HÀ GIANG SAU TRẬN LŨ DỮ
5 người thiệt mạng, 230 nhà bị sập cùng hàng chục tỷ đồng thiệt hại về tài sản, hoa màu là những mất mát mà mưa lũ gây ra ở Hà Giang vài ngày qua.
Mất người thân, mất nhà
12h ngày 24/6 tại Quảng Đông (Trung Quốc), anh Lò Chính Cồ (Quản Bạ, Hà Giang) ngồi vào bàn ăn sau một buổi sáng phát cỏ mệt nhoài trong rừng. Chuông điện thoại reo, người quản lý gọi anh ra nghe máy. Thông báo từ người anh nơi quê nhà khiến anh Cồ rùng mình. Bỏ dở bát cơm, anh cùng mấy người trong làng đang làm việc ở Trung Quốc bắt vội chuyến xe lúc 14h về Việt Nam.
Trưa 25/6, anh có mặt tại bản Tùng Nùn (Lùng Tám, Quản Bạ). Một cảnh tượng tan hoang đập vào mắt người đàn ông 40 tuổi này, ngôi nhà thân thuộc sau nửa năm đi làm ăn xa nay trở về chỉ còn là một bãi đất trống. Chiều 26/6, anh Cồ lặng lẽ lo hậu sự cho vợ và đứa con gái mới 5 tuổi bị lũ cuốn trôi.
Ngồi sụp xuống bên cạnh đường dẫn nước ngày thường vốn khô cong, mấy hôm nay bỗng ăm ắp nước, Lù Xuân Hồng tỉ mẩn rửa đầu thu phát sóng tivi -thứ gần như duy nhất trong nhà còn sót lại mà em tìm được sau trận lũ rạng sáng ngày 24/6.
Hồng còn nhớ như in ngày hôm đó em sang chơi nhà hàng xóm, bố mẹ đi bắt gà, lũ ập đến bất ngờ cuốn phăng căn nhà của em. Bộ quần áo Hồng đang mặc được bà nội mua vội trong phiên chợ gần đây.
Sống hơn nửa đời người nhưng đây là lần đầu tiên bà Vàng Thị Dính (Tùng Nùn, Lùng Tám) chứng kiến cảnh nước lũ dâng cao ngang ngực. Cả gia đình bà chỉ nghĩ mưa to hơn bình thường một chút nhưng khi nước mỗi lúc một xối xả, cả nhà hò hét nhau chạy lên những chỗ cao hơn.
Tận mắt chứng kiến ngôi nhà chắt chiu bao nhiêu năm mới gây dựng được cùng toàn bộ tài sản theo lũ cuốn trôi, người phụ nữ tội nghiệp chỉ biết than trời.
Đó chỉ là 3 trong số 230 ngôi nhà đổ sập trong tích tắc trong trận lũ tại huyện Quản Bạ (Hà Giang) hôm 24/6. Mưa lớn còn làm trên 270 ha cây cối, hoa màu bị ngập úng. Nhiều đoạn trên tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ bị vùi lấp, gây ách tắc giao thông; đường tỉnh lộ thuộc địa phận xã Lùng Tám - Thái An bị sạt, lở nhiều địa điểm với khối lượng ước tính khoảng gần 19.000 m3 đất, đá và hỏng hơn 2.600 m2 mặt đường…
Địa phương ước tổng thiệt hại trên 50 tỷ đồng.
Hà Giang cùng với Lai Châu là 2 địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất về người, tài sản trong đợt lũ vừa qua. Hai tỉnh có gần 20 người thiệt mạng, 11 người còn mất tích. Tổng thiệt hại kinh tế trên 400 tỷ đồng.
Khung cảnh tan hoang ở vùng rốn lũ
Sau khi đặt chân đến bản Tùng Nùn, trải qua việc phải dừng xe chờ máy xúc dọn dẹp đất đá văng ra chắn ngang đường, nhiều người không giấu nổi sự mệt mỏi. Có đoạn cả tảng đá án ngữ giữa đường, phải mất hai ngày mới tạo được lối đi nhỏ cho xe máy và người đi bộ qua lại.
Dù cơn lũ đã đi qua vài ngày nhưng khi đến nơi, người ta vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy một vùng đất trắng xóa sỏi đá. Nếu không được giới thiệu, có lẽ chẳng ai nghĩ đây từng là nơi sinh sống của 6 hộ gia đình.
Những thanh gỗ vốn là ván tường giờ xếp ngổn ngang, quần áo chất chồng thành từng đống nhỏ, xoong nồi bị bùn đất bám chặt, một đụm ngô thi nhau mọc tua tủa mầm xanh, vài quyển sách giáo khoa nhăn nheo, rúm ró.
Phía xa, dòng nước lũ ào ào đổ xuống từ trên đỉnh núi vẫn còn in hằn dấu vết.
Anh Cồ đôi mắt đã bớt đỏ, tha thẩn đi quanh ngôi nhà mà giờ đây nhìn kỹ chỉ thấy phần móng. Anh xem xét lại mấy vật dụng còn sót lại. Đó là vài chiếc bát, mấy cái xoong, thêm bộ quần áo, vài đồ bị rách nát, vỡ vụn.
Người đàn ông không sõi tiếng Kinh, chỉ bập bẹ được vài tiếng, lẩm bẩm: “Mất hết rồi”.
Cách chỗ anh vài chục mét, bà Dính bóc từng vỏ ngô rồi để ra chỗ khô ráo, hai anh em người dân tộc Mông xách theo ít thóc, vài đứa trẻ vô tư nghịch nước ở dòng suối mới được tạo ra mấy ngày trước. Những người phụ nữ lặt lạnh hết chỗ này rồi qua chỗ khác.
Vừa xếp các thùng ong lên xe, anh Tráng Thìn Lù kể 3h sáng nhận được tin mưa lớn, ong bay ra ngoài hết, anh vội vàng đến bản cách nhà 30 km. "Lúc ấy nước mới đến bắp chân, bê vội những thùng còn nguyên lên hiên nhà cao hơn, quay đi quay lại thì lũ ập đến, cuốn đi hết. 210 thùng ong giờ còn vài chục thùng", anh nói.
Ngôi nhà của người họ hàng trông coi đàn ong lúc anh Lù vắng mặt may mắn vẫn còn trụ vững nhưng đất cát đọng lại chật cứng bên trong. Các đoàn thiện nguyện cùng bà con dân bản thay nhau đào xới.
Đứng dậy sau lũ
Sân trường tiểu học xã Lùng Tám bỗng chốc nhộn nhịp hơn ngày thường, người lớn lựa chọn những chiếc áo cũ vừa với cơ thể, những đứa trẻ hồn nhiên nô nghịch. Có lẽ chúng chưa cảm nhận được mình vừa sống sót qua một cơn lũ hiếm gặp. Những gia đình bị lũ cuốn trôi nhà cửa được bố trí ở tạm tại các lớp học.
Nhiều đoàn thiện nguyện khi nghe tin đã lập tức lên đường mang đồ cứu trợ đến với bà con dân bản. Những hộp mỳ tôm, những bao gạo, những chai nước sạch được đưa đến tận tay người dân.
Ông Lý Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Lùng Tám, cho biết cho đến đầu giờ chiều 27/6, hầu hết tuyến đường của xã đã được khai thông. Những nhà bị hư hại được dọn dẹp và điện đang được sửa chữa. Các hộ mất nhà sẽ được hỗ trợ chuyển đổi đất ở, xây dựng nhà cửa, kêu gọi tài trợ để người dân sớm có cuộc sống ổn định.
Anh Cồ loay hoay, bối rối trước sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhiều đoàn. Có lẽ trong cuộc đời mình có nằm mơ anh cũng không nghĩ những chuyện đã qua xảy ra với anh. Việc làm ở bên kia biên giới anh mới đi được nửa năm với hy vọng gia đình sẽ có một cuộc sống khấm khá, no đủ hơn, nhưng giấc mơ ấy chưa thành hiện thực thì tai họa ập đến.
Tâm sự với phóng viên Cồ bảo có lẽ sẽ nghỉ công việc đang làm ở Trung Quốc với mức lương 300.000 đồng/ngày để ở nhà lo hương khói cho hai mẹ con và chăm sóc mấy đứa nhỏ.
Anh Lù, chủ của 210 thùng ong cũng chia sẻ: "Mất thì đã mất rồi, tôi đợi một thời gian nữa tình hình ổn định rồi lại tiếp tục nuôi ong thôi. Làm nghề 15 năm rồi sao bỏ được".
Những người đàn ông Mông, những người phụ nữ Tày, dù ở độ tuổi nào đi nữa thì đây đều là lần đầu tiên họ chứng kiến một cơn lũ lớn như vậy. Có người mất nhà, người mất vợ, mất con trâu, con lợn... đó là cả gia tài chắt chiu bao năm mới có được.
Gặp họ những ngày này chẳng hề cảm thấy sự bi quan, lo lắng về những gì đã xảy đến và những gì sẽ diễn ra phía trước. Bởi sự cố ập đến, đối với họ, đó là ý trời, khi mà miếng cơm manh áo của những con người hiền lành, chất phác ấy vẫn còn phải phụ thuộc vào những nương ngô, nương rẫy, những hạt lúa, củ khoai...