Sau chiến thắng thuyết phục ở trận mở màn, U23 Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục giành trọn vẹn 3 điểm trước đối thủ Philippines. Thế nhưng hệ thống phòng ngự được tổ chức tốt của đối thủ đã khiến đội bóng của HLV Park Hang-seo bất lực, từ đó đem đến những nỗi lo nhất định cho người hâm mộ.
U23 Philippines kỷ luật và mạnh mẽ
Đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Norman Fegidero rõ ràng đã đánh giá rất cao U23 Việt Nam qua cách họ nhập cuộc. Hệ thống phòng ngự 5-4-1 ở khu vực sân nhà được sử dụng với điểm nhấn là bộ ba trung vệ đều có tầm vóc và khả năng phòng ngự rất mạnh ở khu vực trước mặt.
Sơ đồ 5-4-1 với định hướng phòng ngự ở phần sân nhà được U23 Philippines sử dụng. |
Một trong những yêu cầu rõ nét nhất được ban huấn luyện U23 Philippines giao cho các cầu thủ là tranh bóng quyết liệt ở khu vực trung tuyến. Với lợi thế hàng ngang phòng ngự 5 người, các trung vệ áo trắng có ý thức đón đọc những tình huống bóng tầm thấp ở sau lưng tuyến tiền vệ, bước ra khỏi vị trí của mình và tranh chấp. Với sức mạnh của 3 trung vệ và yêu cầu vào bóng sâu, U23 Philippines tỏ ra tự tin trong ở khả năng phòng ngự trong khu vực này.
U23 Philippines muốn kiểm soát khoảng trống giữa hai tuyến phòng ngự. |
Định hướng của HLV Fegidero là buộc đối thủ phải đưa bóng ra hai hành lang cánh, nơi đội bóng này sẵn sàng trước các tình huống tạt bóng của đối phương bằng lợi thế quân số trong vùng cấm địa của mình. Ba trung vệ và đặc biệt là ý thức hỗ trợ phòng ngự tuyến hai của cặp tiền vệ trung tâm khiến U23 Philippines không ngại trước các tình huống xuống biên từ U23 Việt Nam.
Vị trí phòng ngự các quả tạt của U23 Philippines. |
Có thể nói, so với U23 Indonesia, U23 Việt Nam đã phải đối đầu một hệ thống phòng ngự được tổ chức có tính kỷ luật cao hơn. Song song với đó là sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn từ đối thủ với các phương án tấn công của đội chủ nhà. Đó sẽ là dạng đối thủ mang đến những thử thách không nhỏ dành cho hàng công U23 Việt Nam.
U23 Việt Nam tấn công hợp lý nhưng chưa hiệu quả
Những phương án tấn công đa dạng đã không còn được thể hiện nhiều từ U23 Việt Nam.
Bước vào kỳ SEA Games được tổ chức trên sân nhà với tư cách đương kim vô địch môn bóng đá nam, U23 Việt Nam rõ ràng nhận được sự tôn trọng và đánh giá rất cao từ các đối thủ. Vị thế ấy yêu cầu chúng ta phải duy trì được sự ổn định trong các phương án tấn công qua từng trận đấu.
Trước U23 Philippines, HLV Park Hang-seo có những điều chỉnh nhỏ trong đội hình. Ba cầu thủ ngoài lứa tuổi U23 là Hoàng Đức, Hùng Dũng và Tiến Linh tiếp tục được sử dụng. Tuy nhiên, những người đã chơi tốt ở trận gặp U23 Indonesia là Lý Công Hoàng Anh và Lê Văn Xuân không có tên trong đội hình xuất phát.
Đối mặt với định hướng phòng ngự nhằm kiểm soát khu vực trung tuyến của U23 Philippines, có thể nhận thấy hai phương án tiếp cận khu vực 1/3 cuối sân chủ đạo của U23 Việt Nam là các đường chuyền ra sau lưng hàng phòng ngự đối phương hoặc các tình huống chuyển hướng tấn công nhanh ra hai hành lang cánh.
Tình huống tấn công đầu tiên của U23 Việt Nam là một đường chuyền ra sau lưng hàng thủ đối phương. |
Điểm đến của những đường chuyền như thế phần lớn hướng đến vị trí của cặp tiền đạo Tiến Linh - Mạnh Dũng, hoặc hai cầu thủ chạy cánh Tuấn Tài, Văn Đô. Tuy nhiên trong hiệp thi đấu thứ nhất, cả hai phương án tấn công này đều không thực sự mang lại hiệu quả.
Lợi thế ba trung vệ khiến U23 Philippines có sự chủ động trong việc theo kèm và bọc lót trong các tình huống di chuyển của Tiến Linh hay đặc biệt là Nhâm Mạnh Dũng. Điểm nhận bóng và tư thế xử lý tình huống của tiền đạo đang chơi cho CLB Viettel trong các đường chuyền ra sau lưng hàng phòng ngự đối phương thường là bất lợi hơn so với hậu vệ đối thủ.
3 trung vệ của đối phương có khả năng kiểm soát 2 tiền đạo U23 Việt Nam khá tốt. |
Độ hiệu quả ở hai hành lang cánh cũng không khả quan hơn là bao. Trong khi Phan Tuấn Tài không mạnh ở việc tăng tốc quãng ngắn nhằm tạo ra những bước vọt để tạt bóng, khả năng xử lý bóng của Văn Đô ở hành lang cánh phải cũng khá hạn chế.
Cầu thủ thuộc biên chế CLB Phố Hiến vốn có sở trường là một tiền đạo cánh trái tỏ ra thiếu ý tưởng trong các tình huống nhận bóng bên ngoài hành lang cánh. Phương án xử lý duy nhất của Văn Đô thường chỉ là các tình huống cố gắng đưa bóng vào khu vực trung lộ. Gần như không một lần nào, tiền vệ này xử lý bóng xuống sát đường biên ngang.
Tuấn Tài không có đủ sự nhạy cảm trong các tình huống di chuyển không bóng. |
Hai cầu thủ chạy cánh của U23 Việt Nam được yêu cầu chơi cao nhưng chưa tạo ra sự đột biến. |
Những tình huống ra quyết định chưa hợp lý của Văn Đô ở biên phải. |
Cơ hội rõ rệt gần như là duy nhất được U23 Việt Nam tạo ra trong hiệp một đến khi chúng ta đã kiểm soát bóng tốt ở khu vực 1/3 cuối sân và được thực hiện bởi một tình huống phối hợp gọn gàng khi bóng được Hùng Dũng đưa ra sau lưng hàng phòng ngự của đối phương.
Tình huống hiếm hoi U23 Việt Nam triển khai bóng được vào khu vực trung lộ. |
Cơ hội dứt điểm của Huỳnh Công Đến. |
Có thể nhận định trước hệ thống phòng ngự chơi quyết liệt và có tổ chức tốt của đối thủ, U23 Việt Nam đã không còn duy trì được tính đa dạng trong các phương án tiếp cận vùng cấm địa của mình dù rõ ràng ý đồ trong lối chơi của ban huấn luyện là hợp lý.
Những phương án tấn công khác
Hiệp 2 trận đấu với U23 Philippines chứng kiến một sự thay đổi quen thuộc của HLV Park Hang-seo khi Lê Văn Xuân được sử dụng ở hành lang cánh phải, đẩy Lê Văn Đô sang biên trái. Đây là điều đã được thực hiện ở trận gặp U23 Indonesia và phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, Lý Công Hoàng Anh cũng được sử dụng để thay thế vị trí của Huỳnh Công Đến.
Tiền vệ trung tâm thuộc biên chế Bình Định ít nhiều đã chứng tỏ được giá trị của mình ở khu vực 1/3 cuối sân. Sức mạnh và các tình huống di chuyển dọc sân bền bỉ của Hoàng Anh là một trong những điểm ấn tượng nhất của cầu thủ sinh năm 1999 này. Có thêm một mũi đâm theo chiều sâu, U23 Việt Nam dần khiến hệ thống phòng ngự của đối phương bị xộc xệch.
Lý Công Hoàng Anh với sở trường là những tình huống di chuyển chiều sâu. |
Dễ hiểu hơn, trong hiệp một, hàng ngang phòng ngự 5 người của U23 Philippines có thể kiểm soát tốt nhóm 4 cầu thủ có xu hướng di chuyển ra sau lưng của đội chủ nhà gồm hai cầu thủ chạy cánh Văn Đô - Tuấn Tài cùng cặp tiền đạo Tiến Linh - Mạnh Dũng.
Sự có mặt thường trực của Hoàng Anh khiến chúng ta có quân số tốt hơn theo chiều ngang sân, khiến trung vệ đối phương bị kéo giãn ra khỏi vị trí và khiến không gian trong vùng cấm địa bớt ngột ngạt.
U23 Việt Nam có những thời cơ tốt hơn với khả năng xâm nhập của Hoàng Anh. |
Sự xuất hiện của Văn Đô ở hành lang cánh trái và Văn Xuân ở biên phải cũng giúp các cơ hội tiếp cận vùng cấm đối phương tỏ ra rộng mở hơn.
Văn Xuân có sức càn lướt vượt trội ở hành lang cánh phải. Còn ở vị trí sở trường của mình, Văn Đô thường xuyên thực hiện các tình huống dẫn bóng vào khu vực trung lộ với sự thanh thoát.
Văn Đô có sự thanh thoát nhưng những tình huống xử lý quyết định lại không hiệu quả. |
Đường chuyền không chính xác của Văn Đô. |
Văn Xuân mang đến sự càn lướt tốt hơn dọc hành lang cánh phải. |
Tuy nhiên, tâm lý thi đấu có lẽ đã ảnh hưởng phần nào đó tới khả năng ra quyết định của hai cầu thủ này nói riêng cũng như U23 Việt Nam nói chung ở những đường chuyền cần sự đột biến và sáng tạo cao.
Cần nhận định qua hai trận đầu vòng bảng, U23 Việt Nam đều tạo ra được một thế trận chủ động trên phần sân đối phương. Những phương án tấn công mà ban huấn luyện đề ra tỏ ra tương đối hợp lý trong bối cảnh đối thủ sẵn sàng chọn khu vực phòng ngự và cường độ phòng ngự quyết liệt ở trung tuyến.
Thế nhưng, khả năng duy trì sự ổn định ở phạm vi 1/3 cuối sân là điều mà các cầu thủ chưa hoàn toàn làm tốt.
Đây có thể xem là một thách thức trong hành trình bảo vệ tấm huy chương vàng tại một giải đấu mà thời gian tập luyện và chỉnh sửa là không có nhiều. Hy vọng thời gian nghỉ ngơi 4 ngày sẽ giúp các cầu thủ có được thể trạng và tinh thần tốt hơn để đối mặt với thách thức từ những hệ thống phòng ngự chủ động tiếp theo mà các đối thủ nhiều khả năng sẽ mang tới.
Tuyển Việt Nam còn hai trận với Myanmar và Timor Leste. Đồ họa: Minh Phúc. |