Đã có một hình ảnh quá quen thuộc ở Man City dưới thời HLV Pep Guardiola. Họ dồn lên tấn công, những người đứng thấp nhất - 2 trung vệ cũng ở khu vực giữa sân. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, họ ghi bàn. Ngược lại, bạn thừa biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo: Một pha phạm lỗi chiến thuật.
Khi đội chủ sân Etihad không thể lấy lại bóng trong pha áp sát ngay sau đó, đối thủ sẽ có khoảng trống mênh mông để tổ chức pha phản công. Các cầu thủ áo xanh biết họ đang gặp nguy hiểm, và đó là thời điểm những pha phạm lỗi chiến thuật được thực hiện.
Một cầu thủ City chấm dứt pha tấn công, cho các đồng đội thêm vài giây quan trọng để chạy về và sắp xếp lại đội hình. Khả năng thủng lưới của họ giảm hẳn.
Pep luôn phủ nhận những cáo buộc về phạm lỗi chiến thuật tại Man City. Ảnh: Getty. |
Guardiola nói dối, những con số thì không
Huấn luyện viên Guardiola liên tục bác bỏ đây là một “chính sách” của Man City và khẳng định không bao giờ yêu cầu các cầu thủ phải phạm lỗi. Tiếc cho chiến lược gia người Tây Ban Nha, mọi chuyện bại lộ trong bộ phim tài liệu “All Or Nothing” của Amazon với hình ảnh Mikel Arteta - trợ lý của Guardiola lúc ấy, chỉ đạo các cầu thủ làm đúng điều này.
“David (Silva), Kevin (De Bruyne), Gundo (Ilkay Gundogan), hãy phạm lỗi”, Arteta nói. “Nếu có pha chuyển trạng thái, đừng ngần ngại làm chuyện đó. Các cậu làm chuyện ấy sẽ tốt hơn là Gundo hay các hậu vệ phải làm”.
Ngoài việc là chân chuyền xuất sắc, Kevin de Bruyne còn cực giỏi trong việc phạm lỗi chiến thuật. Ảnh: Getty. |
Ý nghĩa câu nói cuối cùng ấy khá rõ ràng. Nếu có ai đó sẽ phải nhận thẻ vàng cho pha phạm lỗi, người đó tốt hơn nên là một cầu thủ tấn công hơn là tiền vệ trung tâm hay bộ tứ vệ. Trong hệ thống của Guardiola, mọi thứ, thậm chí đến việc phạm lỗi, cũng được tính toán.
Đó là cái giá Man City phải trả khi mở rộng cánh cửa phòng thay đồ cho những chiếc máy quay phim. Các CLB khác của Premier League hẳn cũng sẽ có những bí mật bị vạch trần nếu đi theo con đường này. Tuy vậy, thông số cho thấy Man City chính là đội bóng đứng đầu giải đấu về số lần phạm lỗi để ngăn đối phương tấn công.
Opta đã thu thập thông số này kể từ mùa giải 2017/18, ghi lại số lần để mất bóng vào chân đối phương của từng đội và bao nhiêu trong số đó dẫn đến một pha phạm lỗi. Từ đó, với một phép chia đơn giản, chúng ta có được cái gọi là “tỷ lệ phạm lỗi chiến thuật”. Chẳng có gì bất ngờ khi Man City của mùa 2019/20 và 2017/18 lần lượt đứng thứ 2 và 3 trong danh sách với tỷ lệ lần lượt là 7,6% và 6,96%.
Vậy đội bóng nào đứng đầu trong lịch sử thông số ấy? Chính là Arsenal của mùa này, phạm 139 lỗi từ 1.695 lần để mất bóng, tỷ lệ 8,2%. Chúng ta đều biết ai vừa được bổ nhiệm làm HLV trưởng của Arsenal hồi tháng 12 vừa qua: Mikel Arteta.
Tại sao Man City và Arsenal, những đội bóng nổi tiếng kiểm soát bóng nhiều, lại đứng đầu về thông số này? Mới tháng trước, Guardiola còn dùng đúng cái cớ trên để chối với báo chí.
“Chúng tôi cầm bóng trung bình 62% thời gian, bạn không thể phạm lỗi khi đang cầm bóng được. Ai không có bóng mới phạm lỗi chứ”, chiến lược gia người Tây Ban Nha phân bua.
Một góc nhìn khác là phong cách quyết liệt, dồn dập của Guardiola khiến việc phạm lỗi chiến thuật càng trở nên quan trọng hơn. Về lý thuyết, khi một tập thể càng tấn công nhiều khi cầm bóng, họ càng đối mặt với nguy hiểm lớn hơn cho các pha phản công, càng cần phạm lỗi để tự cứu lấy mình.
Liverpool đi ngược xu thế
Câu chuyện về những pha phạm lỗi càng rõ ràng hơn khi chia nhỏ số liệu xuống từng trận đấu cụ thể.
Tỷ lệ phạm lỗi chiến thuật cao nhất ghi lại được là 19,67% - đến từ Tottenham của HLV Mauricio Pochettino vào tháng 9/2019, trong trận thắng 4-0 trước Crystal Palace, một đội bóng chuyên phản công.
Đứng thứ 2 và thứ 3 đều là các trận đấu của Man City - lần lượt là trận thua 2-3 trước Man United trên sân nhà tháng 4/2018 (17,74%) và chiến thắng 6-0 trước Chelsea vào tháng 2/2019 (17,65%). Nó dẫn đến xu hướng càng gặp đối thủ mạnh, các pha phạm lỗi chiến thuật càng được sử dụng nhiều.
Liverpool không cần những pha phạm lỗi chiến thuật để thống trị Premier League. Ảnh: Getty. |
Tuy vậy, Liverpool có thể không đồng tình với ý kiến trên. Mùa này, họ đang là đội bóng hay nhất lịch sử bóng đá Anh với 73/75 điểm tối đa tính đến lúc này. Họ không cần những pha phạm lỗi chiến thuật để đạt được thành tích đó.
Liverpool 2019/20 đứng chót về tỷ lệ phạm lỗi trong tập dữ liệu của Opta. Có 74 pha phạm lỗi chiến thuật được thực hiện sau 1.911 lần để mất bóng - tỷ lệ vỏn vẹn 3,87%. Điều này có thể được giải thích bằng khả năng lấy lại bóng một cách hợp lệ của Liverpool.
Ngoài ra, họ cũng chính là đội bóng có số lần phạm lỗi ít nhất Premier League mùa này. Hoặc cũng có thể chỉ ra Virgil van Dijk sở hữu khả năng tự mình chống phản công tốt hơn những cái tên kiểu như Nicolas Otamendi.
Xu hướng phạm lỗi chiến thuật vẫn đúng. Nếu không chơi thứ bóng đá theo phong cách Guardiola, không cần thực hiện những pha phạm lỗi như vậy.
Các đội bóng hàng đầu càng ghi bàn nhiều từ những pha chuyển trạng thái nhanh, lấy lại bóng từ phần sân đối phương để tổ chức tấn công chớp nhoáng, họ càng phạm lỗi nhiều, dù cho đó là từ sự quyết liệt ban đầu hay đơn giản chỉ là để chống phản công. Man City của Guardiola và Tottenham của Pochettino đã thành công với hướng đi này.
Ngày càng có nhiều bàn thắng từ các đội bóng lớn đến từ việc lấy lại quyền kiểm soát ở phần sân đối phương, sau đó tổ chức tấn công ở tốc độ cao. Không có nhiều bàn thắng đến từ những tình huống cầm bóng thời gian dài. Khi đối phương lấy được bóng, bạn gây áp lực để giành lại quyền kiểm soát và tấn công, bạn sẽ ghi bàn. Quyết liệt ngay từ phần sân đối phương là điều tối quan trọng.
Tuy vậy, đây không phải là xu hướng mới, theo nhận xét của HLV giàu kinh nghiệm dẫn dắt ở Premier League, Rafa Benitez.
“Nó là thứ thông dụng trong quá khứ, đặc biệt là ở các đội bóng Nam Mỹ”, HLV Benitez nhận xét.
“Họ có những cầu thủ biết được khi nào pha phản công của đối phương nguy hiểm đến mức tất cả có thể làm là phạm lỗi. Chỉ là giờ đây chúng ta nhận thức được điều này nhiều hơn khi truyền thông nói tới nó nhiều hơn”.
HLV Benitez cũng đưa ra một quan điểm nữa dành cho bất kỳ ai cho rằng nên có án phạt nghiêm khắc hơn cho việc phạm lỗi chiến thuật: Lằn ranh giữa phạm lỗi chiến thuật và phạm lỗi thông thường không rõ ràng như chúng ta nghĩ.
“Chúng ta không cho rằng đó là pha phạm lỗi chiến thuật khi cầu thủ bị đốn ngã ở mép vòng cấm” HLV Benitez chia sẻ. “Tại sao không? Khi một đội bóng phòng ngự và họ phải phạm lỗi, chúng ta không cho rằng nó rơi vào nhóm chiến thuật, dù kết quả cuối cùng cũng có thể là việc đối phương có thể vượt qua bạn và đối mặt với thủ môn”.
Siêu trung vệ như Virgil van Dijk là tấm lá chắn giúp Liverpool không cần phạm lỗi chiến thuật như Man City. Ảnh: Getty. |
“Chỉ là khi nó diễn ra ở không gian rộng, bạn có thể thấy tính chiến thuật của nó một cách rõ ràng. Nếu bạn đối mặt với Leo Messi, cậu ấy đang cố vượt qua bạn và bạn phải phạm lỗi, nếu không sẽ có tình huống 1 đối 1, đó cũng là pha phạm lỗi chiến thuật. Tuy nhiên, không ai gọi chúng như thế, đơn giản chỉ vì có quá nhiều cầu thủ ở xung quanh khu vực phạm lỗi”.
Khi nào các cầu thủ còn có thể “thoát tội” từ những pha phạm lỗi này mà không chắc chắc phải nhận một thẻ vàng, họ sẽ tiếp tục làm điều đó. Có nhiều người trong cuộc cho rằng chẳng có ý nghĩa gì cho việc lên án các cầu thủ và đội bóng tận dụng sự lỏng lẻo của điều luật hiện tại.
Trách nhiệm điều hành một trận đấu thuộc về các trọng tài, không phải cầu thủ. Họ chỉ đang cố gắng hết sức để bảo vệ khung thành của mình mà không phải trả giá bằng những chiếc thẻ phạt.