Theo đó, doanh thu của Tesla đạt 23,33 tỷ USD trong quý I, cao hơn một chút so với ước tính 23,21 tỷ USD của giới quan sát. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 2,51 tỷ USD.
Theo CNBC, trong cuộc họp cổ đông, Tesla thừa nhận rằng việc "khai thác các nhà máy mới kém hiệu quả" đã chèn ép lợi nhuận. Cùng với đó là chi phí bảo hành, nguyên vật liệu, hàng hóa và hậu cần gia tăng.
Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh tín dụng carbon sụt giảm. Tất cả đều góp phần làm giảm lợi nhuận của tập đoàn.
Lợi nhuận sụt giảm
Doanh thu từ xe điện - mảng kinh doanh cốt lõi của Tesla - đạt 19,96 tỷ USD, tăng 19% so với năm ngoái. Doanh thu nói chung ghi nhận mức tăng 24%.
Doanh thu từ việc bán tín dụng carbon đạt 521 triệu USD trong quý I, giảm từ mức 679 triệu USD ở quý đầu tiên của năm ngoái.
Trong cuộc họp, CEO Tesla Elon Musk cho biết môi trường kinh tế vĩ mô bấp bênh đã tác động tới kế hoạch mua xe của mọi người.
Mỗi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, điều đó tương đương với một lần tăng giá với ôtô
CEO Tesla Elon Musk
Trong phần hỏi đáp, vị CEO dự đoán nền kinh tế sẽ trải qua "12 tháng sóng gió". "Mỗi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, điều đó tương đương với một lần tăng giá với ôtô", ông Musk bình luận.
"Bất cứ khi nào kinh tế bất ổn, mọi người sẽ trì hoãn chi một khoản tiền lớn để mua xe", ông nói thêm.
Ông cho biết điều nên làm là tiếp tục thúc đẩy sản lượng, thay vì cắt giảm sản xuất và gia tăng biên lợi nhuận. Tuy nhiên, vị CEO nhấn mạnh rằng trong tương lai, Tesla có thể tạo ra khoản lời đáng kể nhờ các chiếc xe tự hành.
Doanh thu của Tesla Energy tăng vọt 148% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,53 tỷ USD. Công ty cho biết việc triển khai hệ thống lưu trữ năng lượng của Tesla đã tăng lên 3,9 GWh, tương đương 360%.
Kế hoạch mở rộng tham vọng
Cuộc họp cổ đông quý I của Tesla đã được phát trực tiếp trên Twitter. Năm ngoái, tỷ phú Musk đã bán hàng tỷ USD cổ phiếu Tesla để lấy tiền mua lại nền tảng truyền thông xã hội này.
Trong cuối năm ngoái và quý đầu năm nay, Tesla đã giảm giá các mẫu xe của mình nhằm thúc đẩy nhu cầu. Công ty cũng vạch ra kế hoạch mở rộng đầy tham vọng và tăng chi tiêu vốn.
Hãng xe điện Mỹ đang bán 4 mẫu xe điện, được sản xuất tại 2 nhà máy trong nước, một ở Thượng Hải và một tại ngoại ô Berlin.
Vào đầu tháng 4, Tesla cho biết đã giao được 422.875 xe trong quý đầu tiên. Sản lượng chỉ cao hơn một chút so với số xe được bán, ở mức 440.808 chiếc.
Tesla đang có 2 nhà máy sản xuất trong nước, một ở Thượng Hải, một tại ngoại ô Berlin, và đang lên kế hoạch xây dựng thêm một cơ sở ở Mexico. Ảnh: Bloomberg. |
Một tháng trước đó, ông Musk đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy Tesla ở Monterrey (Mexico), cách cơ sở sản xuất ở Austin (bang Texas) một ngày lái xe.
Gần đây, Tesla tiết lộ thêm kế hoạch thành lập một nhà máy sản xuất Megapacks - hệ thống lưu trữ năng lượng lớn dựa trên pin lithium ion - tại Thượng Hải.
Theo một hồ sơ tài chính được công bố vào cuối tháng 1, Tesla dự kiến chi 7-9 tỷ USD trong năm 2024 và 2025, đánh dấu mức tăng chi tiêu vốn khoảng 1 tỷ USD.
Kể từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu Tesla đã tăng khoảng 48%, đánh dấu đà phục hồi mạnh mẽ sau năm 2022 ảm đạm. Năm ngoái, mã này mất tới 2/3 giá trị.
Công ty tài chính Barclays cũng dự báo giá cổ phiếu Tesla sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay nhờ sức mạnh tài chính và vị thế dẫn đầu về phần mềm.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...