa nhà còn rất nhiều nước. Nhiều tòa nhà có thể bị hư hại và đổ sập”, ông Kautsch nói.
Hệ thống thông tin liên lạc bị cắt đứt tại các khu vực ngập lụt, khiến nhiều người không thể liên lạc với người thân.
Cảnh sát thành phố Koblenz, bang Rhineland-Palatinate cho biết khoảng 1.300 người đang mất liên lạc. Giới chức Đức hy vọng con số này sẽ giảm xuống cùng với các nỗ lực tìm kiếm.
“Chúng tôi hy vọng nhiều người bị thông báo mất tích hai, thậm chí ba lần. Ví dụ, người này được cả gia đình, đồng nghiệp và bạn bè thông báo”, Ulrich Sopart, người phát ngôn của lực lượng cảnh sát thành phố Koblenz, nói.
Khi đến thị sát tình hình tìm kiếm cứu nạn tại bang North Rhine-Westphalia, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier nhận định việc dọn dẹp và phục hồi khu vực này “sẽ còn mất nhiều thời gian”.
Một con đập trên sông Rur tại bang này bị vỡ hôm 17/7, theo chính quyền địa phương. Giới chức địa phương đã sơ tán 700 cư dân tại thành phố Wassenberg.
Bỉ, Hà Lan chống chọi với lũ
Tại Bỉ, quân đội đang chạy đua với thời gian trong những nỗ lực tìm kiếm cứu nạn.
Marie-Louise Grosjean, chủ một cửa hàng rượu và đồ trang trí tại làng Pepinster, thấy công sức bà bỏ ra hơn 10 năm qua bị cuốn trôi dưới dòng nước lũ. Cha của bà đã sống ở đây 70 năm, nhưng chưa thấy trận lũ nào lớn như vậy.
Người dân Bỉ dọn dẹp nhà cửa sau trận lũ. Ảnh: AP. |
“Không còn gì cả. Chúng tôi hy vọng có thể xây dựng lại nhanh chóng, nhưng không biết phải làm gì”, Arthur, con trai bà Grosjean, nói.
“Tình hình thay đổi theo từng phút và tiếp tục diễn biến rất nghiêm trọng Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nói hôm 16/7. “Ưu tiên giờ đây là chăm sóc và giải cứu các nạn nhân. Mọi lực lượng có thể sẽ được huy động”. Ông cũng tuyên bố Bỉ sẽ dành một ngày tưởng niệm những người thiệt mạng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng trái tim bà “chùng xuống” khi đến thăm các thị trấn, làng mạc ở Bỉ. Bà cam kết sát cánh với các nạn nhân của lũ lụt, những người bị mất nhà cửa.
Hình ảnh tại hiện trường cho thấy một số thị trấn và làng mạng bị chìm dưới biển nước. Nhiều ngôi nhà bị chôn vùi do lở đất.
Hà Lan và Luxembourg cũng bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn, nhưng chưa ghi nhận thương vong.
Tại Hà Lan, khoảng 10.000 người đã được sơ tán với sự hỗ trợ của cơ quan chữ thập đỏ, khi mực nước sông Maas tăng cao hơn dự kiến. Mức nước này có thể còn duy trì đến chiều 18/7.
Giới chức địa phương lo ngại một số con đập sẽ tiếp tục đỡ. Họ đang theo dõi chặt chẽ mực nước tại các hồ chứa trong khu vực. Hôm 16/7, một bệnh viện với 200 người cũng được sơ tán.
Nguyên nhân do đâu?
Trận lũ lịch sử xảy ra sau khi Tây Âu trải qua trận mưa lớn hiếm thấy. Lượng mưa trong một tháng dường như bị gói gọn trong 24 giờ.
Thành phố Cologne, bang North Rhine-Westphalia, ghi nhận lượng mưa 154 mm. Con số này gần gấp đôi lượng mưa trung bình tại thành phố này trong cả tháng 7. Tại quận Ahrweiler, lượng mưa ghi nhận được là 207 mm chỉ trong 9 giờ.
Lượng mưa này khiến lũ quét xảy ra trong thời gian ngắn. Mực nước gia tăng chỉ sau vài phút.
Hình ảnh cây cầu tại làng Altenahr sau trận lũ. Ảnh: AP. |
Tuy còn quá sớm để xác định quy mô tác động của biến đổi khí hậu đến trận lũ này, những trận mưa lớn đang ngày càng phổ biến.
Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia Armin Laschet gọi đây là “thảm họa mang tầm vóc lịch sử” và kêu gọi thế giới gia tăng nỗ lực giảm nhẹ và thích nghi với biến đổi khí hậu. Ông Laschet là một trong những ứng cử viên thay thế vị trí của đương kim thủ tướng Angela Merkel sau cuộc bầu cử tháng 9 tới.
“Chúng ta sẽ còn phải đối mặt với những thiên tai kiểu này nhiều lần nữa. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường ở cấp độ châu Âu, từng quốc gia và trên toàn cầu”, ông Laschet nói.
Hạn hán cũng có thể làm gia tăng hậu quả của lũ lụt. Khi quá khô, đất không thể hấp thụ nước một cách hiệu quả.
Qua nghiên cứu trận lũ năm 2016 khiến 18 người thiệt mạng tại Đức, Pháp, Bỉ và Romania, các nhà khoa học châu Âu kết luận khí hậu nóng lên khiến khả năng xảy ra lũ lụt tăng 80-90%.
Tuy tổng lượng mưa trong năm không mấy thay đổi, điều đáng quan ngại là mưa đến dồn dập hơn, tăng khả năng gây ra lũ lụt. Nhận định này được đưa ra bởi các nhà khoa học thuộc Cơ quan Khí hậu châu Âu.
“Chiều hướng gia tăng của tần suất và cường độ mưa lớn tại nhiều khu vực của châu Âu khiến khả năng xảy ra lũ quét gia tăng. Điều này dẫn đến nguy cơ tử vong cao nhất", các nhà khoa học kết luận.