Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Mỹ - ASEAN

Ông Derek Grossman nhận định "Việt Nam đã thực sự và rất rõ ràng trở thành một cường quốc có trách nhiệm trong ASEAN" và đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Mỹ - ASEAN.

Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN lần đầu diễn ra tại Nhà Trắng đầu tháng này cũng là lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên của một tổng thống Mỹ với các lãnh đạo ASEAN trong thời "hậu đại dịch Covid-19".

Một mặt, chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo ASEAN đến Mỹ theo lời mời của Tổng thống Joe Biden cho thấy vị trí của khối trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Mặt khác, giới chuyên gia nhận định các hoạt động bên lề và phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thể hiện quan hệ Việt - Mỹ đang trong giai đoạn tốt đẹp, đồng thời lưu ý vị thế đặc biệt của Việt Nam trong quan hệ Mỹ - ASEAN.

"Dù không phải là một trong những thành viên sáng lập của ASEAN, thậm chí gia nhập muộn hơn so với các thành viên khác, Việt Nam đã thực sự và rất rõ ràng trở thành một cường quốc có trách nhiệm trong ASEAN", ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp Tập đoàn RAND, Mỹ, nhận định.

Cùng với đánh giá Việt Nam vừa hoàn thành rất tốt vai trò thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam “thực sự trở thành một hình mẫu cho các nước ASEAN còn lại".

thu tuong anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong hội nghị đặc biệt Mỹ - ASEAN ngày 13/5. Ảnh: Reuters.

Đất nước "có trách nhiệm"

Ông Grossman chỉ ra chính sách đối ngoại "làm bạn với tất cả quốc gia" đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng ảnh hưởng của Việt Nam đối với ASEAN.

"Đóng góp của Việt Nam trong quan hệ Mỹ - ASEAN rất đáng kể. Vì Việt Nam không chỉ có mối quan hệ chặt chẽ trong ASEAN, mà còn quan hệ ngày càng nhiều với châu Âu, ngày càng phát triển với Mỹ ở nhiều cấp độ, ngày càng tăng với Australia và các nước trong khu vực, như Nhật Bản”, đó là lý do để chuyên gia của RAND đưa ra nhận định “Việt Nam đã tự mình triển khai khá tốt chính sách đối ngoại theo hướng thêm bạn, bớt thù".

Việt Nam thực sự trở thành một hình mẫu cho các nước ASEAN còn lại

Ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp về châu Á - Thái Bình Dương, Viện nghiên cứu RAND, Mỹ

Phần lớn giới chuyên gia về quan hệ Việt - Mỹ đều dõi theo bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và sau đó là tại Trường Harvard Kennedy (Đại học Harvard), như một chỉ dấu cho chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới.

"Tôi đã theo dõi rất kỹ bài phát biểu của ông ấy (Thủ tướng - PV) tại CSIS với thông điệp chúng tôi muốn hòa bình, chúng tôi muốn hợp tác và chúng tôi không muốn phải trải qua những giai đoạn khó khăn như thời kỳ chiến tranh lạnh hay chủ nghĩa thực dân", ông Grossman nói.

Tất cả xoay quanh vấn đề hợp tác - chuyên gia của RAND cho rằng đó là một điều tốt cần nhấn mạnh hiện nay.

Ông Andrew Wells Dang của Trung tâm châu Á thuộc Viện Hòa bình Mỹ, chia sẻ trong bài phát biểu, ông nhớ nhất câu không có một nước nào, dù mạnh đến bao nhiêu, có thể giải quyết hết các vấn đề quốc tế. Vì thế, cần có hợp tác toàn cầu hoá và cần có chính sách đa phương.

"Điều này có thể áp dụng không chỉ với Việt Nam mà cả các nước lớn nữa”, ông nói.

Nền tảng quan hệ Việt - Mỹ

Chuyên gia Grossman của RAND nói thêm rằng bài phát biểu tại CSIS đề cập đến điều mà ông rất thích và mong đợi.

"Nền tảng của mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam kể từ khi bình thường hóa vào năm 1995 là hai nước có sự tôn trọng hệ thống chính trị của nhau", ông nhấn mạnh.

thu tuong anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: VPG.

Trong khi đó, ông Greg Poling, chuyên gia cấp cao của CSIS, nhận xét thời gian qua, mối quan hệ này đã phát triển mạnh mẽ, thậm chí sâu sắc hơn và đạt nhiều thành quả hơn so với một số mối quan hệ mà Mỹ có truyền thống. Ông Poling lưu ý bối cảnh "hai nước đã không có quan hệ bình thường cho tới năm 1995, mối quan hệ này chỉ mới được xây dựng qua 4 đời tổng thống".

"Mỹ mới bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam 6 năm trước đây, nhưng hôm nay, chúng ta đã nghe và thảo luận về mọi chủ đề, rất cởi mở. Từ thương mại, đầu tư, đến an ninh, hàng hải", ông Poling nói và cho rằng người Mỹ sẽ không thích mối quan hệ truyền thống bằng mối quan hệ thực chất và đi vào chiều sâu.

Cơ hội hợp tác kinh tế

Một điểm nhấn khác trong chuyến đi của Thủ tướng là các cơ hội hợp tác kinh tế được mở ra. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc làm việc với những nhân vật quan trọng về kinh tế của Mỹ như Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Bộ trưởng Thương mại, Trưởng Đại diện thương mại Mỹ và tới thăm sàn giao dịch chứng khoán New York NYSE - sở giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa thị trường.

Sam Stovall, Trưởng bộ phận Tư vấn Chiến lược, Công ty CFRA, Mỹ, tóm gọn triển vọng kinh tế Việt - Mỹ trong hai từ: "Niềm tin" và "Cam kết".

"Việc Thủ tướng tới Mỹ, gặp Bộ trưởng Janet Yellen, thăm sàn NYSE thể hiện cam kết rằng Việt Nam mong muốn cải thiện quá trình kết nối tài chính bằng việc công ty Việt Nam có thể niêm yết trên sàn New York sau này, chẳng hạn", ông nói.

"Còn niềm tin, các bạn đã loại bỏ được hoạt động phi pháp trên thị trường. Bằng cách làm như vậy, Việt Nam cho nhà đầu tư tiềm năng thấy rằng các công ty Việt Nam có niêm yết ở sàn Mỹ sau này cũng sẽ tuân thủ nghiêm ngặt quy định", chuyên gia này đánh giá.

Ông nói rằng việc có công ty Việt Nam niêm yết tại sàn như NYSE sẽ rất tốt trong việc tạo nên một sân chơi rộng lớn hơn với nhà đầu tư toàn cầu. Điều này góp phần cho các nhà đầu tư gọi vốn nhanh hơn, quy mô lớn hơn và tăng trưởng mạnh hơn.

Vị chuyên gia đề cập một khía cạnh khác là doanh nghiệp Việt Nam sẽ học được rất nhanh “mức độ đòi hỏi” của cổ đông đối với các báo cáo tài chính hàng quý, xu hướng lợi nhuận cũng như thực hiện thay đổi khi dự báo không được như kỳ vọng. Nhưng chính những đòi hỏi đó sẽ tăng năng lực quản trị để đạt được những dự tính về kinh doanh, và biết cách làm hài lòng các nhà đầu tư.

Phát biểu sau diễn đàn xúc tiến du lịch và đầu tư tại San Francisco, Sanjay Kaul, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CISCO, nói rằng ông "rất hào hứng khi thấy mạng lưới viễn thông của Việt Nam đang phát triển lên hệ 5G và hơn thế nữa".

"Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn bởi môi trường đầu tư, kinh doanh rất triển vọng. Vì thế, thật tuyệt vời khi được hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới", ông kỳ vọng.

Với thị trường nội địa quy mô gần 100 triệu dân, nếu nhìn vào các chỉ số kinh tế, thì GDP của Việt Nam tăng trưởng tốt hơn các quốc gia láng giềng

Anthony Onwugbenu, Phó chủ tịch Công ty TNHH Bridge Pathway

Phó chủ tịch Công ty TNHH Bridge Pathway, ông Anthony Onwugbenu, thì nhận định "Việt Nam là một quốc gia chiến lược".

"Nhìn vào các số liệu về Việt Nam đều rất khả quan. Với thị trường nội địa quy mô gần 100 triệu dân, nếu nhìn vào các chỉ số kinh tế, thì GDP của Việt Nam tăng trưởng tốt hơn các quốc gia láng giềng”, Phó chủ tịch Bridge Pathway nói.

Ông đánh giá Việt Nam có một chính phủ ổn định, một môi trường thương mại và đầu tư tích cực, nền kinh tế cũng rất đa dạng khi có nông nghiệp mạnh nhưng sản xuất công nghiệp cũng phong phú.

"Tất cả yếu tố này gộp lại biến Việt Nam thành điểm đến đầu tư tuyệt vời cho chúng tôi", ông Anthony Onwugbenu nói.

Về lĩnh vực phát triển bền vững, bà Kanni Wignaraja, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), nói sau cuộc gặp của Thủ tướng với Tổng giám đốc UNDP Achim Steiner, Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu phát triển rất tham vọng. Và với UNDP, đó là tín hiệu tuyệt vời nhất.

"Việt Nam luôn đặt con người lên hàng đầu. Ví dụ như trong chuyện phòng chống dịch Covid-19, các bạn có những biện pháp rất quyết liệt giúp đất nước hồi phục rất nhanh. Đây là hình mẫu để nhiều nước nhìn vào", bà nói.

Tổng thống Mỹ tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN tại Nhà Trắng Sau hai năm đại dịch, hội nghị Mỹ - ASEAN đã trở lại bằng việc Tổng thống Joe Biden mời lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á đến cuộc gặp tại Nhà Trắng.

Thông điệp qua các bài phát biểu của Thủ tướng ở Mỹ

Các phát biểu của Thủ tướng ở Mỹ thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam và mong muốn học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, theo tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.

Hồng Đậu

Bạn có thể quan tâm