Phát triển văn hóa đọc là vấn đề được quan tâm, chú trọng trong thời gian gần đây. Bên cạnh các cơ quan quản lý, các cá nhân, tổ chức, hội nhóm đang hình thành, hoạt động tích cực cổ vũ mọi người đọc sách. Nhân dịp ra mắt Đọc sách con đường gian nan vạn dặm, tác giả Nguyễn Quốc Vương cùng các diễn giả là ông Nguyễn Minh Tuấn (Giám đốc công ty sách Quảng Văn), bà Sao Mai (trưởng dự án Điểm đọc Việt Nam) có buổi trò chuyện về đọc sách cuối tuần qua.
Người biết chữ tăng lên, nhưng người đọc sách không tăng?
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Vương nói khái quát về vai trò của việc đọc sách với sự phát triển một quốc gia. Ông nói: “Về khát vọng phát triển dân tộc, người dân nào cũng muốn đất nước mình hóa rồng, hóa hổ. Nếu đọc lại lịch sử nhân loại, ta nhận thấy sự phát triển luôn là một quá trình liên tục và nó phải có nền tảng”.
Các diễn giả trong buổi tọa đàm về phát triển văn hóa đọc hôm 21/9. |
Chứng minh cho nhận định này, ông Nguyễn Quốc Vương nói về việc đọc ở Nhật Bản - nơi ông có nhiều năm làm nghiên cứu sinh. Hiện nay Nhật là nước phát triển, nhưng họ bắt kịp tiến độ phương Tây không chỉ bởi biết nắm bắt thời cơ, mà còn do nền tảng. Trước khi cải cách Minh Trị, họ đã có 10 năm mở cửa, vì thế có cơ sở để phát triển. Cho tới khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, sau sai lầm, họ cũng nhanh chóng trở lại vũ đài chính trị. Trước đó, Nhật là nước tỷ lệ người dân có trình độ đọc và viết cao. Mọi công việc họ làm đều dựa trên năng lực đọc, tính toán.
Ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng Anh luôn là một trong những quốc gia xuất bản sách, đọc sách, xuất khẩu và nhập khẩu sách nhiều nhất thế giới. Hiện nay Mỹ là quốc gia số một về xuất bản sách và đọc sách nhiều nhất thế giới. Cả hai đất nước này, một là quốc gia phát triển bền vững, một quốc gia đứng đầu thế giới trên nhiều phương diện.
Trong khi đó, tình trạng đọc sách ở Việt Nam chưa mấy khả quan. Trước năm 1945, tỷ lệ người mù chữ quá nhiều, sau thời gian nỗ lực đẩy lùi “giặc dốt”, hiện nay hầu hết đều biết chữ, nhưng cũng không nhiều người đọc sách. Ông Nguyễn Quốc Vương nói đầu thế kỷ 20, sách Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh in 3.000 bản, khi ấy dân số khoảng 20 triệu người. Sau gần 100 năm, đến nay sách của chúng ta cũng in khoảng 3.000 bản mỗi cuốn, trong khi dân số đã hơn 90 triệu người.
Cuốn Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm. |
‘Thế kỷ 19, cuốn Khuyến đọc của Nhật đã bán gần 1 triệu bản. Con số hàng triệu bản cho thấy đọc sách là nền tảng sự phát triển bền vững. "Ta cũng thấy các nước phát triển, nước mạnh trên thế giới hiện nay đều là những nước có nền xuất bản phát triển, người dân đọc sách nhiều. Chừng nào chúng ta không đọc sách, gia đình không có tủ sách, hướng con đọc sách, nhà trường không phát triển thư viện thì đất nước vẫn bên rìa phát triển”, ông Vương nói.
Ông Nguyễn Quang Thạch - người được UNESSCO vinh danh vì những cống hiến với chương trình Sách hóa nông thôn - kể khi ông còn nhỏ, mùa hè nào cũng được một người thân trong họ bắt xe ra thành phố mua sách về cho con cháu đọc. “Làng tôi hồi ấy có tủ sách, ông tôi, cha tôi, chú tôi, chúng tôi đều đọc sách. Chương trình Sách hóa nông thôn mà tôi đang làm hiện nay, có người nói cũng là nỗ lực để các làng có tủ sách như làng tôi trước kia mà thôi”, ông Thạch nói.
"Chúng ta lười và không có động lực đọc sách"
Bà Sao Mai kể trong một chương trình tặng sách tại Hiệp Hòa, Bắc Giang mà bà tham gia gần đây, ban tổ chức có phát cho các em học sinh một phiếu câu hỏi. Hầu hết học sinh đều trả lời quá lâu rồi không đọc sách gì ngoài sách giáo khoa; nhiều học sinh nói đã 10 năm rồi không được tặng sách và nếu được tặng thì mong muốn bố mẹ là người tặng.
Trên dọc dài hành trình phát triển chương trình Sách hóa nông thôn, ông Nguyễn Quang Thạch gặp rất nhiều cảnh cha mẹ không đủ tài chính mua sách cho con, một cuốn sách giá 100.000 đồng, phụ huynh phải đắn đo rất lâu.
Không ai phủ nhận tầm quan trọng của đọc sách, nhưng làm thế nào để phát triển văn hóa đọc là vấn đề cần nỗ lực lớn. Việc đọc trước tiên là công việc hết sức riêng tư, cá nhân, nên phát triển văn hóa đọc từ mỗi người là điều thiết yếu.
“Chúng ta lười và không có động lực. Qua độ tuổi sinh viên, điều gì tác động để thay đổi một người là rất khó. Vì vậy, muốn khuyến đọc cần tạo thói quen từ nhỏ. Nếu cha mẹ không tạo thói quen đọc sách cho con từ nhỏ thì sau này rất khó tạo lập thói quen, niềm yêu thích đọc sách”, ông Quốc Vương nói.
Để thay đổi nhận thức, thói quen, nên bắt nguồn từ môi trường. Ông Nguyễn Quốc Vương cho biết ông đọc sách từ 6 tuổi là bởi sống ở vùng quê nghèo nhưng gia đình có tủ sách: “Anh chị em tôi không học thêm, không đến lò luyện thi nhưng vẫn vào đại học, vẫn đi du học. Tôi rất hạnh phúc với thời đi học của mình vì có sách. Giờ con của tôi cũng nghiện sách, một ngày không được đọc sách là nó phát cuồng. Chúng tôi sinh ra, lớn lên trong môi trường sách, nên tự yêu thích việc đọc”.
Ông Nguyễn Quốc Vương trong một buổi trò chuyện về đọc sách với học sinh THCS Lý Tự Trọng, Bắc Giang. Ảnh: FB nhân vật. |
Ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng để khuyến đọc cần ba yếu tố: Cá nhân, hoạt động của NXB và những người làm luật. Ở phương diện cá nhân, việc đọc sách nên được hình thành từ gia đình, nhà trường. Đọc sách cũng không nên chỉ đọc, mà cần có sự chia sẻ. Về phía các NXB, làm sách hay sách tốt là điều đương nhiên, những người làm xuất bản, trí thức còn phải dấn thân cho sự nghiệp khuyến đọc.
Về quản lý, nên khuyến khích những hội nhóm, những người hoạt động thư viện tình nguyện. Ở Mỹ, có những người nghỉ hưu, họ đến các trường tiểu học, mầm non đọc sách cho trẻ nghe. Vai trò luật pháp, những người làm luật cũng rất quan trọng. Ở Nhật, không những luật về xuất bản, bản quyền chặt chẽ mà có cả luật chấn hưng văn hóa đọc. Luật hoàn thiện sẽ là cơ sở, nền tảng cho xuất bản, văn hóa đọc phát triển.
Theo bà Sao Mai, trước đây, thời điểm Nguyễn Quang Thạch xây dựng chương trình Sách hóa nông thôn là những bước đầu khuyến đọc, hoạt động có thể khó khăn. Hiện nay đã có nhiều cá nhân, hội nhóm tích cực thúc đẩy đọc sách. Nếu các cá nhân, hội nhóm này cùng liên kết, chung tay sẽ lan tỏa rộng hơn tình yêu với đọc sách.