Ông Trump hiểu rõ cơ sở ủng hộ của mình hơn bất kỳ ai, cây bút Dean Obeidallah của CNN nhận định. Ông nên hiểu rằng những lời nói của bản thân trong quá khứ đã có thể kích động bạo lực - từ các sự cố tại những cuộc vận động tranh cử của ông cho đến vụ bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1/2021.
Đó là lý do việc ông Trump kêu gọi biểu tình hôm 18/3 là rất đáng báo động, ông Obeidallah - một cựu luật sư Mỹ - cho biết.
Ông Trump đã kêu gọi những người ủng hộ mình hành động, khi luật sư quận Manhattan Alvin Bragg có khả năng đưa ra cáo buộc hình sự về việc ông đã trả khoản tiền bịt miệng 130.000 USD cho diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels.
Lời kêu gọi này đã làm dấy lên lo ngại về bạo lực chính trị nếu những người ủng hộ ông Trump đáp lại, theo Hill.
"Ứng viên đang dẫn đầu của đảng Cộng hòa ở thời điểm hiện tại và cựu tổng thống Mỹ sẽ bị bắt giữ vào hôm 21/3. Hãy biểu tình. Hãy giành lại quốc gia của chúng ta", Guardian dẫn tuyên bố của ông trên mạng xã hội Truth Social vào sáng 18/3. Tuy nhiên, sau đó, đội ngũ của ông chưa nhận được bất cứ thông báo nào từ các công tố viên.
Gợi lại ký ức về vụ bạo loạn tại Điện Capitol
Cuối ngày 18/3, trong bài đăng tiếp theo trên Truth Social, ông Trump đã lặp lại thông điệp đó, với những chữ cái viết hoa toàn bộ. Ông kêu gọi “chúng ta phải cứu nước Mỹ. Hãy biểu tình, biểu tình, biểu tình”.
Bài đăng của ông Trump hoàn toàn là phỏng đoán dựa trên các báo cáo của phương tiện truyền thông, chứ không phải bất kỳ cơ quan hoặc nhân vật có thẩm quyền nào, các nguồn tin thân cận với vị cựu tổng thống cho biết.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đảng Dân chủ, cho biết “không có lý do gì” để biểu tình chống lại khả năng ông Trump bị bắt giữ.
"Không ai đứng trên pháp luật, thậm chí cả cựu tổng thống Mỹ. Và nếu đã có một cuộc điều tra, nó nên được thực hiện một cách thích hợp, nếu đã đến lúc đưa ra cáo trạng, thì họ sẽ đưa ra cáo trạng. Đó là cách hệ thống pháp luật của chúng ta vận hành”, bà Warren nói.
Lời kêu gọi biểu tình mới nhất của ông Trump ngay lập tức gợi lên dòng tweet ngày 19/12/2020 của ông, cáo buộc gian lận bầu cử và thông báo: “Cuộc biểu tình lớn ở Washington, D.C., vào ngày 6/1. Hãy ở đó, sẽ rất náo nhiệt!”. Một số người ủng hộ ông Trump đã coi dòng tweet đó như lời kêu gọi hành động.
Một người ủng hộ tập trung bên ngoài dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump sau lời kêu gọi hôm 18/3. Ảnh: Reuters. |
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump kêu gọi biểu tình nếu ông bị buộc tội. Vào tháng 1/2022, cựu tổng thống Mỹ đã kêu gọi những người ủng hộ hãy xuống đường nếu bất kỳ công tố viên nào, ở bất cứ đâu, buộc tội ông - không chỉ luật sư quận Manhattan.
“Nếu những công tố viên cực đoan, xấu xa, phân biệt chủng tộc này làm bất cứ điều gì sai trái hoặc bất hợp pháp, tôi hy vọng chúng ta sẽ có những cuộc biểu tình lớn chưa từng có ở Washington D.C., New York, Atlanta và nhiều nơi khác”, ông Trump nói tại một cuộc vận động tranh cử ở Texas.
Trước vụ bạo loạn ngày 6/1/2021, lời kêu gọi “biểu tình” của ông Trump có thể được coi là một nỗ lực để nuôi dưỡng cái tôi bằng cách kêu gọi những người ủng hộ tham dự những cuộc vận động chính trị của mình.
Tuy nhiên, ở nước Mỹ sau ngày 6/1/2021, điều đó có thể được coi là một nỗ lực có khả năng kích động nổi dậy. Lần này, ông Trump muốn những người ủng hộ bảo vệ ông khỏi phải chịu trách nhiệm về những hành vi phạm tội có thể xảy ra.
Không ai đứng trên luật pháp
Kịch bản này dường như đã xảy ra sau khi FBI khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago vào ngày 8/8/2022, trong cuộc điều tra về việc ông lưu trữ trái phép tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng.
Ông Trump đã đưa ra một tuyên bố ngay sau đó, trong đó có đoạn: “Đây là thời kỳ đen tối đối với quốc gia của chúng ta. Ngôi nhà xinh đẹp của tôi, Mar-a-Lago ở Palm Beach (Florida) đang bị bao vây, đột kích và chiếm đóng bởi một nhóm lớn đặc vụ FBI”. Hai ngày sau, ông cáo buộc FBI có khả năng ngụy tạo bằng chứng.
Theo cây bút của CNN, việc FBI sớm phải đối mặt với nhiều mối đe dọa đối với nhân lực và văn phòng của họ là không có gì đáng ngạc nhiên.
Một người trước đây từng lặp lại tuyên bố về cuộc bầu cử năm 2020 của ông Trump - đã cố gắng đột nhập văn phòng FBI ở Cincinnati. Sau đó, anh ta đã bị cảnh sát bắn chết.
Cựu tổng thống cũng đã nhiều lần để ngỏ khả năng ân xá cho những kẻ bạo loạn trong vụ việc ngày 6/1/2021, nếu ông tái đắc cử.
Đặc vụ FBI đã khám xét nhà ông Trump để tìm tài liệu mật hồi tháng 8/2022. Ảnh: Reuters. |
Ông thậm chí còn tuyên bố rằng họ xứng đáng nhận được “lời xin lỗi”. Thông điệp của ông Trump rất rõ ràng: Tôi sẽ hỗ trợ bạn nếu tôi có thể quay lại Nhà Trắng.
Sau lời kêu gọi biểu tình của ông Trump hôm 18/3, ông Brag đã gửi email đến các nhân viên văn phòng của mình.
“Chúng ta không dung thứ cho những nỗ lực đe dọa văn phòng của chúng ta hoặc đe dọa luật pháp ở New York… Các cộng sự thực thi pháp luật của chúng ta sẽ đảm bảo rằng mọi mối đe dọa cụ thể hoặc rõ ràng đối với văn phòng sẽ được điều tra đầy đủ, và các biện pháp bảo vệ thích hợp sẽ được áp dụng, vì vậy tất cả 1.600 người trong chúng ta đều có một môi trường làm việc an toàn”, ông viết trong thư.
Theo ông Obeidallah, email này giống những gì được nghe từ một công tố viên trong một vụ án liên quan đến thủ lĩnh khủng bố hoặc trùm băng đảng. Song đó là những gì đã xảy ra ở Mỹ vài năm trước.
“Nếu ông Trump bị buộc tội, ông sẽ phải đối mặt với một bản cáo trạng, giống bất kỳ người Mỹ nào. Và nếu có hành vi kích động bạo lực, một cáo buộc hình sự về vấn đề đó cũng nên được đưa ra. Không ai đứng trên luật pháp - kể cả ông Donald Trump”, ông Obeidallah viết.
Nếu bị buộc tội, ông Trump sẽ trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự.
Tiết lộ về tổng thống Mỹ
Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.