Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lũ lụt ở Campuchia và nguy cơ từ việc lấp hồ lấy đất

Campuchia gần đây trải qua lũ lụt nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử. Các nhà khoa học nói việc này không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn vì những dự án xây dựng.

lu lut o Campuchia anh 1

Nhân viên cứu hộ kéo một chiếc thuyền qua dòng nước lũ ở ngoại ô Phnom Penh ngày 16/10. Ảnh: Nikkei Asia.

Đêm khuya, nước sông Prek Tnaut bắt đầu tràn vào ngôi nhà hai tầng của Yoeu Phally ở phía nam Phnom Penh, Campuchia.

“Đến 23h, mọi thứ đều trôi lềnh bềnh”, ông Phally, một nông dân trồng lúa, nói với Nikkei Asia. "Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ nước sẽ dâng cao như vậy".

Gần đó, các nhà sư chùa Wat Har đã lấy các vật dụng cần thiết trước khi xây một con đê tạm bằng cát và nhựa bên ngoài cửa chùa với nỗ lực ngăn nước lũ.

"Mọi thứ diễn ra quá nhanh, chưa đầy 20 phút", nhà sư Mok Sok Ly nhớ lại. "Nước dâng đến cổ chúng tôi".

Những cảnh tượng tương tự đã diễn ra trên khắp tiểu vùng sông Mekong mở rộng trong những tuần gần đây.

lu lut o Campuchia anh 2

Chùa Wat Har ở phía nam Phnom Penh vẫn bị ngập vài ngày sau khi nước dâng lên ở đây. Ảnh: Nikkei Asia.

Những cơn bão khiến mưa như trút nước ở Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Hậu quả là lũ lụt và lở đất đã giết chết nhiều người, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán và gây thiệt hại trên diện rộng về tài sản, cơ sở hạ tầng và mùa màng.

Lấp hồ lấy đất xây dựng

Lũ từ sông Mekong và phụ lưu hàng năm đổ về Campuchia và các nước láng giềng. Những trận lũ này đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp, ngư nghiệp và môi trường. Tuy nhiên, trận lũ quét do mưa lớn gần đây là trận lũ tồi tệ nhất trong nhiều năm qua.

Xuất hiện sau đợt hạn hán kéo dài, các chuyên gia cho rằng trận lũ này phù hợp với dự đoán rằng biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Tại Campuchia, quốc gia được Standard & Poor's xếp hạng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước rủi ro của biến đổi khí hậu, lũ lụt gần đây đã khiến ít nhất 40 người thiệt mạng, hàng chục xưởng may bị hư hại. Hơn 130.000 gia đình ở 19 trong số 25 tỉnh của Campuchia đã bị ảnh hưởng.

Thiên tai như vậy đã hướng sự chú ý vào việc tàn phá các vùng đất ngập nước và các hồ nước xung quanh Phnom Penh, vốn là vật cản lũ lụt tự nhiên.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hồi tháng 10 bác bỏ những chỉ trích rằng việc lấp hồ nước có vai trò trong các thảm họa. Ông Hun Sen nói lũ lụt là kết quả "tự nhiên" của việc mưa quá nhiều.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng quy hoạch kém và việc chính quyền coi thường hoạt động quản lý nước trong quá trình mở rộng thành phố đã làm trầm trọng thêm vấn đề.

Theo báo cáo của nhóm Sahmakum Teang Tnaut (STT), kể từ năm 2003, việc phát triển thành phố vệ tinh và cộng đồng nhà ở đã dẫn đến 60% hồ và hơn 40% diện tích đất ngập nước của thành phố Phnom Penh bị lấp lại.

Vụ việc nổi tiếng nhất là hồ Boeung Kak, hồ lớn nhất của Phnom Penh. Hàng nghìn người trong các cộng đồng ven hồ bị đuổi đi sau khi một công ty tư nhân bơm đầy cát để lấp hồ vào năm 2007.

Việc lấp hồ vẫn tiếp diễn. Kế hoạch phát triển khoảng 1.500 ha đất ngập nước ở phía nam Phnom Penh thành một khu dân cư và thương mại hỗn hợp khổng lồ được gọi là ING City đang được triển khai, với một phần ba diện tích đã được đổ đầy.

Trong nghiên cứu về tác động của dự án vào tháng 6, STT nhận thấy dự án có thể khiến hơn 1 triệu người bị lũ lụt ảnh hưởng nặng hơn. Khu vực ING City tiếp nhận gần 70% lượng nước mưa và nước thải của thành phố. Nơi đây là hệ thống lọc tự nhiên cho nước và nước thải trước khi đổ vào sông.

Marc Goichot, chuyên gia về hệ thống nước ngọt tại Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), cho biết việc "đổ lỗi cho ông trời" và chỉ tập trung vào biến đổi khí hậu “nghe rất suôn sẻ”. Tuy nhiên, các chính phủ cần phải chịu trách nhiệm về tác động của việc thay đổi mục đích sử dụng đất ở bãi bồi.

“Chúng ta đang tạo điều kiện khiến phải chịu nhiều thảm họa hơn”, ông Goichot nói. “Chúng ta gọi đó là thảm họa tự nhiên, nhưng chúng do con người tạo ra".

Ngành xây dựng của Campuchia có sự tăng trưởng bùng nổ trong những năm gần đây, với mức đầu tư tăng từ 5,5 tỷ USD lên gần 11 tỷ USD vào năm ngoái, theo số liệu của truyền thông địa phương. Phần lớn sự tăng trưởng này tập trung vào Phnom Penh, nơi hiện có 2,1 triệu dân.

lu lut o Campuchia anh 3

Những người sơ tán buộc phải ngủ trong lều ở ngoại ô Phnom Penh vào ngày 17/10 sau khi nước sông Mekong dâng lên. Ảnh: Nikkei Asia.

Phải thêm quản lý nước vào xây dựng đô thị

Saber Masoomi, Giám đốc của Tổ chức Wildfowl và Wetlands Trust tại Campuchia, cho biết quản lý nước cần trở thành yếu tố "cốt lõi" của quy hoạch đô thị và trong quá trình ra quyết định ở những lĩnh vực khác rộng hơn.

"Chúng ta cần chấp nhận rằng đất nước này đang phát triển nhanh chóng. Nền kinh tế, dân số và nhu cầu của nước này đang tăng lên. Đó là thực tế", ông Masoomi nói.

"Điều còn thiếu ở đây trước tiên là sự hiểu biết về các mô hình kinh tế xã hội của đất nước. Điều thứ hai là kế hoạch làm rõ cách thành phố nhiệt đới như Phnom Penh có thể giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước của mình. Nếu không có nền kinh tế đa dạng và mạnh mẽ, rất khó để chỉ tập trung vào các vùng đất ngập nước".

Đại diện của Bộ Quản lý đất đai, Quy hoạch và Xây dựng đô thị Campuchia không đưa ra bình luận về vấn đề này.

Một quan chức Campuchia có kiến ​​thức chuyên môn về quy hoạch nói việc lấp đầy các bãi bồi sẽ làm thảm họa ngập lụt trầm trọng hơn. Người này cũng cho rằng "chính trị" khiến việc từ chối các dự án như vậy rất khó khăn.

"Kể từ những năm 1400, khi nhà vua chuyển thủ đô từ Siem Reap đến Phnom Penh, họ đã biết thành phố có vấn đề với lũ lụt", viên chức giấu tên cho biết. "Bạn không bao giờ có thể thành công trong việc ngăn chặn lũ lụt, nhưng nếu chúng ta lấp các hồ nước, đó sẽ là thảm họa".

Cuối cùng, chuyên gia cho rằng giá bán bất động sản xây trên các vùng đất ngập nước đã được cải tạo có thể vượt xa giá trị của việc mất đi các chức năng tự nhiên của những nơi này.

Một nghiên cứu xuất bản năm ngoái ước tính các vùng đất ngập nước được đưa vào quy hoạch ​​phát triển ở phía nam Phnom Penh cung cấp khoảng 30 triệu USD cho việc xử lý nước thải, cung cấp thực phẩm và nước.

Courtney Weatherby, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Stimson, cho biết việc thay thế hệ thống tự nhiên bằng kiến ​​trúc kỹ thuật nhân tạo để quản lý nước thường tốn kém hơn rất nhiều về lâu dài.

"Chắc chắn là phải phát triển. Tuy nhiên, phải thật sáng suốt khi xem xét những thứ phải đánh đổi khi lấp các vùng đất ngập nước. Đôi khi, những thứ phải đánh đổi còn không nằm trong phương trình", bà Weatherby nói.

Bà Weatherby nói nguyên tắc thêm quản lý nước vào thiết kế đã được kiến ​​trúc sư và nhà quy hoạch đô thị nổi tiếng người Campuchia Vann Molyvann thiết lập.

Được biết đến là người có công xây dựng Campuchia, ông Molyvann hoàn thành hơn 100 dự án trong những năm 1950-1960 với tư cách là người đứng đầu các công trình công cộng và kiến ​​trúc sư của nhà nước.

Molyvann qua đời vào năm 2017, nhưng di sản của ông vẫn tồn tại trong một số tòa nhà và bài phát biểu mang tính biểu tượng - như bài phát biểu tại hội nghị vào năm 1999.

“Campuchia là một xã hội nửa đất, nửa nước và các thành phố nên được xây dựng không phải bằng cách lấp hồ mà hãy đưa quản lý nước vào thiết kế”.

Ông Hun Sen bác tin Trung Quốc đặt căn cứ quân sự tại Campuchia

Nhà lãnh đạo bác bỏ thông tin quân đội Trung Quốc sẽ đến đồn trú tại Campuchia, sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy hai tòa nhà do Mỹ tài trợ tại một căn cứ hải quân đã bị phá hủy.

Chính phủ Mỹ chia buồn và viện trợ Việt Nam để khắc phục mưa lũ

Chính phủ Mỹ gửi lời chia buồn vì những mất mát trong thiên tai và công bố 200.000 USD viện trợ nhân đạo để hỗ trợ nỗ lực ứng phó lũ lụt tại Việt Nam và Campuchia.

Như Trần

Bạn có thể quan tâm