Rồi Paris bắt đầu xuất hiện một số hiện tượng sân khấu nhạc Việt với mục đích bảo tồn văn hóa hứa hẹn sự trở lại mới mẻ của một Lam Phương từng trải.
Lúc này, nhà hàng Như Ánh của cô Bảy Lâm Thị Minh Khai cũng là nơi lui tới quen thuộc của khách Việt Nam. Lam Phương được em gái út “bổ nhiệm” chức quản lý nhà hàng. Đây là công việc đòi hỏi nhiều tỉ mỉ để phục vụ khách, nhưng ít ra Lam Phương tránh được những tháng ngày lầm lũi với công việc nhàm chán trong hãng xưởng.
Đặc biệt hơn, nhà hàng Như Ánh còn có sân khấu nhỏ, là nơi để Lam Phương chơi nhạc mỗi đêm... Lam Phương trở lại cái nghề của những năm tháng trong “thời kiếp nghèo”, ông ôm đàn guitar mỗi tối đến vũ trường Rex chơi để có thêm thu nhập.
Nhà hàng Như Ánh đem lại cho hai anh em nhạc sĩ Lam Phương thu nhập khá hơn. Gặp gỡ nhiều người mới, thiết lập các mối quan hệ mới và có được nguồn năng lượng tích cực hơn để Lam Phương thấy lại niềm yêu đời và sáng tác âm nhạc. Một trong những mối quan hệ tích cực nhất trong thời gian này chính là mối tình với cô gái tên Cẩm Hường.
Mười lăm năm ở Paris, đắm say trong mối tình với Cẩm Hường đã là nguồn cảm hứng cho nhiều ca khúc nổi tiếng, một lần nữa, đưa Lam Phương trở thành một trong những nhạc sĩ ăn khách bậc nhất ở hải ngoại và cả ở trong nước từ sau năm 1975. Ông đã viết hơn 100 ca khúc chỉ trong vòng 15 năm mà gần như bài hát nào cũng nhanh chóng được biết đến rộng rãi.
Người đẹp Cẩm Hường có tên đầy đủ là Lê Thị Cẩm Hường, sinh năm 1950 tại Cần Thơ. Có tin cho rằng bà từng là vợ cũ “ông vua không ngai” của nghệ thuật cải lương Thành Được.
Giai nhân Cẩm Hường có đôi mắt đẹp long lanh, mái tóc bồng bềnh ngay từ phút gặp gỡ đã hút hết tâm trí Lam Phương. Hai người quyết định về sống chung và cùng nhau đảm trách công việc quản lý nhà hàng của cô Bảy.
Vừa bước ra cuộc hôn nhân khủng hoảng, lại tạm rời xa sân khấu âm nhạc, cõi lòng cằn cỗi của Lam Phương thoáng chốc được Cẩm Hường xoa dịu. Những mùa thu rét buốt của Paris đã được thay thế bằng “đường vào Paris có lắm nụ hồng”. Nụ hồng là cách Lam Phương chơi chữ để nói tới người tình Cẩm Hường.
Lam Phương tâm sự 10 năm sống với Cẩm Hường là quãng đời hạnh phúc nhất của ông. Thiên đường ái ân là biên độ khác của nghệ thuật tụng ca tình yêu đôi lứa được ông viết trong thời gian này. Nếu như trước năm 1975, cứ mỗi đám cưới lại nghe bản Ngày hạnh phúc thì giờ đây, khắp nơi trên thế giới, chỗ nào có người Việt Nam thì Thiên đường ái ân được cất lên.
Sách Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương. Ảnh: Phan Book. |
Các chàng trai lãng mạn của thời kỳ này cũng thích thú với những ca từ, giai điệu vui tươi trong bản Bé yêu rồi Mùa thu yêu đương... mà chàng nhạc sĩ trung niên một lần nữa sống lại tuổi yêu đương của họ để viết ra.
Đỉnh cao của tình yêu Lam Phương dành cho Cẩm Hường chính là Bài tango cho em. Đây là bản nhạc diễn tả niềm hạnh phúc ngập tràn:
Bài tango cho em
"Từ ngày có em về,
nhà mình toàn ánh trăng thề.
Dòng nhạc tình đã tắt lâu,
tuôn trào ngọt ngào như dòng suối.
Anh yêu phút ban đầu,
đẹp nghiêng nghiêng dáng em sầu.
Trong mắt em buồn về mau,
em ơi có khi nào lần gặp đây cho mai sau.
Tiếng đàn hòa êm ái,
nhịp bước em thêm lả lơi.
Cung điệu buồn chơi vơi,
đôi tâm hồn riêng thế giới.
Mình dìu sát đi em
để nghe làn hơi cháy
trong tim nồng nàn.
Tiếc thương chi trời rộng thênh thang,
Vương vấn để rồi một đời cưu mang.
Giờ mình có nhau rồi,
đời đẹp vì tiếng em cười.
Vượt ngàn trùng qua bể khơi,
dắt dìu cùng về căn nhà mới.
Ta xây vách chung tình,
nhiều chông gai có tay mình,
Xin cảm ơn đời còn nhau,
xin ghi phút ban đầu bằng bài tango cho em.
Giờ mình có nhau rồi,
đời đẹp vì tiếng em cười.
Vượt ngàn trùng qua bể khơi,
dắt dìu cùng về căn nhà mới.
Ta xây vách chung tình,
nhiều chông gai có tay mình.
Xin cảm ơn đời còn nhau,
xin ghi phút ban đầu bằng bài tango cho em".
Ngoài những ca khúc trẻ trung đó, trong thời gian ở Paris, Lam Phương viết ba ca khúc gần như là đỉnh cao trên đường viết nhạc của mình: Cho em quên tuổi ngọc, Em đi rồi và Một mình.
Cho em quên tuổi ngọc là bài hát được viết theo đặt hàng cho một bộ phim. Lam Phương lấy cảm hứng từ một lần ghé thăm vợ chồng nhạc sĩ Trần Quang Hải - Bạch Yến ở ngoại ô Paris. Gặp lại “người xưa”, Lam Phương đã “đo ni đóng giày” cho giọng ca Bạch Yến bằng bài hát mà đến nhạc sĩ Trần Quang Hải, vốn là nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc cũng phải thán phục và đánh giá rất cao cho việc vận dụng mode nhạc Tây Ban Nha. Đây là bài hát duy nhất được Lam Phương viết bằng tiếng Pháp với tựa C’est Toi.
Năm 1988, đọc bản tin nhỏ trên báo về sự ra đi của ca sĩ Họa Mi, Lam Phương viết bản Em đi rồi.
Họa Mi tốt nghiệp một trường âm nhạc và nhanh chóng trở thành nữ danh ca. Nàng yêu và lập gia đình với nghệ sĩ Lê Tấn Quốc, người được mệnh danh là đệ nhất saxophone miền Nam. Sau 1975, họ có một gia đình êm ấm thì Lê Tấn Quốc suy giảm thị lực. Điều kiện chăm sóc y tế khó khăn và lạc hậu trong nước cứ mỗi ngày lại bủa bóng tối lên thế giới sống của người nhạc công tài hoa.
Năm 1988, Họa Mi có suất diễn ở Paris, cô quyết định làm đơn xin ở lại. Miệng lưỡi người đời chỉ trích rất nhiều về lòng trắc ẩn của Họa Mi. Cùng với đó, ở thái cực còn lại, Lê Tấn Quốc được an ủi, sẻ chia...
Hai năm sau, năm 1990, Họa Mi bảo lãnh chồng và các con qua Pháp để chữa trị đôi mắt. Tiếc thay, trong lúc đoàn tụ gia đình thì y học vẫn chưa đủ tiến bộ để cứu đôi mắt Lê Tấn Quốc. Mối lương duyên nghệ sĩ đẹp nhất nhì Sài Gòn thuở trước lâm vào tình cảnh chia ly.
Từng là người trong cuộc của các cuộc ly tán, Lam Phương đã xúc động mà viết Em đi rồi tặng Họa Mi. Dù nhạc sĩ chưa một lần gặp mặt cô ca sĩ khả ái này trong thời gian còn ở trong nước.
Về sau, Lê Tấn Quốc trong cảnh tối tăm vẫn thường xuyên chơi nhạc ở Sài Gòn và có gia đình mới. Họa Mi sau thời gian bươn chải xứ người nuôi con cũng kết hôn với một kỹ sư người Pháp gốc Sa Đéc, Việt Nam. Cuộc tình nghệ sĩ Họa Mi - Lê Tấn Quốc may mắn hơn Lam Phương, khi trong các đợt về nước biểu diễn, tiếng hát Họa Mi vẫn được tiếng kèn đồng của Lê Tấn Quốc chắp cánh.
Lam Phương và Túy Hồng chưa một lần hội ngộ nhau trên sân khấu!