Tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của văn hào Leo Tolstoy có hơn 550.000 từ. Cuốn Hồi ký của một geisha có hơn 180.000 từ. Theo các trung tâm trên, những tiểu thuyết kinh điển này có thể được hoàn tất chỉ trong vài phút.
Chỉ có điều, các trung tâm này đang bị chỉ trích là thiếu khoa học, và đánh vào tâm lý muốn con cái vượt trội của các bậc cha mẹ.
Cuộc thi nói trên được tổ chức bởi Xinzhitong, một trung tâm giáo dục ở Bắc Kinh. Trung tâm này phủ nhận có liên quan tới cuộc thi, nói rằng tên của họ được dùng mà chưa xin phép.
Nhưng một số trung tâm khác ở Trung Quốc - ở Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang), Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) và Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây) - xác nhận có dạy về cách đọc thần tốc, theo South China Morning Post.
Trang tin PearVideo đưa tin về cuộc thi vào ngày 14/10. Theo video từ cuộc thi, cách đọc này nằm ở chỗ nếu giở lướt các trang sách thật nhanh, hình ảnh sẽ đi vào đầu của người đọc, giúp họ hiểu nghĩa.
Những người tổ chức lập luận rằng việc lướt qua các trang sẽ khiến hình ảnh hiện ra trong đầu người đọc, giúp họ hiểu nội dung. Ảnh: PearVideo. |
Cuộc thi này cho biết sau 72 lớp học, các em học sinh có thể đọc cuốn sách 100.000 từ trong vòng 5 phút.
Phương pháp này - có tên “đọc thần tốc lượng tử” - được dựa trên một cuốn sách của giáo viên Nhật Bản Yumiko Tobitani.
“Sau một thời gian tập luyện, khoảng 5-12 ngày, với nhạc và thẻ tập ghi nhớ, cùng sự giúp đỡ của giáo viên, học sinh có thể cảm thấy hình ảnh trong sách, thậm chí không cần giở sách ra. Các em có thể cảm thấy trong đầu hoặc trên trán”, Liu Yazhao, chủ một trung tâm dạy đọc thần tốc, cho biết.
Tuy nhiên, không trung tâm nào trả lời rõ khi South China Morning Post yêu cầu giải thích chi tiết.
Các nhà khoa học đã nói phương pháp đọc này không có cơ sở. Cảnh sát ở Tứ Xuyên đã chia sẻ thông tin về cuộc thi trên mạng xã hội Weibo ngày 14/10 với bình luận: “Lại thêm cú lừa mới?”
Yuan Lanfeing, nhà hóa học ở Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, nói các khóa học trên là “tào lao” và chỉ là một trong những sản phẩm và dịch vụ Trung Quốc dùng ngôn ngữ khoa học để lừa bịp công chúng.
Hình ảnh về cuộc thi được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Ảnh: PearVideo. |
“Đầu thế kỷ 21, có các sản phẩm với từ ‘nano’, còn bây giờ lại chuyển sang dùng ‘lượng tử’ (quantum) - như tất lượng tử, đệm giày lượng tử... bây giờ lại có đọc thần tốc lượng tử”, ông nói. “Sáng tạo thật!”
Xiong Bingqi, giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 ở Bắc Kinh, nói các bậc cha mẹ sẵn sàng tin những khóa học nói trên vì lo lắng cho việc học hành của con cái.
“Một số cha mẹ có học thức và có điều kiện, nhưng họ vẫn vô lý trong việc giáo dục con cái - chỉ hy vọng con cái trở thành thần đồng ngay lập tức”, Xiong nói.
“Họ nghĩ nếu con cái họ học khóa học mà những đứa trẻ khác không học, chúng sẽ có cơ hội mà các em khác không có. Quan niệm này giúp những trung tâm gia sư này tồn tại, thậm chí phát triển, dù lớp học của họ không có căn cứ khoa học”, ông nói.