Để xây dựng lại được nền kinh tế với những thương hiệu hàng nội lên ngôi như năm xưa liệu có khả thi?
Tôi còn nhớ khi là phóng viên mặt trận, rồi lần đầu tiên đặt chân vào Sài Gòn, tôi đã ngỡ ngàng khi thấy những tấm biển quảng cáo khổng lồ ở chợ Bến Thành với lời quảng cáo rất bình dân, pha chút hài hước: Trồng lúa mới có gạo ăn. Thế mà đã có người phải trồng răng mới có răng mà ăn… Ngạc nhiên vì sống trong nền kinh tế phân phối sao nghĩ được người ta phải quảng cáo.
Thước đo giá trị và thành công của họ là sản phẩm
Đến khi sử dụng kem đánh răng Hynos, tôi càng ngạc nhiên hơn vì nó là hàng nội mà quá tốt. Hynos khác hẳn với những tuýp kem đánh răng tôi đã dùng trước đó cứng như xà bông, phải mài bàn chải vào mới ra bột, mùa đông thì cứng ngắc phải lấy búa đập cho rơi ra rồi ngâm nước cho mềm mới dùng được…
Sau những ấn tượng ban đầu đó, tôi đi viết về mảng công thương nghiệp, đã gặp gỡ rất nhiều các nhà doanh nghiệp (DN), tư sản dân tộc ở Sài Gòn, ở khu công nghiệp Biên Hòa… Tôi chỉ kể về một người trong số đó mà ít ai biết, đó là ông Lê Kim Cánh, chủ DN dệt Nam Hòa.
Ông Cánh không được đào tạo kỹ sư bao giờ nhưng ông sáng chế ra máy hồ tơ sợi được cấp bằng phát minh. Nhờ đó, nhiều DN không phải mang sản phẩm ra nước ngoài để hồ nữa. Vậy mà ông tự nguyện hiến cho Nhà nước nhà máy dệt của mình với cả 300 công nhân, đặc biệt là ông hiến luôn 15 tấn sợi còn trong kho, thời điểm năm 1976 số sợi này quý như vàng.
Đến cả Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh cũng ngạc nhiên, hỏi tôi là trường hợp này lạ quá. Tôi trả lời với anh Linh là vì lòng yêu nước của họ lớn quá.
Trừ những thành phần tư sản mại bản, tầng lớp tư sản dân tộc có rất nhiều người yêu nước. Vì yêu nước và sự tự hào về bản thân mà họ kỳ công nghiên cứu, tìm tòi để làm ra những sản phẩm đẹp nhất, tốt nhất. Thước đo giá trị và thành công của họ chính là sản phẩm. Đấy còn là vinh dự và sự tự hào.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ hàng nội cũng rất quan trọng. Ví dụ, ngày xưa Sài Gòn nhập giấy nên một dạo báo chí in rất đẹp. Đến khi xây dựng Nhà máy giấy Cogido thì nhập giấy bị xét duyệt rất chặt, người ta chỉ cho nhập nguyên liệu làm giấy để trộn với bột tre nội mà làm ra giấy.
Có một điều mà ít ai biết, đó là Nhà máy thủy điện Đa Nhim khởi công năm 1962, dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm được xây dựng bằng xi măng Hải Phòng.
Sở dĩ có chuyện lạ lùng này vì nhà máy do Nhật Bản viện trợ, mà xi măng của Nhật vốn mua lại của xi măng Hải Phòng rồi may thêm một cái bao mới phía ngoài, nên khi xé ra vẫn thấy nhãn hiệu của xi măng Hải Phòng bên trong. Được Pháp xây dựng, xi măng Hải Phòng rất tốt, xuất ngoại nhiều nhưng sau một thời gian dài trở thành quốc doanh đã mất hết, mấy ai dùng xi măng Hải Phòng nữa.
Dầu cù là Mac Phsu vang bóng một thời. Nay đã trở lại thị trường với tên gọi mới Cao xoa Con Công.
|
Đốt đuốc ban ngày không tìm được doanh nghiệp chân chính
Việc quốc hữu hóa đã làm không còn nhà tư sản dân tộc nào nữa. Điều này không chỉ gây những khó khăn cho nền kinh tế những năm sau 1975, mà còn di họa đến nhiều năm sau.
Năm 1986 bắt đầu đổi mới, 100 DN đăng ký hoạt động đầu tiên tôi biết đến nay còn ai đâu. Có rất nhiều lý do giải thể, nhưng phần lớn họ lập DN để mua bán lòng vòng, luồn lách tìm những kẽ hở luật pháp để kiếm tiền.
Tôi đã viết gần 1.000 phóng sự giai đoạn này, phải nói là đốt đuốc giữa ban ngày để đi tìm được DN chân chính. Có quá ít những DN vẫn giữ được mình như sứ Minh Long.
Đến nay sứ Minh Long vẫn giữ đúng tôn chỉ là làm hàng chất lượng, nhiều khách sạn đã không dùng đồ sứ Trung Quốc nữa mà chuyển qua dùng sứ Minh Long, vì trong men sứ không có chì nhưng đây chỉ là con số ít.
Thậm chí trong số ít này, có những DN tôi nhận định là họ chưa đủ điều kiện tha hóa mà thôi. Bởi vì mầm mống để tạo nên DN chân chính, nguồn gốc nhân bản, đạo lý đã bị đánh bật khỏi gốc rễ, đội ngũ này dễ biến thành con thú sớm nhất. Người ta lao theo đồng tiền, đặt lợi nhuận là trên hết, bất chấp mọi thứ.
Tôi đã đặt mua cá lăng ở tận hồ Trị An, vì hy vọng cá hồ sẽ an toàn hơn. Nhưng sau này tôi mới biết cá đó cũng là cá nuôi bè và mấy tuần trước khi bán cho thương lái, người ta vỗ béo chúng bằng thức ăn có trộn chất tăng trưởng.
Đến một DN xây dựng nhỏ, nhận sửa một căn nhà. Họ đập tan nát hết bếp và toilet rồi để đấy, bỏ đi làm công trình khác chán chê mới quay lại sửa, mặc kệ gia chủ khổ sở không có chỗ nấu ăn và vệ sinh, vì họ cũng chỉ phải đợi chứ không có cách nào khác, do đã lỡ đặt cọc tiền.
Những cách làm ăn thất nhân tâm, không cần biết chữ tín đó nhan nhản hằng ngày.
Có những DN lớn chỉ đi sản xuất hàng kém chất lượng hoặc tìm cách rửa tiền. DN lớn nhưng không phải đi lên bằng trí óc mà bằng mưu mẹo để làm giàu. Họ sẵn sàng nhập những công nghệ cũ, lạc hậu của Trung Quốc, miễn có tiền. Họ là nơi để nhóm lợi ích vịn vào.
Phải khuếch trương lòng yêu nước thì mới có sản phẩm tốt
Để thay đổi lại quan điểm kinh doanh phải khuếch trương lên về tình yêu nước thiết tha, lòng nhân ái với con người, với nòi giống mới trụ vững trước sức cám dỗ của đồng tiền. Mà cái đó thì yếu ớt lắm, mong manh quá.
Tôi không quá bi quan, tôi đặt niềm tin vào lớp hậu sinh sau này, vào các bạn trẻ đang khởi nghiệp. Họ thông minh, có kiến thức, năng động nhưng họ đang khởi nghiệp mà không có sự nâng đỡ.
Nếu thất bại họ dễ có nguy cơ đi theo vết chân sai lầm của người trước thì rất nguy hiểm. Có vẻ hơi mơ mộng nhưng tôi vẫn đặt niềm tin vào đấy.
Ông Ngô Tấn Giác, chủ DN cà phê Thu Hà - Gia Lai:
Người xưa làm ra sản phẩm là thứ bản thân họ hài lòng
Tôi nghĩ nguyên tắc kinh doanh của người xưa là dựa theo câu nói của Khổng Tử: “Kỷ sở bất dục, vật ư thi nhân”, tức là điều gì mình không muốn thì không nên làm cho người khác. Ngày xưa không có hóa chất bán tràn lan như bây giờ. Làm thực phẩm, họ thường áp dụng theo phương pháp bí truyền của gia đình. Cho nên người xưa họ làm ra một sản phẩm, là thứ họ ưng ý, bản thân họ hài lòng.
Người chủ ăn thử, dùng thử thấy ngon, thấy tốt họ mới đưa ra thị trường bán cho người tiêu dùng (NTD). Sản phẩm này được truyền miệng từ người này sang người khác, trở thành đặc sản vùng, miền.
Còn hiện nay người ta làm ra mà không dám ăn, dám uống, chỉ để bán.
Thứ hai là chữ tín, chữ tín ở đây là sự trung thực khi kinh doanh, có sao nói vậy, chứ không phải làm một nói lên tới mười.
Chữ tín còn là phải giữ hương vị công thức. Không phải ban đầu chào hàng thì đưa sản phẩm tốt, đến khi có khách quen bắt đầu thay đổi công thức, độn thêm những chất phụ gia công nghiệp thay thế cho phụ gia thực phẩm.
Khi kinh doanh mà dụng tâm để làm, lợi nhuận sẽ thấp, bán rất khó vì thói quen của NTD nhưng sau một thời gian NTD họ cảm nhận được. Lúc bấy giờ thương hiệu sẽ bền vững.
Khi tôi đi chào hàng cà phê, rất nhiều cửa hàng đã từ chối thẳng thừng sản phẩm của tôi. Họ chê cà phê gì mà lỏng le, không có đặc dẻo, không đen… Tôi phải giải thích cho họ rằng, những thứ đó là pha hóa chất độc hại, còn cà phê sạch không pha hóa chất sẽ không giống như những thứ mà họ vẫn quen uống lâu nay, rồi phải thuyết phục họ dần dần để họ hiểu.
Suốt một thời gian dài trên 10 năm tại nhiều thị trường (kể cả tại Sài Gòn), tôi vẫn “thua” nhưng đến nay đã bắt đầu có người dùng, chứng tỏ NTD đã bắt đầu hiểu biết nhiều hơn về sản phẩm.
Ông Đỗ Quốc Vinh, người tiêu dùng:
“Làm ăn mà không gạt nhau sao làm ăn” (!?)
Tôi không chê hàng nội, hàng nội nhiều mặt hàng tốt và rẻ, nhưng cũng có nhiều mặt hàng chất lượng kém. Ban đầu thì tốt, sau kém dần. Làm ăn không biết giữ uy tín.
Tôi có mấy người quen kinh doanh nhỏ, họ nói chuyện với nhau: “Làm ăn mà không gạt nhau sao làm ăn, mình không gạt nó, nó cũng gạt mình”... Buôn bán với nhau mà họ còn nghĩ vậy, huống chi với khách hàng.
Có nhiều người làm ăn lạ lắm, chụp giựt gì đâu không à. Họ nghĩ Sài Gòn 10 triệu người, mỗi người lừa được một lần là dư sống tới già. Riết rồi NTD cảnh giác, hạn chế xài hàng nội hoặc mấy hàng mới có nhãn lạ lạ.
DN phải giữ uy tín, có uy tín thì có hàng gian, hàng giả NTD vẫn ủng hộ, nếu không biết giữ, NTD tẩy chay là sập tiệm.
Phạm Trường Giang thực hiện