Công ty CP Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với đà suy giảm ở hầu hết chỉ tiêu hoạt động kinh doanh so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong tháng 7-9 vừa qua, doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết ghi nhận 1.444 tỷ đồng doanh thu thuần, thấp hơn 58% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức giảm ròng gần 2.000 tỷ.
Nhờ mức giảm mạnh hơn của giá vốn hàng bán (giảm 65%) mà FLC vẫn ghi nhận lãi gộp từ hoạt động kinh doanh trên 144 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp 327 tỷ.
Tuy nhiên, đây cũng là chỉ tiêu kinh doanh duy nhất FLC ghi nhận số liệu tích cực trong quý vừa qua.
Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay và bán vốn công ty con) đã không còn ghi nhận cao đột biến như cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 271 tỷ đồng, giảm gần 80%.
Bên cạnh đó, FLC cũng phải chịu thêm khoản lỗ 194 tỷ đồng trong hoạt động của công ty liên doanh, liên kết quý III.
Các chỉ tiêu tài chính kém hiệu quả kể trên cùng với hàng trăm tỷ đồng chi phí phát sinh trong kỳ đã khiến lãi trước thuế quý III của FLC giảm tới 41 lần so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 14 tỷ đồng.
KẾT QUẢ KINH DOANH GẦN ĐÂY CỦA FLC | ||||||||||||
Nguồn: BCTC DN | ||||||||||||
Nhãn | I/2019 | II | III | IV | I/2020 | II | III | IV | I/2021 | II | III | |
Lợi nhuận sau thuế | tỷ đồng | 8 | 13 | 64 | 591 | -1892 | -838 | 577 | 2396 | 43 | 22 | 6 |
Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp FLC thu về được trong giai đoạn này cũng chỉ đạt chưa đầy 6 tỷ, giảm tới 99%.
Đây đã là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết bị suy giảm chỉ tiêu lãi ròng và cũng là mức lãi thấp nhất 5 quý gần đây. So với quý II liền trước, mức lãi ròng quý III của FLC cũng chỉ tương đương 1/4.
Tính chung 9 tháng đầu năm nay, FLC đạt 5.605 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 43% và lãi ròng 69 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 2.213 tỷ).
Năm nay, ban lãnh đạo FLC đặt mục tiêu ghi nhận 15.250 tỷ đồng doanh thu và 880 tỷ lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 3/4 năm tài chính, tập đoàn này mới đạt 37% chỉ tiêu doanh thu và chưa đầy 8% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến cuối tháng 9, FLC có tổng tài sản vào khoảng 33.100 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với đầu năm. Trong đó, nguyên nhân chính dẫn tới đà suy giảm tài sản của doanh nghiệp này là các khoản phải thu sụt giảm ở cả chỉ tiêu ngắn hạn và dài hạn.
FLC chỉ còn nắm giữ trực tiếp 25,67% vốn và lợi ích tại Bamboo Airways. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cũng theo báo cáo tài chính quý III, FLC cho biết công ty hiện sở hữu 25,67% tỷ lệ lợi ích và quyền biểu quyết tại hãng hàng không Bamboo Airways, giảm so với mức 25,88% hồi cuối tháng 6 và 51,29% vào đầu năm.
Tuy vậy, ông Trịnh Văn Quyết cho biết cá nhân ông và FLC vẫn sở hữu trên 80% vốn của Bamboo Airways và 10% được nắm giữ bởi các công ty thành viên trong hệ thống FLC.
Trên báo cáo tài chính công ty mẹ, Bamboo Airways cũng không còn được hạch toán là công ty con của FLC. Khoản đầu tư của tập đoàn vào hãng hàng không này đến cuối tháng 9 có giá gốc gần 4.137 tỷ, lớn nhất trong các khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết của FLC.
Tuy nhiên, giá trị hợp lý của khoản đầu tư được tập đoàn xác định hiện vào khoảng 4.092 tỷ. Theo đó, FLC đang phải trích lập dự phòng hơn 45 tỷ cho khoản đầu tư vào hãng hàng không này.
Mới đây, HĐQT FLC đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mục tiêu huy động gần 5.000 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ lên hơn 12.000 tỷ.
Phần lớn số tiền thu được từ đợt chào bán (khoảng 4.500 tỷ) sẽ được dùng để đầu tư vào 7 dự án bất động sản, gần 500 tỷ đồng còn lại sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động.