Tiến sĩ Christian Zollner, nhà nghiên cứu thuộc Đại học California tại Santa Barbara đang làm việc cho dự án công nghệ đèn LED sử dụng tia UV để khử khuẩn.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Zollner cho rằng khử khuẩn thiết bị y tế, sàn nhà, các bề mặt có nguy cơ nhiễm là một trong những phương pháp ngăn chặn virus lây lan.
Tại Mỹ, tia cực tím được sử dụng để khử trùng vật tư y tế ở Trung tâm y tế Đại học Nebraska. Ảnh: New York Times. |
Đã xuất hiện một thời gian nhưng trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, khử trùng bằng tia UV mới được chú ý là giải pháp có thể đẩy lùi virus.
Theo tài liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, virus corona rất nhạy cảm với nhiệt độ và ánh sáng cực tím, do đó tia UV có thể hiệu quả trong việc tiêu diệt virus.
Một nhà sản xuất có tên Seoul Semiconductor thậm chí khẳng định sản phẩm đèn LED UV của họ có thể "tiêu diệt 99% virus corona trong 30 giây". Công nghệ của hãng này được áp dụng để khử trùng nội thất trong ô tô.
Cần lưu ý rằng tia UV có nhiều loại với bước sóng khác nhau. Trong khi UV-A và UV-B khá phổ biến, tia UV-C chỉ có thể tạo ra trong quy trình nhân tạo và được dùng để làm sạch không khí, nước hoặc khiến virus bất hoạt.
Theo Zollner, tia UV-C có bước sóng khoảng 260-285 nm phù hợp với công nghệ khử trùng hiện tại song vẫn có hại cho da người, do đó nên sử dụng UV-C vào thời điểm không ai có mặt tại nơi khử trùng.
Trên thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không nên sử dụng tia UV để khử trùng tay hoặc chiếu lên da. Việc tiếp xúc gần với UV-C có thể gây bỏng và tổn thương mắt.
Tia UV được chứng minh là hiệu quả trong việc tiêu diệt virus corona. Ảnh: China Daily. |
Tia UV-C thường được tạo ra từ đèn hơi thủy ngân. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các nhà khoa học đã nghiên cứu về giải pháp tạo tia UV-C một cách hiệu quả.
Nghiên cứu do Zollner là đồng tác giả đăng trên ACS Photonics ngày 27/1 đã mô tả phương pháp tạo ra tia UV-C bằng cách đặt một tấm màng mỏng làm từ hợp kim gallium nitride (AlGaN) lên chất nền cacbua silic (SiC) xuất phát từ chất nền sapphire vốn được sử dụng rộng rãi nhưng chi phí khá cao.
Theo Zollner, chất nền SiC có cấu trúc tinh thể giống sapphire nhưng rẻ hơn, phù hợp cho việc sản xuất hàng loạt.
Những chiếc đèn khử trùng cầm tay chính là ứng dụng mà các nhà nghiên cứu nghĩ đến khi phát triển công nghệ LED sử dụng tia UV-C, ban đầu có thể giúp đỡ các khu vực kém phát triển bị thiếu nguồn nước sạch.
Trong bối cảnh thế giới chạy đua điều chế vaccine Covid-19, việc đảm bảo cách ly và khử trùng là một trong những giải pháp phòng tránh virus đơn giản. Zollner hy vọng đèn LED UV-C có thể áp dụng trong những trường hợp này với chi phí trang bị thấp, đặc biệt là không sử dụng hóa chất.
Tuy nhiên những chính sách phong tỏa, cách ly xã hội đã ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu. Zollner khẳng định một khi việc nghiên cứu trở lại bình thường, đội ngũ của ông sẽ tiếp tục cải thiện công nghệ để tạo ra đèn LED khử trùng bằng tia UV-C "hiệu quả nhất thế giới".