Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lời hứa không dễ thực hiện của ông Biden

Nhận định về đại hội đảng Dân chủ, một số người gốc Việt ở Mỹ lâu năm nói rằng lời hứa đoàn kết lại nước Mỹ của ông Biden sẽ không hề dễ thực hiện.

nguoi Viet o My bau cu anh 1

Đại hội đảng Dân chủ năm nay đã diễn ra với màn bỏ phiếu từ xa chưa từng có. Hàng loạt nhân vật gạo cội kịch liệt phê phán Tổng thống Trump, và ca ngợi ứng viên Biden, chú trọng sự cảm thông và kinh nghiệm chống dịch, phục hồi kinh tế của ông Biden.

Nhiều diễn giả, bao gồm cựu tổng thống Barack Obama, còn cảnh báo nền dân chủ đang lung lay khi đảng Cộng hòa cản trở người Mỹ bỏ phiếu.

Một số người gốc Việt ở Mỹ lâu năm đã chia sẻ với Zing suy nghĩ về đại hội và cuộc bầu cử tới. Dù không đại diện cho các mối quan tâm đa dạng, phức tạp của người gốc Việt, các ý kiến cũng hé lộ sự chia rẽ sâu sắc ở Mỹ. Điều mà đại hội khẳng định ông Biden sẽ làm được - đoàn kết lại nước Mỹ - sẽ không hề dễ dàng.

nguoi Viet o My bau cu anh 2

Bà Harris (trái) và ông Biden (phải) xuất hiện cùng chồng và vợ mình vào cuối đêm 3 của đại hội đảng Dân chủ, sau khi bà Harris chính thức chấp nhận tranh cử phó tổng thống. Ảnh: AFP.

Đại hội online mất đi các tranh luận

Đinh Công Bằng, 48 tuổi, làm về chính phủ điện tử cho tiểu bang Florida, coi mình là cử tri độc lập. Anh muốn tìm hiểu kỹ từng vấn đề, xem thế nào tốt cho nước Mỹ, thế nào tốt cho cá nhân mình và các nhóm người khác, từ đó mới đi đến quyết định có bỏ phiếu hay không.

Nhưng anh nghĩ mình là số ít. “Đa số người Việt mà tôi tiếp xúc không phải cử tri tính toán, mà là cử tri đặt nhiều cảm xúc, như thái độ cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc là một điều được sự ủng hộ của người Việt”, anh Bằng nói với Zing từ Tallahassee, thủ phủ bang Florida, một bang chiến trường quan trọng.

nguoi Viet o My bau cu anh 3

Đinh Công Bằng, làm về chính phủ điện tử cho chính quyền bang Florida, sống tại thủ phủ bang ở Tallahassee. Ảnh: NVCC.

Anh vẫn chờ thêm thông tin, vì đại hội đảng Dân chủ những ngày qua chưa hé lộ thêm nhiều về những quan tâm của anh: platform (cương lĩnh, chính sách) của đảng trong thời gian tới, nghị quyết của đại hội, để biết bốn năm tới sẽ có những gì.

Anh cho rằng đại hội trực tuyến không bằng đại hội gặp mặt trực tiếp, vì “rất một chiều” không thấy rõ được tranh luận, ý tưởng của nhiều bên.

“Đại hội (trực tiếp) cũng rất dân chủ, các nhóm gặp nhau, có sự đối mặt, tranh luận nhất định về các vấn đề bất đồng”, anh Bằng nói.

Hơn nữa, khi đại hội ở một chỗ sẽ có hàng loạt sự kiện, có các cuộc phỏng vấn bên lề, giúp anh hiểu vấn đề hơn.

“Mình biết ai đến, biết người ta đến đem theo thông điệp nào, muốn làm gì, như kiểu ‘tôi ở bang này, đang có vấn đề này khá nguy cấp, cần thiết, tôi muốn chương trình này trong nghị trình của ông Biden’”, anh Bằng nói.

nguoi Viet o My bau cu anh 4

Đại hội thời Covid-19: cuối đêm 3, bà Kamala Harris chào người ủng hộ đang vỗ tay, tất cả đều qua màn hình. Ảnh: Getty Images.

Ông Biden có thể đoàn kết được nước Mỹ?

Đảng Dân chủ dành nhiều thời lượng để thuyết phục khán giả rằng ứng viên Joe Biden cảm thông được với người Mỹ đang khó khăn, nhất là giữa đại dịch, vì ông từng trải qua nhiều đau thương. Vợ và con gái 1 tuổi của ông qua đời do tai nạn giao thông khi ông vừa được bầu vào Thượng viện ở tuổi ngoài 30, sau này con trai ông, Beau Biden mất do ung thư não.

Với khách mời tương đối đa dạng, từ nhiều giới, đại diện nhiều vấn đề, đại hội quảng bá ông Biden là người có thể đoàn kết lại nước Mỹ, sau thời gian chia rẽ gay gắt mà ông Trump là một nguyên nhân.

“Có những người cố nói rằng đất nước chúng ta chia rẽ đến tuyệt vọng, khác biệt của chúng ta không thể khỏa lấp”, Jill Biden, vợ ông Biden, phát biểu. “Nhưng những tháng vừa qua... chúng ta vẫn giúp nhau, nhờ cậy đến nhau, tìm được sự bao dung... cho thấy trái tim của đất nước vẫn đập với lòng tốt và sự quả cảm. Đó chính là linh hồn của nước Mỹ và ông Joe Biden đang đấu tranh để giành lại”.

Những người gốc Việt ở Mỹ lại không chắc chắn như vậy.

“Ông Biden sẽ gây ít tranh cãi hơn, không có vụ này vụ kia, nhưng tin tưởng một người có thể đoàn kết được nước Mỹ thì khó, thực sự người ta có thể coi nhau như kẻ thù vì khác biệt chính trị”, anh Bằng nhận xét, nhớ lại thời anh sang Mỹ 20 năm trước không như vậy.

Nêu ví dụ công sở của mình, anh cho biết bình thường người Mỹ có thể tránh nói chính trị ở những nơi không cần thiết. “Họ vẫn có thể nói tôi ủng hộ Trump hay ủng hộ Biden, dừng lại ở đấy”, anh nói. “Nhưng bây giờ họ tránh nói cả điều đó. Môi trường chính trị bây giờ làm mình cẩn thận ở mức cao hơn nữa - cái đó ai cũng cảm thấy”.

Sự chia rẽ, theo anh Bằng, thể hiện ở chỗ nhiều người giữ bằng được quan điểm của mình, chỉ quan tâm tới mình, không nghe quan điểm của người khác. Đó là điều mà cựu tổng thống Obama cũng thừa nhận trong phát biểu của mình.

“Tôi biết trong thời điểm phân cực như hiện nay, hầu hết quý vị đã quyết định quan điểm của mình", ông Obama nói, trước khi lập luận rằng sự hoài nghi sẽ giết chết nền dân chủ Mỹ và kêu gọi mọi người phải đi bầu cử.

nguoi Viet o My bau cu anh 5

Màn hình lớn chiếu diễn văn của ông Obama tại một buổi cùng xem đại hội đảng Dân chủ từ trong xe hơi tại Boston. Ảnh: Getty Images.

“Tôi từng thích nói các chủ đề này (chính trị), nhưng giờ đây tôi tránh đi”, Thức Phan, 42 tuổi, một bác sĩ tâm lý trẻ em, nói với Zing từ Houston, bang Texas. Texas là một bang luôn thiên về Cộng hòa nhưng đảng Dân chủ đang nỗ lực “chuyển thành bang xanh”.

nguoi Viet o My bau cu anh 6

Thức Phan, bác sĩ tâm lý trẻ em ở Houston, Texas. Ảnh: NVCC.

Anh Thức, người theo dõi đại hội đảng Dân chủ qua đọc báo mỗi ngày, đã bầu cho ứng viên Dân chủ kể từ khi đủ tuổi bầu cử, trừ một lần bầu phía đảng Cộng hòa. Năm nay, không gì có thể khiến anh bầu cho đảng Cộng hòa.

“Tôi nghĩ ông Biden là người có thể đoàn kết nước Mỹ tốt hơn - thực ra ai cũng tốt hơn ông Trump. Cá nhân tôi muốn người khác hơn là ông Biden. Tôi nghĩ ông đã làm khá lâu, chúng ta cần người trẻ hơn, mới hơn với các ý tưởng thú vị hơn”, anh nói thêm.

Câu hỏi khó trả lời hơn là liệu ông Biden có thực sự đoàn kết được nước Mỹ nếu đắc cử hay không.

“Tôi nghĩ các đảng hiện nay - chẳng quan trọng ý tưởng của bạn tốt hay xấu, đảng kia sẽ nói không, đó là vấn đề của đảng Cộng hòa nhiều hơn. Sẽ rất khó để đoàn kết những người mà luôn tự động nói không”.

nguoi Viet o My bau cu anh 7

Một ví dụ về sự chia rẽ: sau Thông điệp Liên bang của ông Trump đầu năm nay, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xé diễn văn của ông. Ảnh: Reuters.

Người Việt cũng chia rẽ

Gia đình anh Thức là một ví dụ về sự chia rẽ quan điểm. Cha mẹ anh bầu cho đảng Cộng hòa vì “người cao tuổi, người Việt có xu hướng bầu cho Cộng hòa và ông Trump”. Ba trong số 5 anh chị em của anh cũng từng bầu cho ông Trump, một điều làm anh ngạc nhiên.

Một vấn đề lớn mà những người gốc Việt ở Mỹ đều tỏ ra lo ngại khi chia sẻ với Zing là các cuộc biểu tình Black Lives Matter cuối tháng 5, đầu tháng 6. Biểu tình đã chuyển thành một vài vụ bạo loạn, hôi của ở một số nơi.

“Cộng đồng Việt Nam bất đồng về nhiều vấn đề, trong đó có Black Lives Matter. Có một chủ tiệm ở Houston ủng hộ phong trào Black Lives Matter, nên dựng biển hiệu lên, nhưng nhiều người bắt đầu tức giận, kêu gọi tẩy chay tiệm của anh ta”, anh Thức kể lại.

“Tôi ghét nhất tụi bạo động”, Lương Thị Phượng, 60 tuổi, đang làm nghề nail, nói với Zing từ Springfield, bang Virginia, cũng là một bang chiến trường quan trọng. Tự nói mình là người không quan tâm, theo dõi chính trị, bà Phượng tỏ ra đặc biệt bất bình về việc phong trào biểu tình chuyển thành bạo động.

nguoi Viet o My bau cu anh 8

Lương Thị Phượng, làm nghề nail ở Springfield, bang Virginia. Ảnh: NVCC.

Anh Bằng, người đã nói sẽ cân nhắc toàn bộ cương lĩnh của đảng Dân chủ, cũng cho rằng an ninh, trật tự là vấn đề số 1 đối với riêng anh.

“Tôi không phản đối phong trào biểu tình Black Lives Matter, hay khẩu hiệu dân quyền, vì nó cần thiết và văn minh đối với nước Mỹ”, anh nói. “Nhưng xảy ra bạo động, đốt phá, rồi chủ trương cắt vốn cho cảnh sát trở thành phong trào... tôi thấy đáng lo ngại”.

Nhận xét của anh Bằng tóm gọn lại điều mà giới phân tích coi là thế “tiến thoái lưỡng nan” của đảng Dân chủ thời gian qua. Cắt vốn cảnh sát là đòi hỏi của phe đi xa về cánh tả, vốn ngày càng trẻ và lớn mạnh trong đảng này, nhưng lại là quá tranh cãi, khó chấp nhận đối với phe ôn hòa cũng như cử tri độc lập.

nguoi Viet o My bau cu anh 9

Cảnh sát Orlando, Florida bắn hơi cay bên ngoài tòa thị chính ngày 2/6 sau các cuộc biểu tình. Ảnh: AP.

Ứng xử với Trung Quốc, chính sách thuế

Bà Phượng ở Virginia hiếm khi đi bỏ phiếu, nhưng cho biết năm nay bà sẽ bầu cho Tổng thống Trump, vì ủng hộ chính sách đối ngoại cứng rắn với Trung Quốc - quan điểm phổ biến của người gốc Việt ở Mỹ.

“Hồi đấy (năm 2016), cô cũng nói ông Trump biết gì đâu mà làm tổng thống... nhưng về đối ngoại thì cô khoái, ông cứng rắn với Triều Tiên, Trung Quốc, Iran, ông không sợ ai hết”, bà Phượng nói.

Bà còn thích ông Trump vì làm tổng thống mà không nhận lương. Bà nhắc lại việc đảng Dân chủ luận tội ông Trump, “cuối cùng có tội gì đâu”. Về các chỉ trích nói ông Trump không đủ năng lực, bà cho rằng “ông kia (Biden) cũng già, nếu sáng giá hơn may ra có thể xoay chuyển được. Với lại với Trung Quốc... tổng thống Mỹ nào cũng lịch sự nhẹ nhàng, còn ông Trump trị hết luôn”.

nguoi Viet o My bau cu anh 10

Sự cứng rắn với Trung Quốc của ông Trump thể hiện qua cuộc chiến thương mại, nhưng được cho là đang ảnh hưởng xấu đến nông dân Mỹ, và đây là điều đại hội đảng Dân chủ nhắc tới nhiều. Ảnh: AP.

Với anh Bằng, vấn đề anh quan tâm kế tiếp là chính sách thuế, không chỉ đơn giản là tăng giảm bao nhiêu phần trăm, mà còn cả chi tiết tăng giảm lĩnh vực nào, có tác động ra sao. Anh lo về quỹ hưu trí của mình, vốn được các tổ chức đầu tư nhiều vào thị trường chứng khoán.

“Hơn 10 năm nữa tôi về hưu thì muốn thị trường tương đối ổn định, muốn biết về hưu sẽ có bao nhiêu tiền, bây giờ xáo trộn lớn chính sách thuế sẽ gây xáo trộn khả năng tài chính lúc về hưu của người lao động”, anh nói.

“Tăng thuế là cả nghệ thuật, chứ không phải tăng giảm mấy chục % thôi, mà còn tăng hay giảm ở lĩnh vực nào”.

“Nghệ thuật”, như ví von của anh Bằng, chắc chắn đòi hỏi nhiều bàn thảo, tranh luận nghiêm túc giữa hai đảng, và “sự đoàn kết” như đại hội đảng Dân chủ liên tục tuyên bố.

Cuộc bầu cử tháng 11 sẽ định đoạt “sự đoàn kết” của Mỹ cho rất nhiều năm nữa.

Đại hội đảng Dân chủ trở thành cuộc tổng tấn công ông Trump Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ mang đến dàn diễn giả "ngôi sao" và tập trung công kích Tổng thống Donald Trump. Và ông Trump đã theo sát đại hội để đáp trả những chỉ trích đó.

Bài phát biểu nảy lửa của ông Obama nhằm thẳng vào TT Trump

Tổng thống Obama đã có những chỉ trích mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về Tổng thống Trump, cảnh báo nền dân chủ Mỹ bị đe dọa, trong bài phát biểu đầy sự nghiêm khắc và cấp bách.

Joe Biden và cuộc đua marathon cả đời để làm tổng thống Mỹ

Ông Joe Biden đã chạy đua vào Nhà Trắng hơn 30 năm nay. Trong lần thứ ba tranh cử tổng thống, liệu ông có thể đánh bại Tổng thống Trump?

Hy vong moi cua ong Trump hinh anh

Hy vọng mới của ông Trump

0

Đơn kiện mà bang Texas đệ lên Tòa án Tối cao Mỹ đã mang lại cho Tổng thống Donald Trump hy vọng mới về việc trì hoãn, nếu không nói là lật ngược, chiến thắng của ông Joe Biden.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm