Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loạn giá bình cứu hỏa ôtô: Để thị trường tự điều tiết

Áp dụng xử phạt các chủ ôtô chưa lắp bình cứu hỏa đạt chuẩn cho xe từ ngày 6/1 khi nguồn cung thị trường chưa đảm bảo, đại diện Cục PCCC cho rằng, thị trường có thể tự điều tiết.

Theo Thông tư 57 của Bộ Công an, bắt đầu từ 6/1, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy sẽ phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành kiểm tra, xử phạt đối với chủ xe ôtô nếu không trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Mức phạt tiền đối với ôtô 4 chỗ trở lên không trang bị thiết phương tiện chữa cháy thông dụng từ 300.000-500.000 đồng và lên 3-5 triệu đồng đối với xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy nổ.

Đáp ứng nhu cầu đột ngột cao của khách hàng, thị trường bình cứu hỏa những ngày gần đây trở nên sôi động. Bên cạnh những địa chỉ đăng ký và được cấp phép kinh doanh thiết bị PCCC, hàng loạt địa chỉ rao bán bình cứu hỏa mới mọc lên với đủ chủng loại hàng, giá cả, xuất xứ, chất lượng khác nhau. Tại thị trường mạng, mặt hàng này cũng được rao bán tự do, lượng giao dịch lớn.

Đắt, rẻ đều lo

Qua khảo sát, bình cứu hỏa mini cho xe ôtô được rao bán trên thị trường có giá chênh lệch lớn, từ vài chục nghìn đồng tới hàng triệu đồng, với đủ chủng loại, xuất xứ từ các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga, Italia...

Bình cứu hỏa mini cho xe ôtô được rao bán với nhiều mức giá chênh lệch lớn, nhiều loại bình giá rẻ không có tem kiểm định hợp lệ.

Loại bình dưới 1 lít của Trung Quốc có giá bán lẻ phổ biến ở mức 70.000-100.000 đồng/bình. Thậm chí, một số địa chỉ bán hàng trên mạng rao giá loại bình này chỉ 50.000 đồng. Nguyễn Trung Phong, một đầu mối phân phối sỉ, lẻ loại bình cứu hỏa này tiết lộ, nếu mua với số lượng lớn từ hàng nghìn bình, giá sẽ chỉ còn 30.000-35.000 đồng/bình.

Khi được hỏi về việc hàng bán ra có tem kiểm định hay không? Phong khẳng định là không, do phần lớn người mua cũng không quá quan tâm tới vấn đề này.

"Nhiều bình dán mác Hàn Quốc, Nga, Italia nhưng giá chỉ tầm hơn 100.000 đồng/bình thì chủ yếu vẫn là hàng Trung Quốc cả. Và cũng không có tem kiểm định gì đâu. Quan trọng có bình trên xe cho đúng luật là được rồi", dân buôn cho biết.

Tuy nhiên, cũng qua khảo sát tại Hà Nội, sau nhiều ngày tìm hiểu, tâm lý khách hàng có xu hướng tập trung vào những sản phẩm bình chữa cháy nhập khẩu được kiểm định, có chất lượng tốt, được bán tại các địa chỉ uy tín.

Đại diện một đơn vị kinh doanh, phân phối đồ bảo hộ lao động tại Hà Nội cho biết, loại bình mini nhập khẩu dành cho xe ôtô có dán tem kiểu định của Cục PCCC có giá 320.000-350.000 đồng/bình hiện rất khan hàng. Nhiều đại lý đã báo lên công ty hết hàng và tiếp tục chờ nhập hàng mới với số lượng lớn do nhu cầu từ thị trường với các loại bình có tem kiểm định tăng mạnh.

Trong khi người bán vui mừng với bình chữa cháy thì tâm lý người mua còn nhiều lo ngại.

Chị Vũ Minh Thư, chủ xe BMW (quận Cầu Giấy, HN) chia sẻ: "Không biết mua bình cứu hỏa lắp trong xe để phòng cháy hay lại như mang bom nổ chậm bên mình".

Theo chị Thư, bình cứu hỏa là loại hàng chống va đập, dễ phát nổ ở nhiệt độ cao. Ở Việt Nam trong những ngày hè, thời tiết lên tới gần 40 độ C, đỗ ôtô dưới trời nắng thì nhiệt độ trong xe sẽ lên tới 60-70 độ C. Việc để bình cứu hỏa trong xe như vậy chắc chắn không an toàn.

Về giá cả, khách hàng này bày tỏ, nhiều chủ xế khuyên nhau mua bình xịn, ở nơi uy tín nhưng ngay cả trong các siêu thị, loại bình Trung Quốc có vài chục nghìn đồng, không tem bảo hành cũng được bán nhan nhản thì biết tin ai? Mà liệu có chắc được bình đắt có an toàn hơn bình rẻ không khi đều thiếu tem bảo hành? Đã có trường hợp bình cứu hỏa nổ trong xe ôtô 4 chỗ tại Hà Nội mới đây khiến chị thực sự lo sợ.

Nhiều chủ phương tiện lo lắng không biết đặt bình cứu hỏa ở vị trí nào trong xe cho an toàn. Ảnh: Trung Dương.

Anh Lê Việt Anh (Linh Đàm, quận Hoàng Mai, HN) cho biết, để an toàn cho cả người và xe, anh đã tìm mua loại bình cứu hỏa có tem kiểm định với giá cả triệu đồng của Italia. Tuy nhiên, chủ xe này vẫn tỏ ra lo lắng không yên vì không biết để bình vào vị trí nào trong xe là an toàn nhất.

"Bình xịn hay rởm, gặp nhiệt độ cao vẫn dễ nổ như thường. Mà kể cả không như vậy thì nếu xe đã bị bắt lửa, tôi không nghĩ cái bình bé tí ấy có thể phát huy tác dụng", anh nói.

Để thị trường tự điều tiết

Trả lời Zing.vn, Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) khẳng định, về lý thuyết, những loại bình cứu hỏa mini có tem kiểm định hợp pháp có tính an toàn cao, khó có khả năng cháy nổ trong điều kiện thông thường của xe ôtô.

Tuy nhiên, ông Thắng không loại trừ trường hợp một số chủ xe do nhiều nguyên nhân như mua bình chất lượng kém, chọn sai vị trí lắp bình trong xe hoặc để nhiệt độ xe dưới trời nắng nóng mà không có biện pháp hạ nhiệt, có thể gây nguy cơ cháy nổ.

"Nếu thuộc về lỗi bảo quản, để xe trong điều kiện nhiệt độ bất lợi thì chủ xe có thể phải chấp nhận một số thiệt hại", ông Thắng nói.

Để đảm bảo an toàn cho chủ xe và phương tiện khi lắp đặt bình cứu hỏa, đại diện Cục PCCC yêu cầu chủ phương tiện trang bị loại bình đạt chuẩn, có dán tem kiểm định do Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) cấp. Trường hợp xe có lắp bình nhưng là loại bình không đạt chuẩn vẫn bị xử phạt theo quy định. 

Bên cạnh đó, ông Thắng chia sẻ nhiều hướng dẫn lắp đặt bình chữa cháy an toàn trong xe như chọn lựa vị trí mát dưới gầm ghế lái, ngăn gài cửa xe; đậu xe vào nơi mát, mở hé cửa xe khi thời tiết nắng nóng để hạ nhiệt không khí bên trong xe hoặc chọn tấm bạt phản quang cho xe trong ngày hè...

Về vấn đề loạn giá cả, chất lượng sản phẩm thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho xe ôtô trong thời gian qua, ông Thắng cho rằng, theo quy luật cung-cầu, thị trường sẽ tự điều tiết được tình trạng này.

Phản đối ý kiến cho rằng quy định áp dụng vội vàng khi nguồn cung sản phẩm đạt chất lượng chưa đảm bảo, Phó cục trưởng PCCC cho rằng, tình trạng khan hiếm loại bình đã qua kiểm định có thể xảy ra, song, khi nhu cầu từ thị trường tăng lên ắt sẽ có nguồn cung đáp ứng.

10 thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất lịch sử

Không chỉ mang đến thiệt hại lớn về người và của, tác động của những thảm họa do trang The Richest thống kê này là rất lâu dài và khó có thể khắc phục.

Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm