Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang đồng loạt đề xuất xây dựng, mở rộng các tuyến cao tốc chạy qua địa bàn.
Đáng chú ý, tỉnh Lai Châu mới đây đã kiến nghị Thủ tướng về việc đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng xây hầm đường bộ vượt đèo Hoàng Liên. Công trình được kỳ vọng sẽ phá vỡ thế độc đạo của quốc lộ 4D vắt qua một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc.
Kinh phí khó khăn, chưa thể mở rộng cao tốc 2 làn xe
Hôm 15/2, Bộ Giao thông vận tải có văn bản trả lời UBND tỉnh Lào Cai sau khi cơ quan này nhận được ý kiến của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của địa phương.
Trước ý kiến về việc cao tốc Nội Bài - Lào Cai còn hơn 120 km quy mô 2 làn xe gây hạn chế khả năng lưu thông của xe cộ, Bộ GTVT đánh giá việc đầu tư mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên quy mô 4 làn xe là cần thiết.
Tuy nhiên, cơ quan này cho hay kinh phí đầu tư tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai lớn, nguồn thu phí không đủ để hoàn vốn phần VEC vay lại của ADB. Hiện, VEC đã phải dùng nguồn tiền từ các dự án cao tốc khác do doanh nghiệp này là chủ đầu tư.
Đồng thời, do nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 bố trí cho Bộ GTVT khó khăn nên cơ quan này khẳng định không thể đầu tư hoàn chỉnh đoạn Yên Bái - Lào Cai từ 2 làn xe lên 4 làn xe tại thời điểm hiện nay.
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được thông xe hồi tháng 9/2014 với chiều dài khoảng 264 km. Trong đó, hơn 120 km nối Yên Bái với Lào Cai chỉ có 2 làn xe, không có dải phân cách cứng với tốc độ xe chạy 80 km/h. Chính quyền tỉnh Lào Cai trước đó đã nhiều lần kiến nghị cần sớm mở rộng đoạn tuyến này theo đúng tiêu chuẩn đường cao tốc (TCVN 5729:2012) với dải phân cách cứng ở giữa và 2 làn xe mỗi chiều.
Trao đổi với Zing, ông Trần Ngọc Sơn, nguyên Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Lào Cai, cho rằng việc để tồn tại đường cao tốc chỉ có 2 làn xe và không có dải phân cách giữa là nguồn nguy hiểm cao độ cho xe cộ.
Đặc biệt, cao tốc Nội Bài - Lào Cai còn là con đường huyết mạch của khu vực phía Bắc, là trục chính của hàng loạt tuyến cao tốc xương cá. Đồng thời, đây cũng là một phần của con đường Xuyên Á, kết nối trục thông thương của Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng.
Sau hơn 7 năm khai thác, lượng phương tiện trên tuyến đã tăng nhiều lần. Do vậy, VEC và các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng hoàn chỉnh giai đoạn 2 của dự án.
“Phải đặt sự an toàn của người dân lên trên lợi ích của doanh nghiệp”, ông Sơn nói.
Hơn 3.300 tỷ xây hầm vượt một trong “tứ đại đỉnh đèo”
Mới đây, UBND tỉnh Lai Châu có đề xuất gửi Thủ tướng về việc xây dựng đèo Hoàng Liên kết nối huyện Tam Đường (Lai Châu) và thị xã Sa Pa (Lào Cai).
Theo phương án đề xuất, tổng chiều dài dự án là 8,8 km (trong đó hầm xuyên núi dài 2,5 km và đường dẫn dài 6,3 km). Công trình có tổng mức đầu tư là trên 3.300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (2.500 tỷ đồng) đã giao cho tỉnh Lai Châu và vốn đối ứng địa phương khoảng 800 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Lai Châu, đèo Hoàng Liên có độ cao đỉnh đèo trên 2.094 m và được coi là một trong “tứ đại đỉnh đèo” về độ hiểm trở của vùng Tây Bắc. Hiện nay, xe cộ lưu thông qua đây bằng tuyến đường độc đạo dài 22 km với 40 khúc cua tay áo, độ dốc cao.
Để vượt qua chặng đường này, ôtô con mất khoảng 52 phút và xe tải, xe container mất gần 2 tiếng trước khi tới cửa khẩu Ma Lù Thàng. Đặc biệt trong những ngày rét hại, tuyến đường rất dễ bị cắt đứt do băng tuyết gây trơn trượt.
Khi công trình hoàn thành, UBND tỉnh Lai Châu tính toán xe cộ vượt đèo Hoàng Liên chỉ mất khoảng 11 phút và thời gian di chuyển từ thành phố Lai Châu tới cao tốc Nội Bài - Lào Cai được rút ngắn còn 2 giờ.
Trong khi đó, ở phía bên kia của dự án, tỉnh Lào Cai đang thi công tuyến đường từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai với thị xã Sa Pa với điểm nhấn là cầu cạn Móng Sến có trụ cao nhất Việt Nam. Theo tính toán, thời gian di chuyển từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa sẽ giảm 30% so với hiện nay. Công trình dự kiến hoàn thành trong quý I năm nay.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cũng đang đầu tư xây dựng tuyến đường tránh quốc lộ 4D đoạn qua thị trấn Sa Pa, dự kiến hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên sẽ đấu nối trực tiếp với tuyến đường tránh này.
Từ Hà Nội tới Hà Giang sẽ chạy hoàn toàn bằng cao tốc
Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang về việc hỗ trợ đầu tư tuyến cao tốc nối Tuyên Quang - Hà Giang theo hình thức đầu tư công.
Theo đó, cơ quan này cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để triển khai đầu tư xây dựng dự án nhằm hoàn thiện kết nối theo quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được phê duyệt, phát huy hiệu quả tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.
Trước đó vào chiều 15/2, tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đã làm việc thống nhất các nội dung triển khai xây dựng tuyến cao tốc nối 2 địa phương này.
Theo phương án được thống nhất, dự án có chiều dài 118 km với vận tốc thiết kế 100 km/h. Trong đó đoạn qua tỉnh Hà Giang dài 38 km và đoạn qua Tuyên Quang dài 80 km. Tổng mức đầu tư dự án hơn 6.200 tỷ đồng.
Về tiến độ thực hiện, 2 địa phương quyết tâm khởi công và đầu tư dự án ngay trong năm 2022 và đưa vào sử dụng trong năm 2024.
Tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sẽ được kết nối trực tiếp với một dự án khác đang xây dựng là cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ (điểm đầu tại cao tốc Nội Bài - Lào Cai). Dự án dài hơn 40 km với tổng vốn đầu tư 3.100 tỷ đồng và được thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Tại buổi làm việc với tỉnh Tuyên Quang cuối tháng 12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải hoàn thành cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ trong năm 2023, bởi đây là công trình trọng điểm. Đến nay, dự án đã hoàn thành GPMB hơn 82% và các mũi thi công đạt hơn 10% kế hoạch…