Ngân hàng TMCP Quốc Dân - NCB (NVB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với khoản lỗ nặng nhất trong hơn một thập niên kinh doanh gần đây.
Cụ thể, trong quý cuối cùng của năm 2021, ngân hàng này chỉ ghi nhận 171 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2020. Chính khoản thu nhập lãi giảm mạnh trong quý cuối năm này đã kéo tụt tổng thu nhập lãi thuần cả năm 2021 của NCB giảm 12%, còn 1.259 tỷ đồng. Trong khi báo cáo tài chính quý III trước đó của ngân hàng này vẫn ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 31%.
Trong quý cuối năm 2021, các mảng kinh doanh khác của NCB đều ghi nhận tăng trưởng mạnh với hoạt động dịch vụ tăng 162%, mang về 42 tỷ; mua bán chứng khoán đầu tư tăng 273%, đạt 269 tỷ và hoạt động khác tăng 212%, đạt 25 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tăng trưởng từ các mảng kinh doanh này không đủ bù đắp mức sụt giảm của hoạt động chính. Kết quả là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng của NCB đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ, đạt hơn 220 tỷ đồng.
Khoảng lãi thuần này cũng không đủ bù đắp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc ngân hàng, khiến NCB lỗ trước thuế 203 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, khoản lỗ này đã tăng gấp 8 lần.
KẾT QUẢ KINH DOANH GẦN ĐÂY CỦA NCB | |||||||||||||
Nhãn | I/2019 | II | III | IV | I/2020 | II | III | IV | I/2021 | II | III | IV | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 13.3 | 7.2 | 3.2 | 31.3 | 15 | 8.2 | 5.3 | -24.8 | 27 | 98.7 | 79.8 | -203 |
Đây cũng là khoản lỗ lớn nhất mà nhà băng này ghi nhận trong một quý kinh doanh tính trong hơn một thập niên gần đây.
Chính khoản lỗ nặng trong quý IV này đã bào mòn gần hết lợi nhuận NCB thu về trong 3 quý trước đó. Tính trong cả năm 2021, NCB chỉ lãi vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng trước thuế, dù lợi nhuận 9 tháng trước đã là hơn 205 tỷ.
So với năm 2020, khoản lợi nhuận ngân hàng thu về năm nay cũng giảm 38%.
Năm 2021, NCB không đặt mục tiêu cụ thể cho khoản lợi nhuận trước thuế nhưng đặt kế hoạch lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh khoảng 1.000 tỷ. Dù vậy, sau khi khép lại quý cuối năm, ngân hàng này cũng chỉ thực hiện được 75% kế hoạch.
Tính đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu của NCB là 1.249 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cuối năm 2020. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gần 10 lần, chiếm 603 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng gấp đôi, chiếm 464 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay vì thế cũng tăng mạnh từ 1,51% lên 3%.
Đây là lý do chính khiến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tăng gấp 10 lần trong quý IV/2021 và gấp 5 lần trong cả năm 2021, tác động trực tiếp khiến ngân hàng thua lỗ trong quý vừa qua.
Trước NCB, một ngân hàng khác cũng báo lỗ quý IV/2021 là Vietcapital Bank. Tuy nhiên, khác với NCB, thu nhập lãi thuần của Vietcapital Bank vẫn ghi nhận tăng trưởng 15% trong quý vừa qua, đạt 358 tỷ đồng.
Các mảng kinh doanh còn lại của ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng nhưng không cao đột biến so với cùng kỳ.
KẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG NĂM CỦA VIETCAPITAL BANK | |||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 207 | 72 | 12 | 37 | 116 | 158 | 201 | 311 |
Thay đổi lớn nhất ghi nhận trong kết quả kinh doanh của Vietcapital Bank trong quý IV/2021 là chi phí hoạt động tăng 34% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 35%, tiêu tốn của ngân hàng gần 500 tỷ đồng.
Chính 2 khoản chi phí tăng mạnh này là nguyên nhân khiến ngân hàng lỗ trước thuế 74 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2021.
Lãnh đạo Vietcapital Bank cũng cho biết nguyên nhân khiến ngân hàng thua lỗ trong quý vừa qua là do tác động bất lợi của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, ngân hàng đã phải trích lập dự phòng toàn bộ đối với danh mục tín dụng của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, đồng thời thực hiện các chính sách miễn giảm lãi, phí, cơ cấu lại nợ… cho các khách hàng bị ảnh hưởng.
Dù thua lỗ trong quý cuối năm nhưng nhờ khoản lãi tăng trưởng mạnh trong 3 quý trước đó mà tính trong cả năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Vietcapital Bank vẫn tăng 55%, đạt trên 311 tỷ đồng.