Trong thời điểm căng thẳng đối phó với Covid-19, con người tìm mọi cách để làm sạch bản thân và những thứ xung quanh. Chúng ta có thể rửa tay bằng xà phòng để quét sạch virus trên tay mình, nhưng việc đó sẽ không mấy ý nghĩa nếu sau đó những đồ vật dùng hàng ngày như điện thoại, bàn phím vẫn bị bẩn.
Một trong những cách làm sạch thiết bị đơn giản là dùng cồn hoặc các chất diệt khuẩn khác. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích dùng đến hóa chất. Thực tế là trong tự nhiên có một phương pháp khử trùng khá hữu dụng: Tia cực tím hay tia UV.
Tia cực tím đã được ứng dụng để khử trùng từ lâu, nhưng liệu nó có chống lại được virus corona mới? Ảnh: Getty. |
Từ lâu, người ta đã dùng phương pháp chiếu xạ UV để khử trùng các vật thể và phòng ốc, vậy liệu tia UV có thể tiêu diệt virus corona hay không?
Tia UV diệt virus như thế nào?
Virus không tự sinh sản, nhưng chúng có vật chất di truyền là DNA hoặc RNA. Chúng nhân bản bằng cách bám vào các tế bào và "bơm" DNA của chúng vào đó. Một số virus sẽ phá nát tế bào bị lây nhiễm để chui ra ngoài (loại hình sinh sản này gọi là chu trình tan), trong khi số khác hòa nhập với tế bào bị lây nhiễm và sinh sản mỗi khi tế bào đó phân chia (chu trình tiềm tan).
Cơ chế diệt virus của tia UV cũng giống như lúc bạn bị cháy nắng: Tia UV khiến DNA bị hư tổn. Một phân tử DNA bao gồm hai chuỗi gắn kết lại với nhau bởi 4 gốc là adenine (A), cytosine (C), guanine (G) và thymine (T). Những gốc này giống như bảng chữ cái, và trình tự của nó sẽ tạo nên một văn bản hướng dẫn các tế bào sinh sản.
Virus nhân lên bằng cách đưa vật chất di truyền của mình (DNA hoặc RNA) vào tế bào. Ảnh: DT. |
Tia UV có thể khiến các gốc T hòa lẫn với nhau, gây rối loạn chuỗi DNA và về cơ bản khiến bộ máy bị hư hỏng. Bởi chuỗi DNA không còn đúng nữa, nó không thể nhân rộng như bình thường. Đó chính là cách tia UV tiêu diệt virus: Ngăn ngừa khả năng sinh sản của chúng.
Tia UV có giết được virus corona không?
SARS-CoV-2 là một virus mới, do đó chưa có nhiều nghiên cứu về khả năng kháng tia UV của chúng. Dẫu vậy, các công ty vẫn đua nhau tung ra thị trường các thiết bị phát xạ UV nhằm tiêu diệt virus. Theo CrunchBase, doanh số thiết bị UV thời gian qua đã tăng đáng kể, và các bệnh viện cũng bắt đầu sử dụng robot có máy chiếu UV để khử trùng các phòng trong bệnh viện. Kể cả khẩu trang cũng được vệ sinh bằng tia UV.
Trong khi SARS-CoV-2 là loại virus mới, những virus chủng corona đã từng xuất hiện và gây dịch bệnh như SARS, MERS. Nhiều nghiên cứu do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) thực hiện cho thấy tia UV có thể diệt virus gây bệnh SARS và MERS, do vậy có thể trông chờ kết quả tương tự với virus SARS-CoV-2.
Các thiết bị khử trùng bằng tia cực tím tại nhà ngày càng phổ biến. Ảnh: Shutterstock. |
Tuy vậy, cần lưu ý đừng bao giờ sưởi ấm tay dưới ánh sáng của đèn UV. Như đã nói ở trên, bức xạ cực tím có thể gây tổn hại cho DNA của con người, dẫn đến các vấn đề sức khỏe như ung thư da hay đục thủy tinh thể.
Một dải quang phổ cụ thể của tia cực tím là tia cực tím xa UV-C sẽ tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn mà không gây hại cho làn da của các loài động vật có vú. Đó là bởi nó có độ hấp thụ mạnh trong các vật chất sinh học, tia cực tím xa UV-C không thể đi xuyên qua những lớp bên ngoài của da hay mắt người. Tuy nhiên, bởi vi khuẩn và virus đều có kích cỡ micromet hoặc nhỏ hơn, tia cực tím xa UV-C có thể đi xuyên qua và tiêu diệt chúng, theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature.
Như vậy, đèn phát tia cực tím xa UV-C có thể xóa sổ cả những loại virus phát tán qua không khí mà không gây hại cho con người. Do đó có thể hình dung trong thời gian tới, khi bước qua cửa an ninh sân bay hay bước vào bệnh viện, chúng ta sẽ phải bước vào một buồng khử trùng bằng tia UV trước.
Bây giờ, bạn có thể thoải mái cho chiếc điện thoại của mình vào thiết bị khử trùng phát tia UV được rồi. Nhưng nếu vệ sinh cá nhân, thì giải pháp tốt nhất bạn nên chọn có lẽ vẫn là rửa tay bằng xà phòng.