Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khi ông Đặng Văn Thành toàn tâm cho cây mía

Sau hai năm “ở ẩn” bởi trải qua nhiều biến cố lớn trong năm 2012, thời gian gần đây, ông Đặng Văn Thành thường xuyên xuất hiện trước báo giới và say sưa với câu chuyện về cây mía.

Bén duyên từ ngày đầu lập nghiệp

Vẫn vẻ mặt tươi tắn, phong thái chuyên nghiệp và lịch lãm của một “banker” như thời còn là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank (HOSE: STB), chúng ta cũng không mấy ngạc nhiên về vai trò mới của ông Thành ở cương vị Chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công - “đứa con đã 35 tuổi” do gia đình ông sinh ra và nuôi dưỡng.

Tập đoàn Thành Thành Công vốn xuất phát là cơ sở Thành Công do ông Thành trực tiếp quản lý, mía đường khi đó đã “thấm” vào ông từ người dì trong gia đình đang kinh doanh mật rỉ. Nhưng sau đó, ông Thành đã rẽ hướng mới và chuyển quyền tiếp quản cho vợ là bà Huỳnh Bích Ngọc. Ông giữ vị trí Chủ nhiệm Hợp tác xã Tín dụng Thành Công vào năm 1989 trước khi hợp nhất 3 hợp tác xã tín dụng (Tân Bình, Thành Công và Lữ Gia) cùng ngân hàng Phát triển Kinh tế Gò Vấp. Khi đó, Ngân hàng Sacombank (HOSE: STB) ra đời.

Bản thân ông Thành đã dành nhiều công sức, từng bước gây dựng và phát triển Sacombank thành một ngân hàng lớn mạnh (có vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng và quản lý một lượng tài sản lên đến gần 14.000 tỷ đồng tính đến giữa năm 2012) suốt hơn 20 năm gắn bó. Ông là một banker có uy tín, tuy nhiên đã phải rút khỏi lĩnh vực ngân hàng sau thương vụ thâu tóm Sacombank đình đám vào năm 2012.

Gia đình ông Đặng Văn Thành đang giữ những vị trí cao cấp tại Thành Thành Công.
Gia đình ông Đặng Văn Thành đang giữ những vị trí cao cấp tại Thành Thành Công.

Thay thế cho lĩnh vực ngân hàng, ông trở về với mía đường, cái nghề vốn đã có duyên cùng ông từ những ngày đầu lập nghiệp. Ông Đặng Văn Thành ngày nay đang “say” với cây mía, ông đang tiến hành những kế hoạch lớn với kỳ vọng mang lại chuyển biến rõ nét cho ngành mía đường Việt Nam hiện còn nhiều bế tắc.

Khi nói về cây mía, tập đoàn Thành Thành Công cùng “nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc được nhắc đến là những tên tuổi lớn, đang dẫn đầu về quy mô và chiếm hơn 20% thị phần cả nước. Tập đoàn có trong tay 1 công ty thương mại, 5 công ty đường với 7 nhà máy, 1 trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường. Trong đó, Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) với thế mạnh về thương hiệu lâu đời, chất lượng sản phẩm và hệ thống phân phối, Đường Ninh Hòa (HOSE: NHS) mạnh về vùng nguyên liệu, Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (HOSE: SBT) có công suất lớn nhất, Mía đường Phan Rang (PRS) tuy nhỏ nhưng lại đạt hiệu suất cao…

Có thể thấy mía đường Việt Nam hiện tại còn khá tụt hậu, bị xếp “hạng bét” về năng suất đường. Cụ thể, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có năng suất đường thấp nhất, tương đương dưới 6 tấn/ha bên cạnh Philippines và Cuba. Ngoài ra, cơ giới hóa và công nghệ còn yếu, diện tích nông nghiệp lại nhỏ lẻ. Tất cả những yếu tố này tuy là điểm yếu nhưng đó cũng chính là cơ hội cho những người làm trong ngành mía đường tại nước ta theo quan điểm của ông Phạm Hồng Dương – Phó chủ tịch thường trực Ủy ban mía đường tập đoàn Thành Thành Công. Bởi Việt Nam sẽ có tiềm năng để nâng cao năng suất, từ 6 tấn/ha lên 10 tấn/ha, mà những nước đang ở “đỉnh” khó có thể tăng trưởng; cộng với việc cắt giảm chi phí thông qua cơ giới hóa, đầu tư phát triển bài bản thì giá thành mía đường Việt Nam được kỳ vọng sẽ giảm trên 25%, tăng sức cạnh tranh và đặc biệt là với mía đường Thái Lan.

Trong những lần gặp gỡ báo giới gần đây, ông Đặng Văn Thành rất tâm đắc với Trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công (SRDC) thuộc Tập đoàn đang đặt tại Tây Ninh. Ông cho biết Trung tâm có sự góp sức của GS.TS. Võ Tòng Xuân cùng một số viện trưởng nghỉ hưu của các quốc gia lân cận và có máu mặt về ngành mía đường… Trung tâm chuyên nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất mía đường. Trong đó có cả nghiên cứu những giống mía mới phù hợp với vùng miền và lãnh thổ Việt Nam, còn trước mắt là phục tráng giống mía đã có. Đây sẽ là bước ngoặt cho giống cây mía ở Việt Nam bởi hiện tại đang sử dụng giống của Thái Lan là chính. Không dừng lại ở đó, trong tương lai Trung tâm tiếp tục phát triển thành Viện nghiên cứu mía đường với công tác chính như nghiên cứu công thức bón phân theo nhu cầu dinh dưỡng cây mía, nghiên cứu trừ bệnh hại bằng sinh học, thành lập phòng nuôi cấy mô, phục tráng mía giống, nhân giống nhanh, góp phần tăng sức cạnh tranh cho cây mía Việt Nam.

Một số thương hiệu gắn liền với Tập đoàn Thành Thành Công.
Một số thương hiệu gắn liền với tập đoàn Thành Thành Công.

Thành Thành Công tâm niệm rằng nông nghiệp và cây mía là một phần quan trọng trong sự phát triển của tập đoàn vì Việt Nam là một nước nông nghiệp. Ông Phạm Hồng Dương cho biết thêm, tập đoàn đề ra các mục tiêu cho ngành đường trong thời gian tới là tăng lợi nhuận cho nông dân, giảm giá thành sản phẩm, mở rộng chuỗi giá trị cạnh đường và sau đường. Được biết, trong vụ 2013-2014 này, Thành Thành Công đạt sản lượng đường sản xuất 295,000 tấn, vượt 112% so với vụ 2012-2013; chữ đường tăng 110% khi đạt 9,75 CCS. Ngoài ra, các sản phẩm khác từ đường như điện thương phẩm đạt 52KWh/tấn mía.

Cùng với sự phát triển của cây mía, Thành Thành Công đang xây dựng 1 nhà máy sản xuất cồn thực phẩm có công suất 25 triệu lít/ngày và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015. Diện tích vùng nguyên liệu của Thành Thành Công trong năm 2014 là 50,000 ha, năng suất mía bình quân đạt 65 tấn/ha, chữ đường (CCS) đạt 9.6, tổng công suất đạt 26,400 TMN (tấn mía ngày), tổng sản lượng đường sản xuất 442,000 tấn. Ngoài ra, các phụ phẩm của đường như điện thương phẩm có tổng công suất nhiệt điện 100 MW, tổng sản lượng cồn thực phẩm đạt 3 triệu lít.

Ngoài mía đường, sự lớn mạnh của tập đoàn Thành Thành Công còn gắn liền với lĩnh vực bất động sản, du lịch, năng lượng và đầu tư tài chính. Đến nay, Tập đoàn đã có 20 đơn vị thành viên và liên kết, vốn điều lệ trên 8,260 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 10,600 tỷ đồng, tổng tài sản gần 23,000 tỷ đồng. Trong năm 2014 này, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn ước tính lên trên 800 tỷ đồng.

Mía đường sẽ bùng nổ M&A?

Sự xuất hiện trở lại của ông Đặng Văn Thành trong lĩnh vực mía đường cũng đánh dấu cho một bước thay đổi lớn. Thương vụ M&A đầu tiên trong ngành mía đường đang được tiến hành giữa CTCP Đường Ninh Hòa (HOSE: NHS) và CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) đã được ĐHĐCĐ của cả hai công ty thông qua với tỷ lệ nhất trí cao. Theo đó, NHS sẽ được sáp nhập bằng hình thức hoán đổi cổ phiếu BHS với tỷ lệ 1:1, sau đó NHS trở thành công ty con 100% vốn thuộc BHS.

“M&A là quy luật, sự trưởng thành, hội nhập của những người làm công tác mía đường. Việc sáp nhập Đường Ninh Hòa vào Đường Biên Hòa là xu thế, bổ khuyết cho nhau về địa bàn, vùng miền và lợi thế vùng nguyên liệu. BHS có thế mạnh về sản phẩm, còn NHS sở hữu vùng nguyên liệu và địa bàn miền Trung”, ông Thành nhìn nhận.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 hôm 27/06 vừa mới đây, đại diện từ đơn vị tư vấn CTCK Bảo Việt (BVS) nhận xét, việc tăng quy mô nhờ sáp nhập sẽ giúp BHS tiết giảm chi phí, cộng hưởng vùng nguyên liệu, tăng số lượng nhà máy, từ đó nâng cao cạnh tranh trên thị trường. Cổ đông của cả hai đơn vị cũng sẽ nhận được lợi ích từ việc sáp nhập khi sở hữu công ty có quy mô về vốn hóa cũng như năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh cao hơn, giúp tăng thanh khoản cổ phiếu, người tiêu dùng sẽ tiếp cận sản phẩm giá cả cạnh tranh hơn.

Tiếp tục say sưa với cây mía, ông Thành hé lộ M&A vẫn chưa dùng lại, hiện còn một thương vụ nữa đang được nghiên cứu và nhờ đơn vị tư vấn. Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai (HOSE: SEC) và Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (HOSE: SBT) đang trong lộ trình. Cả hai doanh nghiệp này có nhiều nét tương đồng về công nghệ và vùng miền, có thể hỗ trợ nhau mọi mặt. Ông Thành nhắc lại nhiều lần rằng, sự lớn mạnh là tất yếu của quá trình phát triển, tăng năng lực cạnh tranh và đảm bảo quyền lợi của cổ đông.

Không chỉ đầu tư để mang lại lợi nhuận cho Tập đoàn, những gì Thành Thành Công đang thực hiện đã góp phần rất lớn cho sự phát triển và chuyên môn hóa của cây mía Việt Nam trong nỗ lực cạnh tranh với Thái Lan thông qua hạ giá thành sản phẩm. Bởi hiện mỗi năm Thái Lan sản xuất 13 triệu tấn nhưng chỉ tiêu thụ trong nước khoảng 3-4 triệu tấn, lượng dư thừa lên cả chục triệu tấn tạo áp lực rất lớn cho những người làm mía đường Việt Nam.

http://vietstock.vn/2014/07/khi-ong-dang-van-thanh-toan-tam-cho-cay-mia-768-354001.htm

Theo LĐ/ Vietstock

Bạn có thể quan tâm