Báo cáo tài chính quý II của Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) mới công bố cho thấy doanh nghiệp này vẫn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh tới tình hình tài chính doanh nghiệp quý II và nửa đầu năm nay đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, tính riêng quý II, doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết ghi nhận 1.266 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tương tự năm trước, quý II năm nay của FLC vẫn là giai đoạn kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp 49 tỷ đồng.
Lãi gần trăm tỷ sau nửa năm
Dù vậy, giá vốn hoạt động kinh doanh tháng 4-6 năm nay đã giảm mạnh so với cùng kỳ nên mức lỗ gộp FLC ghi nhận quý II năm nay chỉ bằng khoảng 1/16 cùng kỳ.
Trong khi chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hàng chục tỷ đồng, kết quả kinh doanh quý II của FLC lại được bù lỗ bởi hoạt động tài chính với doanh thu 455 tỷ, tăng 88%. Phần lớn số thu này đến từ hoạt động thanh lý các khoản đầu tư trong kỳ mà thực chất là việc bán vốn tại các công ty con, công ty liên kết của FLC.
Nhờ nguồn thu lớn kể trên mà hoạt động kinh doanh chính quý II của FLC được bù lỗ và công ty báo lãi trước thuế 48 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 900 tỷ.
Lợi nhuận sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp của tập đoàn này là 22 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 899 tỷ).
LỢI NHUẬN SAU THUẾ HÀNG QUÝ CỦA FLC | |||||||||||
Nguồn: BCTC DN | |||||||||||
Nhãn | I/2019 | II | III | IV | I/2020 | II | III | IV | I/2021 | II | |
LNST | tỷ đồng | 8 | 13 | 64 | 591 | -1891 | -838 | 577 | 2396 | 43 | 22 |
Tính chung 6 tháng đầu năm, FLC ghi nhận 3.826 tỷ doanh thu, giảm 41%. Nhờ số thu về cao trong quý I mà lợi nhuận gộp bán niên của tập đoàn này vẫn đạt mức 58 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm tới 2.249 tỷ.
Số thu này cùng gần 600 tỷ doanh thu tài chính đã bù đắp các chi phí công ty phải chi ra trong kỳ và còn lại mức lợi nhuận trước thuế 97 tỷ. Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế bán niên của FLC là 65 tỷ đồng. Nếu so với mức lỗ 2.790 tỷ đồng của năm trước, lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay của FLC đã ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục.
Năm nay, FLC dự kiến ghi nhận 15.250 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng sau thuế 880 tỷ. Như vậy, sau nửa năm, công ty mới hoàn thành 25% chỉ tiêu doanh thu và 7% kế hoạch lợi nhuận.
Định giá Bamboo Airways 720 triệu USD
Lý giả về kết quả kinh doanh quý II và nửa năm nay, lãnh đạo FLC cho biết do các công ty con kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, du lịch vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên doanh thu quý II vẫn giảm mạnh.
Tuy nhiên, kết quả hoạt động của công ty mẹ tốt lên, doanh thu hoạt động tài chính tăng dẫn tới lợi nhuận sau thuế báo số dương thay vì mức lỗ cùng kỳ.
FLC đang định giá Bamboo Airways ở mức gần 720 triệu USD. Ảnh: Reuters. |
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của FLC vào khoảng 32.000 tỷ đồng, giảm gần 6.000 tỷ so với đầu năm. Trong đó mức giảm chủ yếu ở khoản tiền và tương đương tiền từ 1.215 tỷ giảm còn 132 tỷ đồng; phải thu về cho ngắn hạn giảm hơn 2.000 tỷ; phải thu ngắn hạn khác giảm 1.300 tỷ; hàng tồn kho cũng giảm hơn 600 tỷ đồng…
Đáng chú ý, báo cáo tài chính của FLC ghi nhận đến cuối tháng 6 năm nay, tập đoàn này chỉ còn nắm giữ 25,88% vốn và quyền biểu quyết tại Công ty CP Hàng Không Tre Việt (Bamboo Airways).
Khoản đầu tư này được FLC ghi giá gốc 4.144 tỷ đồng và giá hợp lý 4.292 tỷ đồng. Như vậy, định giá hiện tại của FLC cho hãng hàng không này vào khoảng 16.600 tỷ đồng, tương đương gần 720 triệu USD quy đổi.
Phần lợi nhuận từ khoản đầu tư của FLC tại Bamboo Airways vì vậy ghi nhận hơn 147 tỷ đồng.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của FLC hồi tháng 4, ông Trịnh Văn Quyết cho biết cá nhân ông và FLC vẫn sở hữu trên 80% vốn của Bamboo Airways và 10% được nắm giữ bởi các công ty thành viên trong hệ thống FLC.
Vị chủ tịch cho biết Bamboo Airways đã có kế hoạch niêm yết cổ phiếu BAV trong năm 2020 nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phải hoãn lại. Dự kiến công ty sẽ thực hiện IPO Bamboo Airways trong quý II hoặc III năm nay với giá khởi điểm trên dưới 60.000 đồng/cổ phiếu.
Trong kế hoạch kinh doanh năm nay, Bamboo Airways dự kiến nâng số lượng máy bay trong đội lên ít nhất 40 chiếc (kỳ vọng 50 chiếc) và mở rộng mạng lưới đường bay lên 70-80.
Với mục tiêu tăng cả đội bay và số đường bay, hãng kỳ vọng sẽ chiếm được khoảng 30% thị phần bay nội địa trong năm nay (trong năm 2020, hãng cho biết đã sở hữu 20% thị phần bay nội địa).