Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Lời hiệu triệu và mệnh lệnh quyết liệt ngăn Covid-19

"Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi.

"Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19", lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được phát đi vào chiều 30/3.

Lời hiệu triệu này gợi nhớ đến "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh vào cuối năm 1946.

Sau 74 năm, cả nước lại được kêu gọi để cùng bước vào "trận chiến", nhưng lần này "giặc" là Covid-19.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tinh thần là người dân tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, nhà nào ở nhà đó”.

Từ 0h ngày 28/3, người dân cả nước được khuyến cáo không ra khỏi nhà, trừ trường hợp thật sự cần thiết. Hàng quán, cơ sở kinh doanh đều nhận lệnh tạm đóng cửa để tránh tụ tập đông người.

Bộ GTVT cũng chỉ đạo hạn chế các chuyến tàu, xe ở Hà Nội, TP.HCM để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 giữa 2 thành phố lớn với các địa phương. Hệ thống xe buýt ở TP.HCM tạm dừng từ 0h ngày 1/4 đến hết 15/4.

Đường phố vắng vẻ, xe cộ thưa thớt là cảnh dễ bắt gặp trong những ngày này.

Tuy nhiên, bên cạnh những người chấp hành tốt chỉ đạo của Chính phủ, vẫn còn một số nơi chưa thật sự ý thức.

Theo ghi nhận của Zing.vn, nhiều quán nhậu ở khu Trung Sơn (quận 7), Võ Văn Kiệt (quận 1) vẫn có hàng chục người dân tới ăn uống cùng lúc đêm 27/3. Mọi người tụ tập, không đeo khẩu trang và ngồi sát nhau trò chuyện tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm.

Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng một số người bỏ trốn khỏi khu cách ly. Tại tỉnh Tây Ninh có 2 thanh niên bỏ trốn khỏi khu cách ly tập trung. Trong đó, thanh niên 29 tuổi (quê Sóc Trăng) được tìm thấy lúc 14h chiều 29/3 tại quận Tân Phú, TP.HCM. Người này được lực lượng y tế đưa về lại Tây Ninh, cách ly riêng và xét nghiệm dịch bệnh.

Một thanh niên khác (28 tuổi, quê Hà Nội) chỉ mới cách ly tại Tây Ninh được 9 ngày thì đã bỏ trốn ra Hà Nội. Sau đó, anh ta tự đến cơ sở y tế huyện Mê Linh khai báo và được đưa đi cách ly phòng Covid-19 theo quy định.

Nữ du khách Mỹ 29 tuổi ở Đà Nẵng cũng bỏ trốn khỏi Bệnh viện 199 - Bộ Công an và được tìm thấy trong một khách sạn trên địa bàn vào trưa 30/3.

Trong những ngày đầu bước vào 2 tuần quyết liệt chặn dịch, một số người tiếp tục bị xử phạt vì không đeo khẩu trang nơi công cộng và tung tin thất thiệt về dịch Covid-19.

Công an TP.HCM đã ra quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với N.V.Đ. (20 tuổi, ngụ quận Tân Phú) vì đăng tải thông tin sai sự thật là "TP.HCM sẽ bị phong tỏa 14 ngày từ ngày 28/3".

Facebooker Nguyễn Sin cũng bị Sở Thông tin và Truyền thông mời lên làm việc vì loan tin không có thật về người tử vong. Ngoài ra, một phụ nữ 40 tuổi, ở Thừa Thiên - Huế cũng bị xử phạt vì phát tán tin giả chuyện máy bay trực thăng phun khử trùng vào không khí để diệt virus corona.

Những ngày qua, quán bar Buddha (quận 2, TP.HCM) và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) được xem là 2 ổ dịch lớn của cả nước. Tính đến chiều 30/3, Bộ Y tế xác định 13 ca nhiễm từ bar Buddha và 33 ca mắc ở Bạch Mai, trong đó 22 người là nhân viên của Công ty Trường Sinh.

Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM đánh giá "có thể an tâm" về ổ dịch Buddha vì đã kiểm soát và cách ly số lượng lớn người liên quan.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin hiện nay, dịch đã chính thức chuyển sang cấp độ 3. "Tất cả cơ sở y tế cần tập trung giải quyết 2 vấn đề: Phát hiện ca nhiễm ngoài cộng đồng. Phát hiện được rồi thì làm sao hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng".

Trên tinh thần đó, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập” từ ngày 28/3. Cùng ngày, quân đội đã lập bệnh viện dã chiến ngay trong bệnh viện này.

Đến tối 30/3, bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm của 7.264 người, trong đó, 6.650 đã có kết quả. Tất cả nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai âm tính với Covid-19.

Không chỉ vậy, các cơ quan liên quan cũng phối hợp cùng bệnh viện để góp phần giảm thiểu ca nhiễm. Nhằm phối hợp tìm kiếm những người từng đến Bệnh viện Bạch Mai để kiểm soát lây lan, Bộ Thông tin Truyền thông đã xác định và nhắn tin yêu cầu khai báo y tế tới 45.000 số điện thoại của người liên quan.

GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện đã cách ly toàn bộ nhân viên y tế, bác sĩ, bệnh nhân của bệnh viện, chỉ cho phép những người có liên quan vào. Số lượng người có mặt tại bệnh viện hiện tại khoảng gần 3.500 người. Trong đó có 800 bệnh nhân không thể xuất viện hoặc chuyển tuyến dưới, 552 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận.

Điều khó khăn hiện tại mà toàn thể lãnh đạo, nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai đối mặt là vừa kiểm soát để không lây lan dịch bệnh, vừa tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng không thể chuyển sang tuyến Trung ương khác hay bệnh viện ở Hà Nội để cứu chữa.

Theo ước tính, mỗi ngày vẫn còn hàng chục bệnh nhân nặng (cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc, ECMO…) cần chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, nếu không tiếp nhận, cấp cứu, điều trị thì có khoảng 80% bệnh nhân trong số này sẽ tử vong.

Hiện các y bác sĩ của Bạch Mai phải kiêm nhiều nhiệm vụ khi số lượng người cách ly gia tăng, bệnh nhân còn nằm điều trị tại viện lớn. Bệnh viện cũng phải đặt các suất ăn từ công ty chuyên cung cấp phần ăn cho hàng không vì nhà ăn của bệnh viện đã bị phong tỏa và cách ly toàn bộ người làm việc.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 kiến nghị Chính phủ cho phép Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân nặng để cứu chữa kịp thời, dù trong điều kiện dịch bệnh tại bệnh viện.

"Nội bất xuất, ngoại bất nhập" tại đây cũng cần điều chỉnh cho phù hợp tình hình. Các chuyên gia cho rằng không thể cách ly bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai liên tục 14 ngày như các cơ sở điều trị khác. Do đó, cần khẩn trương, làm thủ tục, bố trí khu cách ly riêng coi như một phần của Bệnh viện Bạch Mai, chuẩn bị phương tiện đưa đón riêng, bảo đảm an toàn dịch tễ cho lực lượng y bác sĩ luân phiên làm công tác điều trị.

"Tất cả y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã được xét nghiệm lần đầu âm tính với SARS-CoV-2 và đang chuẩn bị xét nghiệm lần 2. Đây không phải là nguồn lây. Chúng tôi đề xuất tất cả các cán bộ y tế theo yêu cầu, đề xuất của Bệnh viện Bạch Mai sẽ vào bệnh viện tham gia công tác điều trị người bệnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.

Tuy nhiên, việc hầu hết cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai tập trung trong 14 ngày thì các yêu cầu về cách ly không được đảm bảo, vì vậy, ông Sơn đề nghị cần chuẩn bị một số cơ sở lưu trú, khách sạn cho các y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai nghỉ ngơi, bảo đảm sức khoẻ, luân phiên thực hiện nhiệm vụ trong bệnh viện.

Trong ngày 30/3, thêm 30 bệnh nhân nhiễm Covid-19 khỏi bệnh và xuất viện. Như vậy, tính đến nay, đã có khoảng 1/3 bệnh nhân mắc virus corona ở Việt Nam hồi phục. Cạnh đó, 78 bệnh nhân khác có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1.

Đây được xem là những tín hiệu đáng mừng trong công cuộc phòng, chống dịch quyết liệt ở Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần những ngày tới tiếp tục thần tốc trong công việc, cương quyết dồn mọi nguồn lực để dập các ổ dịch, nhất là ổ dịch đã phát hiện như Công ty Trường Sinh, Bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha, không để rơi vào thế bị động.

Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương cân đối nguồn lực, không để tình hình xấu rồi mới đặt vấn đề. Ông đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND TP.HCM rà soát, cập nhật phương án phòng, chống dịch trên địa bàn, bảo đảm sẵn sàng cho cả phương án cách ly toàn thành phố.

Bên cạnh đó, lương thực, thực phẩm cho nhân dân phải được đảm bảo trong mọi tình huống và xử lý nghiêm việc đầu cơ tăng giá vật tư y tế và lương thực thực phẩm.

"Dịch bệnh không nằm trong kế hoạch của bất kỳ ai", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ tại buổi trao đổi thông tin về dịch bệnh Covid-19 chiều 30/3 và giữ niềm tin TP.HCM sẽ không để vượt quá 150 ca bệnh.

Bí thư gửi lời cảm ơn đến người dân thành phố đã tuân thủ theo chỉ đạo của chính quyền thời điểm này. Ông cho biết để giúp đất nước vượt qua ảnh hưởng của dịch Covid-19, trạng thái này có thể phải duy trì nhiều ngày, nhiều tháng nữa.

Nhìn nhận từ Bệnh viện Bạch Mai, Bí thư Nhân cho biết thành phố sẽ chỉ đạo các bệnh viện để đảm bảo không có người đi lại tự do từ khoa này sang khoa khác, rà soát để bệnh viện không thành nơi phát sinh nguy cơ lây nhiễm.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu từ tuần này phải đảm bảo thời gian nghỉ cho các bác sĩ để giữ sức khỏe. Ông đề nghị các bệnh viện chọn bác sĩ không phải chuyên gia lây nhiễm, bồi dưỡng thêm để khi cần có thể điều động giúp các bác sĩ chuyên khoa lây nhiễm có thời gian nghỉ.

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung quyết định sẽ tổ chức cách ly tập trung cho cán bộ, nhân viên, y bác sĩ của Bệnh viên Bạch Mai tại một khách sạn trên địa bàn thành phố nhằm bảo đảm chăm sóc sức khoẻ lâu dài cho các y, bác sĩ.

Ngoài ra, Hà Nội cũng quyết định ưu tiên cho Bệnh viện Bạch Mai phương tiện, thiết bị xét nghiệm Covid-19 và tổ chức xét nghiệm sớm cho toàn bộ y bác sĩ, các bệnh nhân theo yêu cầu của bệnh viện, bắt đầu từ ngày 31/3. Đây là bộ xét nghiệm nhanh của Hàn Quốc, thông qua việc lấy máu và cho kết quả chỉ trong vòng 10 phút.

Thường trực Thành ủy Hà Nội giao cho Công an Hà Nội chỉ đạo Công an quận Đống Đa đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Bệnh viện Bạch Mai; tiếp nhận các suất ăn và nhu yếu phẩm cần thiết cho cán bộ, y bác sĩ và người bệnh trong bệnh viện. Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức đưa đón các y, bác sĩ đảm bảo các quy tắc an toàn phòng dịch.

“Chúng ta đã đi qua 60 ngày đêm phòng, chống Covid-19, nếu trong đợt cao điểm này ta hạn chế được trong 2 tuần tới thì tôi tin sẽ thành công”, Chủ tịch Hà Nội tin tưởng.

Hoài Thanh

Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm