Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vì sao ùn tắc giao thông liên tục xảy ra giữa Tết?

Mỗi năm cả nước có thêm hàng triệu phương tiện giao thông trong khi 2 thập kỷ qua chỉ 1.200 km đường cao tốc được xây dựng. Hệ quả thể hiện rõ trong dịp Tết.

tac duong dip tet anh 1

18h ngày 5/2 (mùng 5 tháng giêng), anh Mai Triều Nguyên cùng gia đình có mặt ở TP.HCM sau 9 giờ di chuyển từ Cam Lâm (Khánh Hòa). Nếu như trước Tết, gia đình anh Nguyên mất chưa tới 6 giờ cho quãng đường khoảng 400 km để về quê thì nay thời gian để trở lại TP.HCM gấp 1,5 lần. Kẹt xe là nguyên nhân được anh lý giải.

“Cậu em tôi chạy sau mất khoảng 15 giờ cho cùng hành trình trên”, anh Nguyên nói.

Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, hàng loạt tuyến cao tốc, địa phương ghi nhận lượng xe cộ tăng đột biến. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đạt trên 60.000 lượt hôm 5/2 (gấp 3 lần ngày thường); cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn gần 2 km trước trạm thu phí hôm 4/2. Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ùn tắc nghiêm trọng từ sáng đến trưa 2/2.

Cùng thời điểm trên, nhiều địa điểm du lịch ghi nhận lượng xe cộ tăng vọt. Trưa mùng 2 Tết, hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau đổ về TP Vũng Tàu khiến quốc lộ 51 ùn tắc nhiều km. Sa Pa hôm 4/2 ghi nhận tới 10.000 lượt xe (gấp 10 lần so với ngày thường)...

Hạ tầng đi chậm hơn thực tế phát triển

Theo dõi giao thông dịp Tết Nhâm Dần và những năm trước, tiến sĩ Phan Lê Bình (giảng viên Đại học Việt - Nhật, chuyên gia giao thông từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA) đánh giá Tết năm nay, dòng người dịch chuyển có sự khác biệt so với mọi năm.

Trước Tết, nhiều người có tâm lý cảnh giác đã chủ động về quê sớm 7-10 ngày do sợ cách ly. Trong khi đó, kỳ nghỉ Tết kéo dài khiến lượng người trở lại các thành phố được trải đều. Do đó, mức độ tập trung cao điểm trong hoạt động đi lại đã giảm nhiều so với các năm trước.

Cục CSGT thống kê tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Trong khi đó, ông Bình cho rằng những vi phạm có tính đặc thù trong dịp Tết như nồng độ cồn, tài xế không đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy, đặc biệt tại thành phố diễn ra phổ biến.

Trước thực trạng ùn tắc giao thông tại thành phố lớn, chuyên gia cho rằng đây là bức tranh phản ánh rõ nhất sự tương phản giữa phát triển hạ tầng và nhu cầu đi lại, vận tải.

Thứ nhất, lượng xe cá nhân tăng nhanh theo thu nhập của người dân, đặc biệt là ôtô. Theo thống kê của Cục CSGT trong giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm Việt Nam tăng thêm khoảng 3,8 triệu phương tiện. Trong đó, ôtô tăng 10,25% và xe máy tăng 6,46% so với năm liền kề trước đó.

Tiến sĩ Bình lý giải thu nhập của người dân gia tăng và thỏa thuận, cam kết về thương mại có hiệu lực khiến mức giá ôtô giảm, từ đó dẫn tới việc tiếp cận với một chiếc xe ngày càng dễ dàng. Đồng thời, nền kinh tế phát triển nhanh mỗi năm cũng đòi hỏi sản lượng vận tải tăng theo.

Trong khi đó, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đòi hỏi huy động nguồn lực lớn, trung bình 1 km đường cao tốc tiêu tốn 200-250 tỷ đồng. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc trên cao, vành đai đô thị thì suất đầu tư có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi km. Trong 20 năm qua, cả nước mới xây dựng được 1.200 km đường cao tốc.

tac duong dip tet anh 2

Đường vành đai 3 dần trở thành đường đô thị và ngày càng quá tải. Ảnh: Hồng Quang.

Một tín hiệu đáng mừng được chuyên gia nêu là tuyến cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai trong giai đoạn 1 có tiến độ thi công được đảm bảo. Trong khi đó giai đoạn 2 của tuyến này cùng siêu dự án vành đai 4 vùng thủ đô và vành đai 3 TP.HCM đang được Chính phủ khẩn trương thực hiện những thủ tục liên quan để báo cáo Quốc hội.

“Tất nhiên cao tốc Bắc - Nam thôi là chưa đủ nhưng chúng ta cần hoàn thành trục đường xương sống càng sớm càng tốt để có tiền đề triển khai tiếp các tuyến xương cá kết nối”, ông Bình nói.

Cần cưỡng chế nếu trạm BOT để xảy ra ùn tắc nhưng không xả trạm

Cùng theo dõi về giao thông dịp Tết, tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, đặc biệt chú ý tới tình trạng ùn tắc tại các trạm thu phí BOT.

Ông Tạo cho rằng việc lưu lượng xe cộ tăng trong dịp Tết là điều trông thấy trước, không quá bất ngờ. Để xảy ra ùn tắc kéo dài tại trạm thu phí thể hiện sự quản lý chưa tốt trong việc bố trí nhân lực, phương án của đơn vị khai thác tuyến.

Chuyên gia này cũng cho hay hiện Nghị định 100 đã quy định cụ thể yếu tố phải xả trạm với mức phạt 8-40 triệu đồng nếu không chấp hành. Đặc biệt, khi có yêu cầu xả trạm của CSGT mà trạm thu phí không chấp hành, tổ chức quản lý, vận hành sẽ bị phạt đến 70 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Zing, tình trạng ùn tắc 1-2 km tại trạm thu phí trong những ngày sau Tết là điều không khó gặp.

Ùn tắc tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chiều 4/2. Ảnh: Hồng Quang.

Trước ý kiến cho rằng mức phạt tối đa hiện chưa tương xứng với số tiền trạm BOT thu được, tiến sĩ Khương Kim Tạo đánh giá điều này có phần đúng. Tuy nhiên, ông không đồng tình với việc tăng mức xử phạt cao hơn bởi việc tăng mức xử lý vi phạm hành chính cần phù hợp với quy định của pháp luật.

Về giải pháp, ông Tạo kiến nghị khi xảy ra ùn tắc, lực lượng CSGT cần kiên quyết yêu cầu trạm thu phí phải xả. Nếu đơn vị quản lý tuyến chống đối, tùy theo mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc cao hơn là xử lý hình sự.

“Việc xử phạt trạm thu phí cùng với xả trạm chính là mức phạt kép về tài chính đối với doanh nghiệp vi phạm”, ông nói.

Thời gian là chi phí lớn nhất

Sáng 2/2 (mùng 2 Tết Nhâm Dần), Hà Nội trời mưa phùn và rét. Tại ga Cát Linh, điểm đầu của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, bãi gửi xe máy không còn chỗ trống. Hàng dài người xếp hàng ở cả quầy bán vé trực tiếp và máy bán vé tự động. Đây là cái Tết đầu tiên, người Hà Nội được du xuân bằng loại phương tiện công cộng mới.

Theo số liệu từ Hanoi Metro, sản lượng hành khách của tuyến đường sắt đô thị này tăng cao kỷ lục trong dịp Tết. Riêng trong ngày mùng 4 Tết, tuyến tàu điện đầu tiên của thành phố xác lập 3 kỷ lục là ngày có lượng khách đi tàu đông nhất kể từ khi bán vé, khung giờ chở được nhiều hành khách nhất và ngày có doanh thu cao nhất.

tac duong dip tet anh 3

Hành khách tại ga Cát Linh hôm 2/2. Ảnh: Hồng Quang.

Theo tiến sĩ Phan Lê Bình, việc đông đảo người dân lựa chọn tàu điện làm phương tiện di chuyển cho thấy tín hiệu đáng mừng và giao thông công cộng chính là lời giải cho bài toán tắc đường tại các đô thị lớn.

Tuy nhiên, việc triển khai các tuyến đường sắt đô thị gặp nhiều vướng mắc suất đầu tư cao, vướng mắc cơ chế, phụ thuộc về công nghệ... Các tuyến đường sắt đô thị đang triển khai ở Hà Nội và TP.HCM đều chậm tiến độ.

Đặc biệt, tuyến Bến Thành - Tham Lương (TP.HCM) chưa thể triển khai do vướng giải phóng mặt bằng, còn tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đã hơn 10 năm kể từ khi ký kết thỏa thuận vốn vay nhưng chưa thể bắt tay vào xây dựng do vướng về tổng mức vốn và vị trí ga ngầm C9 hồ Gươm.

Đề ra giải pháp, ông Bình kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh huy động, ưu tiên nguồn vốn cho phát triển hệ thống đường cao tốc, đường vành đai và giao thông công cộng bởi đây chính là mạch máu của nền kinh tế. Đồng thời, quá trình quản lý đầu tư cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, tránh gây thất thoát, lãng phí dẫn tới tăng đơn giá quá cao.

Vị chuyên gia từ JICA đặc biệt kỳ vọng Chính phủ cùng cơ quan chuyên môn quyết liệt đẩy nhanh tiến độ hơn trong dự án xây dựng hạ tầng giao thông. Bởi theo ông, có những dự án tiền đã có nhưng vướng thủ tục và cơ chế dẫn tới chậm tiến độ nhiều năm.

“Bên cạnh đội vốn thì còn lãng phí vô hình chúng ta không nhìn thấy đó chính là thời gian. 10 năm tới khi Việt Nam bước vào chu kỳ già hóa dân số, lượng người trẻ trong độ tuổi lao động sẽ phải cõng theo chi phí của người phụ thuộc, do đó cần tận dụng tối đa thời kỳ dân số vàng để phát triển. Trong khi đó, chi phí giải phóng mặt bằng, lạm phát tăng sẽ khiến việc xây dựng khó khăn hơn”, ông Bình nói.

Chia sẻ với Zing sau chặng đường 400 km với hơn 9 giờ di chuyển về TP.HCM, anh Mai Triều Nguyên nói anh vừa đọc bài báo có nội dung Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tiến độ các dự án cao tốc tại Khánh Hòa vào sáng 5/2. Những dự án này đều được đảm bảo so với kế hoạch và chỉ cách nhà anh khoảng chục cây số.

“Tôi hy vọng những cung đường mới khi hoàn thành sẽ giúp mọi người dễ dàng hơn trong hành trình về quê mỗi dịp đoàn viên”, anh Nguyên chia sẻ.

Ngày làm việc cuối cùng năm Tân Sửu, Hà Nội kẹt cứng

Từ đầu giờ chiều 28/1 (26 tháng chạp), hàng dài xe cộ nối đuôi nhau rời khỏi Hà Nội khi người dân bắt đầu bước vào kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày.

Người Hà Nội du xuân, nhiều tuyến đường ùn tắc

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai xảy ra ùn tắc cục bộ do lượng xe trên tuyến tăng gấp 3 lần. Thị xã Sa Pa ghi nhận gần 10.000 lượt xe, gấp 10 lần so với ngày thường.

Hồng Quang

Bình luận

Bạn có thể quan tâm