Ít nhất 21 vận động viên thiệt mạng khi tham gia cuộc thi chạy siêu việt dã 100 km trên núi tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc vào cuối tuần qua. Họ mắc kẹt trong thời tiết lạnh giá mà không có dụng cụ bảo hộ, theo South China Morning Post.
Đây là một trong những tai nạn chết người nghiêm trọng nhất lịch sử thể thao Trung Quốc. Sự việc khiến công chúng phẫn nộ vì khâu quản lý yếu kém của chính quyền thành phố Bạch Ngân.
Nhân viên cứu hộ phải đi bộ lên sườn núi để tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Giây phút kinh hoàng
Các vận động viên khởi hành vào sáng ngày 22/5 từ công viên rừng đá Hoàng Hà, thành phố Bạch Ngân. Đây là sự kiện thường niên được chính quyền quận Cảnh Thái và thành phố Bạch Ngân tổ chức nhằm phát triển khu vực nông thôn và thúc đẩy lối sống lành mạnh.
Gần 10.000 người đăng ký tham gia sự kiện năm nay. Người tham gia được chia làm ba hạng mục: người mới bắt đầu, 21 km chạy việt dã và 100 km chạy siêu việt dã.
Thời tiết xấu xảy ra vào khoảng 13 giờ, khi các vận động viên leo lên độ cao 2.000 m trong chặng 20-31 km của cuộc đua, theo Tân Hoa Xã.
Những vận động viên tham gia chỉ mặc quần đùi và áo thun. Vì vậy, những người này có rất ít khả năng bảo vệ cơ thể khỏi nhiệt độ thấp của môi trường xung quanh.
Khi chứng kiến một số vận động viên gặp sự cố, ban tổ chức đã hủy bỏ sự kiện và triển khai cứu hộ.
Vào thời điểm đó, một số người bị hạ thân nhiệt. Một số người khác bất tỉnh vì quá lạnh.
Tổng cộng 21 người thiệt mạng và 151 người được giải cứu.
Trong bài phỏng vấn với tờ SCMP, một người sống sót cho biết không có dự báo về thời tiết khắc nghiệt. Cái lạnh cũng làm trầm trọng thêm những thách thức của địa hình đồi núi.
Những vận động viên khởi hành vào sáng 22/5. Ảnh: Weibo/Tân Hoa Xã. |
Người này nói anh vẫn cố gắng chạy khi thời tiết xấu đi. Trên đường, anh chứng kiến từng người một ngã xuống, ngay cả những vận động viên có kinh nghiệm.
Trước khi cuộc thi được bắt đầu, ban tổ chức yêu cầu mỗi người đóng góp 1.600 nhân dân tệ (248 USD) để ghi danh. Khi đó, anh quyết định tham gia.
“Bây giờ, mỗi khi nhớ lại suy nghĩ đó, tôi chỉ muốn tự tát mình”, anh viết trong một bài đăng trên mạng xã hội.
Anh cho biết trong một phần thi, các thí sinh phải chạy leo dốc trong quãng đường 8 km. Mặt đường đầy đá, bùn đất trong khi bầu trời âm u, gió mạnh, mưa lớn và tầm nhìn hạn chế.
“Từ thời điểm này trở đi, chỉ có một đường lên chứ không có đường xuống. Xe máy cũng không thể lên được con đường đó nên không có đồ ăn, nước uống”, anh viết.
“Tôi hoàn toàn ướt đẫm và gần như không thể đứng vững. Tôi cố tìm một vị trí ẩn nấp và cố gắng làm ấm cơ thể bằng một chiếc chăn giữ nhiệt mỏng manh, nhưng bị gió thổi bay ngay lập tức. Tôi thấy chăn của những người khác bị gió xé thành nhiều mảnh”.
Một vận động viên khác cho biết anh không cảm nhận được ngón tay của mình.
“Tôi đưa các ngón tay vào miệng để làm ấm nhưng tôi vẫn không cảm thấy gì. Thậm chí lưỡi của tôi cũng cảm thấy đông cứng”, anh cho biết.
“Đó là khi tôi quyết định bỏ cuộc và chạy xuống dốc bởi vì tôi nhận ra đó là triệu chứng hạ thân nhiệt. Thật sáng suốt và may mắn khi tôi đưa ra quyết định đó”.
Anh còn thấy nhiều thí sinh khác bất tỉnh trên đường xuống. Tuy nhiên, anh không có đủ sức để giúp người khác. Rất khó để theo dõi các vận động viên khác vì tín hiệu GPS rất kém. Ngoài việc hạ thân nhiệt, một số vận động viên còn bị đứt tay và ngã.
Hối hận muộn màng
Theo Tân Hoa Xã, các nỗ lực cứu hộ gặp khó khăn bởi độ cao và thời tiết xấu.
Trong số các nạn nhân thiệt mạng có Lương Tinh và Hoàng Quan Quân. Đây là hai trong số những vận động viên chạy đường dài hàng đầu Trung Quốc.
Lương Tinh giành chiến thắng trong cuộc thi Ultra Gobi của Trung Quốc vào năm 2018 và về nhì trong cuộc chạy đua siêu đường mòn Hong Kong 100 vào năm 2019. Trong khi đó, Hoàng Quan Quân là nhà vô địch phần thi marathon tại thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic năm 2019 ở Dubai.
Công viên rừng đá Hoàng Hà, nơi xảy ra thảm kịch. Ảnh: Handout. |
Trương Húc Thần, chủ tịch thành phố Bạch Ngân, đã cúi đầu xin lỗi các gia đình nạn nhân.
“Đây là sự cố không mong muốn do thời tiết khu vực thay đổi đột ngột. Với tư cách là đơn vị tổ chức sự kiện, chúng tôi vô cùng tiếc nuối và hối hận. Chúng tôi xin lỗi và gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình nạn nhân và các vận động viên bị thương”, ông nói.
Chính quyền tỉnh Cam Túc đã thành lập một đội đặc nhiệm để theo dõi cuộc điều tra.
Trong một bình luận, đài truyền hình nhà nước CCTV khẳng định các môn thể thao mạo hiểm nên được tổ chức cẩn thận để tránh một thảm kịch hy hữu và tàn khốc như vậy.
Marathon và chạy cự ly cực dài đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc trong những năm gần đây, thu hút sự tham gia của tầng lớp trung lưu ngày càng đông ở nước này.
Các cuộc đua được tổ chức ở những vùng hẻo lánh với số tiền thưởng khổng lồ để thu hút người tham gia. Chính quyền các khu vực ở miền tây Trung Quốc như Vân Nam, Cam Túc và Tứ Xuyên đã dành quỹ để tổ chức các cuộc thi chạy nhằm thu hút và phát triển du lịch.