Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV Oil) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2019 với doanh thu bán xăng dầu tăng mạnh so với năm 2018.
Cụ thể, trong quý cuối cùng năm 2019, PV Oil đạt hơn 20.946 tỷ doanh thu, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do phần lớn hoạt động của doanh nghiệp này nằm ở vai trò phân phối thứ cấp nên biên lãi gộp không quá cao, hiện xấp xỉ khoảng 3% (giảm so với mức 4,1% năm trước).
Số tăng trưởng doanh thu quý vừa qua giúp nhà phân phối này thu về 625 tỷ lãi gộp, tăng tương ứng 6%.
Để có mức doanh thu tăng trưởng trên, chi phí PV Oil phải bỏ ra cũng nhiều hơn từ chi phí tài chính, lãi vay, bán hàng... Kết quả, nhà phân phối xăng dầu lớn thứ hai tại Việt Nam thu về 48 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý IV/2019. Số tiền lãi sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp là 34 tỷ đồng, tăng 49%.
Đáng chú ý, nếu không tính phần kết quả kinh doanh từ các công ty con, công ty mẹ - PV Oil lãi ròng tới 57 tỷ quý vừa qua, trong khi cùng kỳ lỗ 32 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo công ty, nguyên nhân giúp lợi nhuận ròng công ty mẹ tăng mạnh chủ yếu do giá bán lẻ xăng dầu trong nước 15 ngày đầu năm 2020 cao hơn giá gốc hàng tồn kho theo sổ sách kế toán tại ngày 31/12/2019. Vì vậy, công ty mẹ không phải trích lập dự phòng hàng tồn kho như cuối năm 2018.
Đây cũng là khoản thường xuyên khiến lợi nhuận của PV Oil ở mức thấp.
Tính chung cả năm 2019, nhà phân phối xăng dầu này ghi nhận 79.931 tỷ doanh thu, tăng 30% so với năm 2018 và vượt 63% kế hoạch cả năm.
Tuy vậy, do đà sụt giảm ở biên lãi gộp cùng các chi phí bán hàng, lãi vay tăng trong năm khiến lợi nhuận ròng công ty thu về đã giảm gần 44%, đạt 330 tỷ đồng.
Đây cũng là khoản lợi nhuận ròng thấp nhất 5 năm mà PV Oil ghi nhận được. Nếu so với lợi nhuận giai đoạn 2015-2017, số thu về năm vừa qua mới tương đương 40-50% dù doanh thu cao hơn nhiều.
PV Oil hiện là nhà bán lẻ, phân phối xăng dầu lớn thứ 2 tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Cùng với điện và nước, xăng dầu được coi là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống xã hội, có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế. Đây cũng là một trong những mặt hàng rất nhạy cảm trước những biến động về chính trị và kinh tế trên thế giới.
Tại Việt Nam, xăng dầu đang được Nhà nước quản lý nguồn nhập khẩu, điều phối giá và dự trữ chiến lược. Trên thị trường, PV Oil là nhà bán lẻ lớn thứ 2 với khoảng hơn 20% thị phần, xếp sau Petrolimex với hơn 50%.
Số liệu của PV Oil cho biết đến hết năm 2018, công ty vận hành và quản lý hơn 3.500 cửa hàng xăng dầu trên cả nước. Trong đó có 550 cửa hàng trực thuộc sở hữu và hơn 3.000 đại lý/nhượng quyền thương mại.
Sản lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường của công ty duy trì tốc độ tăng trưởng gần 5%/năm và đạt 3,2 triệu m3/tấn trong năm 2018. Ngoài ra, PV Oil cũng là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được phép thực hiện xuất nhập khẩu dầu thô từ nguồn khai thác của PVN.
Trong cơ cấu sở hữu hiện nay, PVN (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) đang sở hữu 76,51% vốn tại PV Oil và đóng vai trò là tập đoàn mẹ chi phối hoạt động của công ty con.