"Có nhiều điều gắn kết Mỹ và Việt Nam. Chúng ta có những con người năng động, sáng tạo, mang tinh thần khởi nghiệp. Chúng ta cùng quan tâm tới việc đối phó với những thách thức của thời đại - từ khủng hoảng khí hậu đến an ninh y tế toàn cầu", bà Wendy Sherman phát biểu tại Đại học Fulbright, TP.HCM ngày 11/6.
Bà nói thêm hai nước tôn trọng hệ thống chính trị của nhau, đều mong muốn một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng, cũng như một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, lành mạnh và kiên cường.
Theo Thứ trưởng Sherman, Mỹ và Việt Nam tin tưởng vào tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, các nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Hai bên có chung tầm nhìn về an ninh của khu vực này - một tầm nhìn dựa trên các quy tắc rõ ràng, được thống nhất áp dụng bình đẳng cho tất cả các bên.
Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN
Theo Thứ trưởng Sherman, lợi ích của Mỹ gắn chặt với ASEAN. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Mỹ. Các công ty Mỹ đã xây dựng chuỗi cung ứng qua việc đặt nhiều nhà máy tại các nước thành viên ASEAN, với đa dạng mặt hàng như dệt may, nhựa, điện tử.
ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 của thế giới, cũng như chiếm một phần ba dân số toàn cầu. Bà Sherman đặc biệt nhấn mạnh khu vực Đông Nam Á đang có lực lượng lao động trẻ, với 60% dân số các nước ASEAN dưới 35 tuổi.
Một phần ba hoạt động thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông. Do đó, những vấn đề tại khu vực này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, việc làm và cuộc sống của người dân Mỹ, bà Sherman nhận định.
Đó là những yếu tố khiến Mỹ ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN, theo bà Sherman, và điều này đã được thể hiện tại Hội nghị Cấp cao Đặc biệt Mỹ - ASEAN hồi tháng 5, khi hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Tầm nhìn chung về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Mỹ và ASEAN đã có nhiều lập trường chung về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được thể hiện qua Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Bà cho biết cả hai văn kiện đều đặt hòa bình và thịnh vượng làm ưu tiên, nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Ngoài ra, Mỹ và ASEAN cũng nhắc tầm quan trọng của hợp tác trong các vấn đề hàng hải, phát triển, thương mại và tăng trưởng kinh tế, về biến đổi khí hậu. Đặc biệt, văn kiện của hai bên về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ quyền, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
"Điều này đến từ việc chúng tôi thực sự chia sẻ những mục tiêu, nguyên tắc và ưu tiên chung. Nó đã mang lại cho chúng tôi nền tảng vững chắc để giải quyết những thách thức và xây dựng tương lai chúng tôi muốn hướng đến", bà nói.
Đưa y tế làm trọng tâm
Bà Sherman cho rằng đại dịch Covid-19 đã buộc Mỹ phải đánh giá lại các vấn đề y tế trong chính sách đối ngoại.
"Là người xuất thân từ ngành công tác xã hội, tôi nhận thấy việc chăm sóc sức khỏe là vấn đề chính trị hàng đầu tại Mỹ là điều đúng đắn, vì nếu bạn không có sức khỏe, mọi thứ khác trong cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn", bà chia sẻ.
Dù sức khỏe từ lâu là cốt lõi của sự phát triển toàn cầu, song những sáng kiến y tế như xóa bỏ đậu mùa, chống lại bệnh AIDS và sốt rét, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ thường bị tách biệt khỏi các vấn đề lớn trong hoạch định chính sách đối ngoại, bà nói.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực trong ứng phó với Covid-19 và đánh giá cao chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam. Bà cho biết Mỹ tự hào là đối tác của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch, là nhà tài trợ vaccine hàng đầu cho Việt Nam - với gần 40 triệu liều.
Ngoài ra, bà Sherman nói Mỹ biết ơn sâu sắc Việt Nam đã hỗ trợ khẩu trang và thiết bị bảo hộ cho Mỹ trong giai đoạn đầu đại dịch.
Ứng phó với biến đổi khí hậu
Tương tự y tế, biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu mà hai nước phải đối mặt. Bà Sherman nói những người trẻ hiện nay hiểu rõ được mối đe dọa do biến đổi khí hậu và môi trường suy thoái.
"Nếu các bạn sinh sau tháng 4/1985, các bạn chưa bao giờ sống trong giai đoạn mà nhiệt độ toàn cầu dưới mức trung bình trong thế kỷ 20", bà cho biết.
Thứ trưởng Sherman cho rằng cả sức khỏe và môi trường đều là nền tảng cho sự thịnh vượng kinh tế, và Mỹ đang hỗ trợ các đối tác, bao gồm Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, không gây ô nhiễm.
Bà cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden năm nay đã khởi động dự án trị giá 5,3 triệu USD để xây dựng hệ thống lưu trữ pin năng lượng quy mô lớn đầu tiên tại trang trại năng lượng mặt trời ở miền Trung Việt Nam. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam phần nào giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ sắp thăm Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman sẽ có chuyến thăm 4 nước châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam và Lào, trong 9 ngày, bắt đầu từ ngày 5/6.
Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Mỹ - ASEAN
Ông Derek Grossman nhận định "Việt Nam đã thực sự và rất rõ ràng trở thành một cường quốc có trách nhiệm trong ASEAN" và đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Mỹ - ASEAN.
Tiết lộ thư viết tay của Tổng thống Hàn Quốc sau khi bị bắt giữ
Trong bức thư được đăng trên Facebook, Tổng thống Yoon nhấn mạnh việc áp đặt thiết quân luật trong thời gian ngắn là hành động thuộc thẩm quyền để vượt qua khủng hoảng quốc gia.