Trong chuyến công tác đầu tiên tới TP.HCM, bà Matthews đã có cuộc trao đổi độc quyền với Zing.vn về quan hệ song phương Việt Nam - New Zealand cũng như các vấn đề đang được quan tâm như APEC, TPP và Biển Đông.
Việt Nam và những thách thức
- Bà từng đi nhiệm kỳ ở New Delhi và Bắc Kinh. Đến Hà Nội từ tháng 12, có điều gì khiến bà bất ngờ?
- Việt Nam là lựa chọn số 1 của tôi cho luân chuyển, tôi rất vui được tới đây. Tôi hiểu biết kha khá về châu Á và ASEAN, nhưng vẫn có rất nhiều thứ khác để tìm hiểu thêm khi tới Việt Nam.
- Đây không phải lần đầu bà đến Việt Nam. 14 năm trước bà đã đến đây với tư cách khách du lịch?
- Lần đầu đến Việt Nam của tôi là cách đây 17 năm, tháp tùng ngoại trưởng tới đây. 14 năm trước, tôi đến để du lịch và sau đó trở lại vài lần nữa với những công việc khác nhau. TP.HCM hôm nay không giống gì với thành phố tôi từng thấy 14 năm trước.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Matthews trong cuộc trao đổi với Zing.vn ở TP.HCM. |
- Bà nghĩ gì về những sự thay đổi này, chẳng hạn như tình trạng kẹt xe?
- Phát triển kinh tế sẽ đi cùng tăng trưởng, cơ hội và cả những thách thức. Những tòa nhà cao tầng mọc lên, các doanh nghiệp lớn ra đời nhưng tình hình giao thông tệ đi, cùng với đó là ô nhiễm… Cơ hội luôn đến cùng thách thức, chính phủ Việt Nam đang phải chiến đấu với các vấn đề này.
- Đâu sẽ là những ưu tiên cho nhiệm kỳ của bà?
- Tôi rất vui khi Việt Nam - New Zealand có nền tảng hợp tác sâu rộng. Nhưng là đại sứ mới, tôi có nhiều tham vọng và ý tưởng mới. Điều tôi muốn nhìn thấy nhất là tăng trưởng mạnh quan hệ thương mại hai bên.
Tôi thấy tiềm năng rất lớn cho thị trường giáo dục. Chúng tôi rất vui mừng đón nhiều sinh viên Việt Nam đến New Zealand nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được phát huy. Chúng ta có quan hệ chính trị, hợp tác quốc phòng cũng rất mạnh. Nhưng điều quan trọng vẫn là đặt ra những mục tiêu và đẩy sâu hơn nữa những hợp tác này.
Đại sứ Matthews gặp gỡ các doanh nghiệp New Zealand tại TP.HCM hồi cuối tuần. |
Sinh viên Việt Nam được chào đón
- Tiềm năng lớn nhưng vài năm qua số du học sinh Việt Nam tại New Zealand chỉ trên dưới 2.000/năm, tại sao thưa bà?
- Năm vừa rồi thực tế số đơn xin visa tới New Zealand tăng tới 21%. Đúng là chúng ta đã quẩn quanh con số chừng 2.000 sinh viên/năm, nhưng giờ chúng tôi rất hy vọng New Zealand có thể đẩy nhanh hơn nhiều lựa chọn về giáo dục chất lượng cao.
Đại học Auckland nằm trong top 3% những đại học hàng đầu thế giới. Chúng tôi cũng có môi trường an toàn cho học tập, chúng tôi nhấn mạnh sự sáng tạo và sự sẵn sàng cho thị trường việc làm. Với những điều trên, chúng tôi hy vọng có thể mở rộng thị trường Việt Nam.
- Cùng khoảng cách địa lý, sinh viên Việt có thể chọn New Zealand hoặc Australia? Tại sao sinh viên Việt Nam nên chọn New Zealand, lợi thế của các bạn?
- Mọi đại học New Zealand đều có đầu ra chất lượng cao. New Zealand là đất nước sáng tạo dù có dân số ít. Chúng tôi tìm cách giải quyết mọi chuyện một cách thông minh và chú trọng giáo dục. UNDP xếp hạng New Zealand rất cao về tinh thần tiên phong và sáng tạo trong giáo dục.
Chúng tôi còn có môi trường rất an toàn, các cơ sở giáo dục lẫn chính phủ rất quan tâm đến sinh viên quốc tế.
Đại sứ Wendy Matthews đánh giá sinh viên Việt Nam tại New Zealand có thành tích tốt hơn sinh viên các nước khác.
|
- Bà từng gặp các sinh viên Việt Nam du học ở New Zealand chưa, bà có nghe các trường nói sao về sinh viên Việt?
- Tôi phải nói rằng kết quả học tập của sinh viên Việt Nam rất tốt. Từ góc độ của người trao học bổng, chúng tôi rất hài lòng khi sinh viên Việt có thành tích tốt hơn so với các nước.
Về phía các cơ sở giáo dục, nhiều cơ sở New Zealand đang muốn nhắm đến thị trường Việt Nam sau khi chứng kiến những sinh viên ở đây chăm chỉ, thích ứng với môi trường và thành công.
- Tức là bà chưa nghe than phiền họ nghịch ngợm gì cả?
- Tôi chưa thấy và hy vọng là không có vậy (cười). Dù vậy, phải nói rằng tôi rất đánh giá cao việc các cựu du học sinh New Zealand trở về Việt Nam. Chúng tôi gọi họ là những “mafia New Zealand” - họ quảng bá cho “lối sống New Zealand”, “thương hiệu New Zealand”, “nền giáo dục New Zealand” và sự “sáng tạo New Zealand”.
Không chỉ là đất của "Chúa tể những chiếc nhẫn"
- Tôi nghe tin New Zealand sẽ cấp vé máy bay để phỏng vấn và tuyển dụng 100 kỹ sư công nghệ trình độ cao trên toàn thế giới. Việc này hơi lạ với một nước vốn nổi tiếng về kiwi, về sản phẩm thịt, sữa hay "Chúa tể những chiếc nhẫn". Tôi chưa nghe nhiều về lĩnh vực công nghệ của New Zealand.
- Cảm ơn bạn đề cập vấn đề này. Đó là khía cạnh mà chúng tôi thường không được để ý tới, dù trên thực tế chúng tôi chú trọng công nghệ và có nhiều công ty lĩnh vực này, đặc biệt là phần mềm ứng dụng.
Chúng tôi cũng quan tâm đến Việt Nam và các đối tác tại đây. Năm 2016, Bộ trưởng Kinh tế Steven Joyce đã khánh thành Cổng Kết nối Kiwi Connection Hub. Đây là bệ phóng để kết nối các công ty công nghệ New Zealand với đối tác hoặc khách hàng tại Việt Nam.
Người tham gia Lễ hội Ẩm thực và Rượu vang New Zealand 2017 tại TP.HCM hôm 11/3. |
- New Zealand có nhiều "cổng kết nối" tương tự tại ASEAN không?
- Kiwi Connection Hub tại TP.HCM là cổng kết nối đầu tiên ở ASEAN. Trung tâm này của tư nhân nhưng được tài trợ của chính phủ New Zealand. Trung tâm thúc đẩy sự trao đổi giữa các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam và New Zealand, hợp tác và tìm những ý tưởng để thực hiện cùng nhau trong lĩnh vực này.
- Bà vừa gặp các doanh nghiệp New Zealand, phản ứng của họ với môi trường kinh doanh ở đây thế nào?
- Một số công ty lớn của chúng tôi đã ở Việt Nam được nhiều năm, ví dụ như Fonterra. Điều họ nói thường xuyên là nhu cầu về sự quản trị minh bạch - lĩnh vực vẫn còn có thể cải thiện. Các chính sách của Việt Nam thì tốt nhưng họ vẫn phải tìm hiểu khi nào, ở đâu và với ai thì các quy định sẽ được thực hiện. Họ cũng muốn biết cơ chế phản hồi nếu có câu hỏi đối với luật lệ ở đây.
Xem xét một TPP không có Mỹ
- So sánh môi trường chính sách Việt Nam với các nước khác trong ASEAN thì như nào?
- Tôi làm về ASEAN rất nhiều, trong đó có đàm phán hiệp định FTA giữa ASEAN - New Zealand. Có thể nói có nhu cầu chung ở đây, cả từ phía chính quyền và khối tư nhân, là thay đổi cách quản trị hiện tại của họ.
Hiệp định TPP là phương tiện tốt giải quyết vấn đề này. Trong hiệp định có chương "sự đồng nhất về quy định" giải quyết vấn đề để đảm bảo có môi trường tốt cho các doanh nghiệp phát triển.
TPP rõ ràng đang gặp trở ngại lớn. Đối với New Zealand, chúng tôi muốn xem xét khả năng một TPP không có nước Mỹ vẫn có thể xúc tiến. Lý do là chúng tôi vẫn nhìn thấy lợi ích kinh tế chiến lược từ TPP.
- Khi thương thảo TPP, nhiều nước đã phải “hy sinh” khá nhiều để hoàn thành đàm phán - nhưng họ nhìn bức tranh lớn là có nước Mỹ, một thị trường lớn. Giờ không có Mỹ, liệu các nước có sẵn sàng tiếp tục những hy sinh lớn họ đã đưa ra?
- Đầu tiên, phải nói rằng chính phủ New Zealand thất vọng trước việc Mỹ rút khỏi TPP. Dù vậy, chúng tôi vẫn thấy giá trị của hiệp định này. TPP đưa ra tầm nhìn về hội nhập kinh tế của khu vực.
Đó là điều tôi thấy nhiều điểm chung giữa New Zealand và Việt Nam. Đó là sự cởi mở trao đổi, khao khát hội nhập kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ngày càng nhiều tiếng nói chia rẽ trên khắp thế giới.
Từ tầm nhìn này, Việt Nam với tư cách chủ nhà APEC cần làm rõ được APEC là gì. APEC chính là tự do hóa thương mại, mang các thị trường xích lại gần nhau. TPP cũng có tầm nhìn đó.
- Chúng ta nhìn thấy chủ nghĩa bảo hộ tái xuất ở châu Âu với "Brexit" hay ở Mỹ với Tổng thống Donald Trump. Bà có nghĩ điều này sẽ lật ngược những nỗ lực tự do hóa thương mại đang có?
- Chúng ta không thể đảo ngược sự điều chỉnh của chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ có nhiều công ty công nghệ cao đặt nhà máy sản xuất của họ tại Việt Nam, người ta không thể đảo ngược và nói những sản phẩm này sẽ trở về sản xuất ở một số quốc gia (như xưa).
New Zealand cũng đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp. Chúng ta sẽ không đi ngược lại quá khứ và tự bán hàng cho chính mình.
Thực tiễn ngày nay là kinh tế đã hội nhập, và gắn quyện sâu vào nhau, hoàn toàn khác 20 năm trước. Chúng ta phải giải thích được rõ điều đó với cả người dân trong nước cũng như quốc tế.
'Chúng tôi không thể bán hàng hóa cho chính mình'
- Cử tri New Zealand nghĩ thế nào về xu hướng chống toàn cầu hóa? Họ có bị chia rẽ?
- Hiển nhiên là tại New Zealand, quan điểm về vấn đề thương mại, chính trị vô cùng đa dạng và đó là điều lành mạnh. Tuy nhiên New Zealand là một quốc gia xuất khẩu và về cơ bản mọi người dân đều hiểu rằng sự thịnh vượng và tương lai phụ thuộc vào việc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục vươn ra thế giới.
Tôi nghĩ người New Zealand hiểu rằng chúng tôi không thể bán hàng hóa cho chính mình, chúng tôi phải nhìn ra bên ngoài. Người New Zealand đi khắp thế giới và vô cùng cởi mở. Chúng tôi không thể đóng cửa với thế giới và cũng không muốn làm vậy.
- Bà nghĩ thế nào về những ưu tiên Việt Nam đề xuất cho APEC năm nay?
- Có 4 ưu tiên nhưng tôi sẽ chỉ nhấn mạnh những vấn đề cụ thể liên quan đến New Zealand. Trước hết là ưu tiên tăng cường liên kết kinh tế khu vực, làm thế nào để đảm bảo APEC tiếp tục là động lực thúc đẩy tự do thương mại giữa các nền kinh tế là hết sức quan trọng.
Cùng với đó là tầm nhìn về một thỏa thuận thương mại tự do tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi hiểu việc này sẽ không xảy ra ngay ngày mai nhưng đó là tầm nhìn hữu ích.
Vấn đề khác mà chúng tôi quan tâm là phát triển nông nghiệp bền vững. Cả New Zealand và Việt Nam đều là những nước có nền nông nghiệp mạnh. Vì vậy, cách chúng ta ứng phó với biến đổi khí hậu, cách chúng ta nhìn nhận sự bền vững, cách chúng ta giúp người nông dân trở thành những doanh nhân làm ăn hiệu quả, phát đạt, và cách đảm bảo dòng chảy tự do của nông phẩm trong khu vực APEC. Tất cả đều là những thách thức quan trọng.
- Những định chế cũ như WTO thất bại là lý do khiến chúng ta phải đàm phán TPP. Nhưng tương lai TPP giờ thì mịt mù. Liệu APEC (định chế cũ) có còn hiệu quả để thúc đẩy hội nhập kinh tế và tự do thương mại?
- Hợp tác APEC bao trùm rất nhiều vấn đề và có đem lại những thành quả hữu hình, thực tế. Một trong số đó là thẻ thông hành APEC (APEC Business Travel Card hay ABTC) giúp các doanh nhân đi lại dễ dàng hơn. Các doanh nhân New Zealand rất thích thẻ này. Đây là ví dụ thực tế cho thấy APEC khiến giao thương tại khu vực dễ dàng hơn.
Vẫn còn nhiều sáng kiến khá thực tế mà APEC đã bàn thảo trong vài năm qua. Nếu bạn nhìn vào quy định thời hạn thủ tục hải quan, vào chi phí vận chuyển hàng hóa giữa các thành viên, những thứ này đã giảm trong những năm qua. Có thể nó không được báo chí nêu nhiều nhưng nó có những thay đổi dần dần.
Đại sứ Matthews tin tưởng hợp tác APEC vẫn sẽ hiệu quả bất chấp những thách thức từ xu hướng chống toàn cầu hóa. |
- Việt Nam và New Zealand đều là những xuất khẩu nông sản. Bà có nghĩ hai nước sẽ cạnh tranh nhiều hơn hợp tác?
Tôi nghĩ chúng ta là đối tác hoàn hảo. Bởi lẽ những sản phẩm chủ lực của New Zealand như sữa và chế phẩm từ sữa, thịt, kiwi, rượu vang... lại không phải là thế mạnh của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam nổi tiếng với trái cây nhiệt đới, gạo, hạt điều, cà phê,..., những mặt hàng New Zealand không sản xuất được. Vì vậy tôi nghĩ chúng ta là 2 nền kinh tế mang tính bổ trợ hơn là cạnh tranh.
Đối thoại là nền tảng cho quan hệ tốt
- Vấn đề nóng tại khu vực thời gian qua không thể không nhắc đến tranh chấp trên Biển Đông với những hoạt động hết sức đáng quan ngại như bồi lấp, xây đảo nhân tạo... Quan điểm của New Zealand về vấn đề này?
- Ngoại trưởng Murray McCully từng có phát biểu và tuyên bố liên quan đến vấn đề Biển Đông. Ông kiên quyết kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Đây là những giá trị mà New Zealand theo đuổi.
- New Zealand chia sẻ đường biên giới trên biển với Australia - một cường quốc khu vực. Liệu có bài học nào từ mối quan hệ này có thể áp dụng cho tranh chấp trên Biển Đông?
- New Zealand là một đảo quốc, thậm chí "hàng xóm" chính là Australia cũng ở rất xa. Tranh chấp lãnh thổ không phải là thách thức với chúng tôi. New Zealand cũng là một trong những nước có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng nhất thế giới.
Nhìn từ góc độ một nhà ngoại giao, tôi cho rằng đối thoại và hợp tác luôn là nền tảng cho bất kỳ mối quan hệ tốt nào.
- Xin chân thành cám ơn bà.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Matthews là nhà ngoại giao chuyên nghiệp từng là phó cao ủy New Zealand ở Ấn Độ và Trung Quốc. Trước khi đến Việt Nam nhận nhiệm vụ, bà phụ trách bộ phận Hội nhập Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao New Zealand.