Đại dịch Covid-19 đã cướp đi công việc của anh Zeng Hailin tại một cơ sở may mặc thuộc tỉnh Chiết Giang. Anh quyết định trở về quê hương, một ngôi làng thuộc tỉnh An Huy, song rắc rối vẫn không dừng lại.
Những trận mưa lớn bắt đầu đổ xuống khu vực này từ hồi tháng 7, khiến các con sông gần nhà anh Zeng tràn bờ. Một đêm nọ, anh hoảng sợ tỉnh dậy thì thấy nước đã dâng đến ngực: “Mặt đất hóa thành bùn, tôi không thể đi lại vì quá trơn trượt”.
Anh Zeng Hailin, một người dân sống tại tỉnh An Huy: NPR. |
Trong tình cảnh ấy, anh Zeng không thể di chuyển người mẹ 81 tuổi bị liệt toàn thân. Anh quyết định đặt mẹ vào một chiếc chậu nhựa lớn rồi đẩy bà ra thuyền cứu hộ. Hiện Zeng đang trú tạm trong một trường học lân cận và mẹ anh được gửi đến nhà người thân.
Theo ước tính của Bộ Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Trung Quốc, đợt mưa năm nay khiến hơn 40.000 ngôi nhà sụp đổ, ít nhất 158 người thiệt mạng hoặc mất tích. Hiện tượng thời tiết cực đoan còn làm ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 55 triệu người từ 27 tỉnh thành của Trung Quốc.
Những con đập không thể chống lũ
Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết mực nước tại 433 con sông đã dâng lên mức nguy hiểm hồi giữa tháng 7. Một số đập bị vỡ hoặc tràn bờ, gây hiện tượng ngập úng cho khu vực lân cận, bao gồm ngôi làng Hà Khẩu thuộc tỉnh An Huy.
Bà Tang Anfeng, một người dân trong làng, cho biết: “Con đường trước nhà chúng tôi đã hóa thành một con sông”. Giống như phần lớn các ngôi nhà cùng làng, nhà của bà Tang đang chìm trong biển nước với đồ đạc và hoa màu đều bị hư hỏng nặng.
Bà Tang, 60 tuổi, cho biết làng Hà Khẩu xảy ra lũ lụt hàng năm song mực nước chỉ dâng cao đến mắt cá chân trong suốt một thập kỷ qua. Năm nay, mực nước kỷ lục khiến dấu vết ẩm mốc cao gần đến trần nhà của bà Tang.
Bà Tang Anfeng, một người dân trong làng Hà Khẩu. Ảnh: NPR. |
“Bất cứ khi nào trời mưa lớn, các con đập lại xả nước. Nước tràn vào làng và chúng tôi luôn phải chịu đựng”, bà Tang cho biết.
Năm 1958, giới chức địa phương bắt đầu xây dựng dự án 9 con đập giúp kiểm soát dòng nước lũ gần làng Hà Khẩu. Ngày nay, các con đập không chỉ điều tiết nước chảy về hồ chứa, thủy điện mà còn cấp nước sinh hoạt cho nhiều thành phố lân cận.
Dù vậy, hệ thống đập vẫn phải xả nước khi có các đợt mưa nghiêm trọng. Brian Eyler, chuyên gia từ tổ chức nghiên cứu Stimson, nhận xét: “Chính quyền sẽ phải quyết định xả nước và làm ngập những khu vực nào”.
Sở hữu nhiều tuyến đường thủy quan trọng, Trung Quốc luôn đối mặt với nguy cơ lũ lụt và ngập úng. Đội ngũ kỹ sư thường phải tính toán phương án xả nước lũ để phòng tránh nguy cơ vỡ đập.
Ông Eyler bình luận: “Hiện tượng biến đổi khí hậu cho thấy những cơn bão sẽ nghiêm trọng hơn. Con người có thể thiết kế đập để phòng lũ song không thể chống chọi trước các hiện tượng thời tiết cực đoan”.
Thành phố bọt biển
Khi diễn biến mùa mưa trở nên nghiêm trọng, nhiều thành phố dọc bờ sông cần xem lại chính sách quản lý nguồn nước.
Kiến trúc sư nổi tiếng kiêm giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, ông Yu Kongjian, nhận xét Trung Quốc đang lạm dụng cơ sở hạ tầng “xám” để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Ông cho rằng nguyên vật liệu xây dựng nhân tạo không thể chống chịu khi thiên tai ập đến.
Năm 2014, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn đã ban hành bản hướng dẫn quốc gia giúp các thành phố tối đa hóa khả năng thoát nước tự nhiên.
Đợt mưa năm nay ở Trung Quốc khiến hơn 40.000 ngôi nhà sụp đổ, 158 người thiệt mạng hoặc mất tích. Ảnh: AP. |
Dự án này được đặt tên là xây dựng “thành phố bọt biển”, đặt mục tiêu đưa 20% diện tích đất sinh hoạt của 658 thành phố đạt tiêu chuẩn thoát nước vào cuối năm 2020. Dự án đưa ra nhiều biện pháp cụ thể như xây vườn trên sân thượng hay sử dụng nguyên liệu dễ thấm hút, ước tính mức kinh phí hàng năm là 57,5 tỷ USD.
Chuyên gia Yu cho biết: “Ý tưởng về dự án này là giữ nước, làm sạch nước và trả nước về với tự nhiên. Thay vì đưa nước ra ngoài đại dương, chính phủ khuyến khích người dân tận dụng thiên nhiên để điều tiết và xử lý nước mưa như một loại tài nguyên”.
Ông Yu cũng bổ sung thêm: “Đây là một kế hoạch lớn nhằm tái tạo cơ sở hạ tầng sinh thái, trong đó nước là một yếu tố quan trọng”.
Sáng kiến này mới được triển khai ở giai đoạn đầu. Vào năm 2017, hệ thống cống rãnh, kênh rạch của 19 trong số 30 “thành phố bọt biển” thí điểm vẫn bị tràn, ngập úng.
Chuyên gia quy hoạch đô thị Faith Chan nhận định: “Những người không làm việc trong lĩnh vực quy hoạch đô thị hoặc thủy văn thường hiểu sai về dự án này. Họ kỳ vọng các thành phố bọt biển là siêu giải pháp”.
Dù vậy, chuyên gia Yu vẫn tỏ ra lạc quan: “Các cấp chính quyền nên thử giải pháp này để thay thế cơ sở hạ tầng xám, dù mọi việc sẽ mất nhiều thời gian”.