Ở tuổi 14, Narin lạc bố mẹ, mất anh trai và bản thân trở thành vợ lẽ của một gã đàn ông 50 tuổi. Ảnh: SMH |
Báo Washington Post ngày 10/9 kể lại câu chuyện của cô bé Narin (tên phóng viên đặt cho nhân vật).
Đó là ngày 3/8, người nhà hoảng loạn thông báo một tin dữ với tôi rằng phiến quân thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo sắp tiến đến tấn công làng tôi. Ngôi làng vốn yên tĩnh tại Tel Uzer, Nineveh, miền tây Iraq trở nên náo loạn vì người dân hốt hoảng gói ghém đồ đạc, quần áo để chuẩn bị sơ tán.
Sau khi chúng tôi đi khoảng một tiếng về hướng bắc, mọi người ngồi nghỉ chân và uống nước từ một cái giếng trong ốc đảo giữa sa mạc. Kế hoạch của chúng tôi là đến sống tạm tại núi Sinjar cùng với hàng nghìn người Yazidi khác đã chạy đến đây. Mọi người rất hoảng sợ và lo ngại sự tàn bạo của phiến quân Hồi giáo, về những điều mà chúng đã gây ra cho những người không thuộc đạo Hồi. Chúng ép buộc người dân hoặc cải đạo hoặc sát hại họ.
Bất thình lình, một vài xe cơ giới từ xa chạy tới. Phiến quân đã bao vây chúng tôi. Rất nhiều người la hét vì sợ hãi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bất lực như vậy trong suốt 14 năm qua. Họ đã chặn lối sơ tán của chúng tôi, không ai có thể làm gì.
Phiến quân chia nhóm chúng tôi theo giới tính và tuổi tác. Nhóm một là những người đàn ông và thanh niên, nhóm hai gồm các cô gái và phụ nữ trẻ, còn lại là những cụ già. Bọn chúng cướp tài sản và trang sức của những người già, sau đó bỏ họ lại giữa ốc đảo.
Phiến quân cưỡng chế phụ nữ lên các xe tải và chở chúng tôi đi. Xe lăn bánh chưa lâu thì tôi nghe thấy những tiếng nổ súng. Sau này tôi biết rằng họ đã giết toàn bộ nhóm đầu tiên gồm đàn ông và các chàng thanh niên, trong đó có anh trai 19 tuổi của tôi. Anh ấy chỉ mới kết hôn cách đây 6 tháng.
Buổi trưa hôm đó, bọn lính đưa chúng tôi đến một trường học bỏ hoang ở Baaj, một thị trấn nhỏ ở miền tây Mosul, gần với biên giới Syria. Chúng tôi đã gặp những phụ nữ Yazidi khác mà phiến quân giam giữ tại đây. Chúng đều sát hại cha, anh và chồng của họ.
Một lát sau, các tay súng xông vào bên trong. Một tên đọc những lời cầu nguyện thánh Allah, đấng tiên tri Muhammad và yêu cầu chúng tôi lặp lại. Họ bảo nếu chúng tôi chịu đọc theo thì chúng tôi sẽ trở thành người Hồi giáo. Tuy nhiên chúng tôi cương quyết không làm theo. Phiến quân bắt đầu chửi bới và nhục mạ chúng tôi, tôn giáo của chúng tôi.
Vài ngày sau, bọn chúng đưa chúng tôi đến một ngôi nhà lớn hơn. Đây dường như là sào huyệt của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq. Một số tên có thể trạc tuổi tôi. Bọn chúng bảo chúng tôi là người theo tà giáo, sau đó nhốt mọi người trong tòa nhà khoảng 20 ngày và chỉ cho ăn duy nhất một bữa mỗi ngày. Cứ mỗi ngày bọn chúng lại yêu cầu mọi người cải đạo, nhưng chúng tôi trung thành với tôn giáo Yazidi và kiên quyết bất tuân.
Một ngày nọ, những tên lính gác ngăn cách phụ nữ đã có chồng với những người chưa kết hôn. Bọn chúng đưa tôi và người bạn thân từ thời thơ ấu, Shayma, đi tặng cho hai chiến binh hoạt động ở miền nam, gần Baghdad, để làm vợ lẽ. Shayma trở thành thiếp của một giáo sĩ tên Abu Hussein. Còn tôi thì về ở với một gã đàn ông to béo, rậm râu tên Abu Ahmed. Y khoảng 50 tuổi và dường như cũng là một người có quyền lực. Phiến quân lái xe đưa chúng tôi về nhà họ ở Fallujah.
Abu Ahmed, Abu Hussein và các tùy tùng sống trong một tòa nhà to lớn như cung điện. Abu Ahmed cũng liên tục buộc tôi cải đạo nhưng tôi không nghe. Ông ta từng cố gắng cưỡng hiếp tôi nhưng tôi chống trả quyết liệt. Do vậy, ông ấy chửi và đánh đập tôi suốt ngày. Ông ấy cũng chỉ cho chúng tôi ăn duy nhất một buổi. Khi cảm thấy không thể chịu đựng thêm nữa, Shayma và tôi bàn chuyện tự vẫn.
Bỗng nhiên, bọn chúng đưa chúng tôi điện thoại và ra lệnh phải gọi cho gia đình. Gia đình tôi thoát khỏi vòng vây của phiến quân nhưng cuộc sống tị nạn ở núi Sinjar cũng không khá hơn. Phiến quân bao vây họ để họ chết đói dần. Sau 5 ngày, các chiến binh người Kurrd đã đến giải cứu những người Yazidi, giúp họ sơ tán đến Syria và quay trở về bắc Iraq. Phiến quân buộc chúng tôi nói với gia đình rằng nếu họ chịu đi đến vùng Mosul và cải đạo sang Hồi giáo thì chúng sẽ thả tự do cho bọn tôi. Gia đình tôi đã không tin vào lời của những kẻ dã man.
Ngày thứ 6 ở Fallujah, tên Abu Ahmed rời ngôi nhà để đến Mosul. Abu Hussein, "chồng" của Shayma ở lại canh chừng chúng tôi. Vào lúc hoàng hôn ngày hôm sau, Abu Hussein đến điện thờ để cầu nguyện và bỏ chúng tôi ở lại nhà một mình. Lúc này, chúng tôi dùng điện thoại gọi cho Mahmoud, người anh họ Hồi giáo dòng Sunni của Shayma sống tại Fallujah, xin giúp đỡ.
Việc Mahmoud đến tận đây để cứu hai đứa là chuyện rất nguy hiểm, nên chúng tôi dùng những con dao trong nhà bếp để phá ổ khóa và chạy thoát. Vận bộ đồ đen trùm kín người, chúng tôi đi loanh quanh trong thị trấn khoảng 15 phút, khi đó rất yên tĩnh vì đang trong thời điểm cầu nguyện. Mahmoud xuất hiện và đón chúng tôi về nhà cậu.
Đêm ở nhà Mahmoud là đêm chúng tôi được ăn và ngủ bình yên nhất trong những ngày sợ hãi vừa qua.
Narin nói cô không thể quên những chuyện khủng khiếp đã xảy ra. Ảnh: SMH |
Sáng hôm sau, Mahmoud thuê một chiếc taxi chở chúng tôi đến Baghdad. Tài xế cũng rất sợ chiến binh Hồi giáo, nhưng anh quyết tâm liều để giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi ăn vận như phụ nữ địa phương, che kín từ đầu đến chân, chỉ để lộ đôi mắt. Mahmoud đưa cho chúng tôi hai thẻ sinh viên giả đề phòng trường hợp bọn chúng chặn xe ở các chốt kiểm soát.
Tôi vô cùng lo sợ suốt hai tiếng đi xe. Tôi không còn phân biệt nổi vùng nào đang do quân đội chính phủ kiểm soát và vùng nào thuộc về phiến quân. Mahmoud đã hối lộ các tay canh gác để chúng cho bọn tôi đi qua. Chúng tôi đã liên hệ với những gia đình người Yazidi và người Kurd theo đạo Hồi tại Baghdad để nhờ giúp đỡ. Tôi hoàn toàn cảm thấy nhẹ nhõm khi đến nhà họ.
Tại Baghdad, các ân nhân tiếp tục đưa chúng tôi chứng minh thư giả để lên máy bay đến Irbil, thủ phủ của người Kurd ở miền bắc. Tôi không dám tin mình đã tự do cho đến khi máy bay hạ cánh. Sau khi nghỉ lại nhà của một nghị sĩ người Yazidi, chúng tôi đi về phía bắc để đến Shekkan, sau đó đến nhà của Baba Sheikh, lãnh tụ tinh thần của người Yazidi.
Cuối cùng, tôi cũng đoàn tụ với gia đình và ôm lấy bố. Ông đã khóc rất nhiều từ sau khi tôi mất tích. Đêm đó, chúng tôi đi ngay tới Khanke để gặp mẹ và họ hàng. Chúng tôi tiếp tục òa khóc và ôm chặt nhau. Cả tháng bị bắt và trốn chạy ròng rã của tôi đã kết thúc. Tôi cảm thấy mình đã tái sinh.
Tuy nhiên, những ký ức kinh hoàng vẫn còn đeo bám tôi. Phiến quân đã giết anh trai tôi và bắt chị dâu tôi. Tôi nghĩ mình không bao giờ có thể quay trở về làng cũ được nữa, dù nó đã vắng bóng các chiến binh Hồi giáo. Tôi vẫn gặp các cơn ác mộng hàng đêm, thỉnh thoảng tôi bất tỉnh ngay giữa ban ngày khi tôi nhớ lại hoặc tưởng tượng về những chuyện đã xảy ra, và chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi và Shayma không chạy thoát.