Ngày 31/8, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang mở cửa cống, xả lũ đập Tha La và Trà Sư (huyện Tịnh Biên).
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết việc vận hành xả lũ hai đập Tha La, Trà Sư là hoạt động thường niên nhằm kiểm soát lưu lượng dòng chảy, giảm áp lực nước đối với vùng thượng nguồn.
Tỉnh An Giang xả lũ đập Tha La. Ảnh: M.Anh. |
Cùng với đó, việc xả lũ cũng cung cấp phù sa, góp phần thau chua rửa mặn, vệ sinh đồng ruộng.
Tại thời điểm xả lũ, mực nước lũ sông Cửu Long ở mức báo động II. Nước ngoài đập Tha La 4,01 m, trong đập 2,5 m, chênh lệch cột nước là 1,51 m, cao hơn cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 1,02 m và 0,52 m.
Tại đập Trà Sư mực nước ngoài đập đạt 3,9 m, trong đập là 2,45 m, chênh lệch cột nước là 1,45 m, cao hơn so cùng kỳ năm ngoái lần lượt là 0,93 m và 0,49 m.
Năm nay, nước lũ về sớm, mạnh nên An Giang xả lũ sớm hơn một tháng. Ảnh: M.Anh. |
Lãnh đạo ngành nông nghiệp An Giang cho biết năm nay, lũ về sớm và lớn hơn mọi năm nên thời gian xả lũ sớm hơn gần một tháng. Trước khi vận hành xả lũ ở 2 đập Tha La và Trà Sư, tỉnh An Giang đã thống nhất thời gian xả đập với tỉnh Kiên Giang và TP Cần Thơ.
Đập Tha La và Trà Sư được đưa vào quản lý, vận hành từ tháng 5/2000, có chức năng điều tiết lũ từ thượng nguồn Campuchia ra biển Tây...
Những ngày qua, tại các xã Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) nước lũ đã tràn các cánh đồng. Nhiều tuyến đường nội đồng, giao thông nông thôn trên địa bàn bị chia cắt, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Vùng trũng huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) bị ngập sâu. Ảnh: D.Út. |
Nước lũ dâng cao, chảy tràn qua mặt đường khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Năm nay lũ về sớm và lớn hơn trung bình nhiều năm đã khiến một số khu vực đầu nguồn của Hồng Ngự ngập sâu, có nơi từ 2-3 m.
Huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp (khoanh đỏ). Ảnh: Google Maps. |