Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Loại đất này có thể là vũ khí hạng nặng để TQ đối đầu Mỹ

Năm 2010, khi Trung Quốc và Nhật Bản xung đột về quyền sở hữu các đảo trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã tạm dừng xuất khẩu các lô hàng đất hiếm cho đối thủ.

Trung Quốc có nguồn tài nguyên đất hiếm dồi dào nhất thế giới, và trong cuộc chiến thương mại lần này, Bắc Kinh có thể sử dụng lợi thế đó trước Mỹ, theo Fortune.

Các nguyên tố đất hiếm được chế tạo thành nam châm vĩnh cửu dùng trong xe điện, tua bin gió, thậm chí cả tên lửa dẫn đường.

Có 17 loại nguyên tố đất hiếm, đóng vai trò quan trọng với phần lớn công nghệ hiện đại, sử dụng trong mọi phân khúc từ điện tử gia dụng đến quốc phòng. Tuy nhiên, đất hiếm không phải là quá hiếm.

Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, quặng đất hiếm cũng phổ biến như đồng hoặc chì. Nhưng vì quặng đất hiếm bị oxy hóa rất nhanh chóng, việc chiết xuất các kim loại này vừa khó khăn vừa cực kỳ ô nhiễm.

Vũ khí chiến lược của Trung Quốc

Trung Quốc có lợi thế chi phí lao động thấp và các quy định môi trường lỏng lẻo, giúp họ thống trị thị trường đất hiếm trong những năm 1980, vượt qua cả Mỹ. Quốc gia này chiếm gần 40% sản lượng đất hiếm toàn cầu, sản xuất 120.000 tấn một năm, khoảng 80% nguồn cung toàn cầu. Để so sánh, Australia, nhà cung cấp lớn thứ hai thế giới, chỉ sản xuất 20.000 tấn vào năm ngoái.

Tờ Global Times gọi đất hiếm là “con át chủ bài trong tay Bắc Kinh”.

Tai nguyen dat hiem cua Trung Quoc anh 1
Lao động làm việc tại mỏ kim loại đất hiếm ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây vào tháng 10/2010. Ảnh: Getty Images.

Bắc Kinh từng khẳng định sự thống trị trong thị trường đất hiếm trước đây. Năm 2010, khi Trung Quốc và Nhật Bản xung đột về quyền sở hữu các đảo trên biển Hoa Đông, Bắc Kinh đã tạm dừng xuất khẩu các lô hàng đất hiếm cho đối thủ, làm gián đoạn nguồn cung của các nhà sản xuất lớn như Toyota, Panasonic.

Song quốc gia tỷ dân cũng dần mất đi lợi thế kể từ đó. Việc cấm vận xuất khẩu đất hiếm đã cảnh báo phần còn lại của thế giới về sức mạnh của Trung Quốc đối với các khoáng sản quý giá, đồng thời thúc đẩy việc phải tìm kiếm giải pháp thay thế.

Một liên minh do Mỹ lãnh đạo đã kháng cáo lên WTO vào năm 2014, buộc toà án đưa ra phán quyết Trung Quốc không thể đặt giới hạn cho xuất khẩu đất hiếm.

Vòi bạch tuộc Trung Quốc có thể vươn đến đâu?

Bắc Kinh đặt ra hạn ngạch sản xuất đất hiếm 2 lần một năm. Trong nửa đầu 2019, mức trần đặt ở 60.000 tấn, tăng từ 45.000 tấn trước đó. Theo Helen Lau, nhà phân tích kim loại và khai thác tại Công ty Chứng khoán Argonaut, nếu Trung Quốc muốn giảm xuất khẩu đất hiếm, họ sẽ hạ thấp hạn ngạch khai thác. Hạn ngạch cho phần còn lại của năm được công bố vào tháng 6 sẽ cho biết các nhà chức trách Trung Quốc có hành động hay không.

Bắc Kinh có thể dùng lý do bảo vệ môi trường để hạ thấp hạn ngạch khai thác đất hiếm, đồng thời làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu này vào Mỹ như một đòn tấn công. Tuy vậy phương án đó cũng có nhiều rủi ro, các khách hàng khác của Trung Quốc cũng phải thắt lưng buộc bụng về nguồn cung đất hiếm.

Tai nguyen dat hiem cua Trung Quoc anh 2
Truyền thông Trung Quốc cho đất hiếm là con bài chiến lược của nước này trước Mỹ. Ảnh: Fortune.

80% nhu cầu đất hiếm của Mỹ đến từ Trung Quốc, nhưng nhu cầu chung về đất hiếm ở Mỹ lại thấp. Nhu cầu của người Mỹ chỉ chiếm 4% trong số các lô hàng đất hiếm của Trung Quốc, với tổng trị giá khoảng 160 triệu USD trong năm 2018.

Một phần là vì hầu hết nhà sản xuất Mỹ cần đất hiếm đã chuyển cơ sở sản xuất đến Trung Quốc. Các ngành công nghiệp còn lại của Mỹ có xu hướng nhập khẩu đất hiếm thành phẩm, chẳng hạn như nam châm, chứ không cần đất hiếm thô.

Nếu Trung Quốc hạn chế xuất khẩu linh kiện thành phẩm, ngành công nghiệp nội địa Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Đó có thể là sự hy sinh mà Bắc Kinh sẵn sàng thực hiện, nhưng sẽ là một cú đánh thẳng mặt.

Không dễ độc quyền đất hiếm

Mỹ cũng đang tìm kiếm nguồn cung thay thế. Tại Mountain Pass thuộc hạt San Bernardino, California, mỏ đất hiếm duy nhất ở Mỹ đã hoạt động trở lại. Từng là nhà cung cấp đất hiếm hàng đầu thế giới, ngày nay mỏ này chỉ đơn giản vận chuyển quặng chưa tinh chế đến Trung Quốc để xử lý. Tập đoàn MP Materials đã mua mỏ vào năm 2017, sau khi chủ sở hữu trước đó là Molycorp nộp đơn xin phá sản vì giá cả cạnh tranh từ Trung Quốc.

Công ty khai thác mới, trong đó có một cổ đông Trung Quốc, cho biết sẽ mở lại các cơ sở chế biến tại Mountain Pass vào năm tới để mỏ có thể vận hành trở lại. Bởi cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh đã giảm 10% thuế nhập khẩu quặng vào năm ngoái nhưng lại quyết định tăng lên 25% vào ngày 1/6.

Tai nguyen dat hiem cua Trung Quoc anh 3
Một bức ảnh từ năm 2009 cho thấy nước ngầm tích tụ trong hố của mỏ đất hiếm Mountain Pass. Ảnh: Getty Images.

Giám đốc điều hành mỏ Michael Rosenthal cho biết công ty MP sẽ tập trung vào việc khai thác quặng có giá trị cao hơn để tránh đi vào vết xe đổ của Molycorp. Công ty vật liệu MP vẫn phải cạnh tranh với Trung Quốc và còn bị ràng buộc bởi quy định nghiêm ngặt về môi trường từ California. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc chặn xuất khẩu đất hiếm, đối thủ cạnh tranh chính của MP sẽ biến mất.

Ở phía nam, nhà sản xuất hóa chất Texas Blue Line Corp và công ty khai thác Lynas của Australia cũng đang đàm phán để mở một nhà máy chế biến đất hiếm. Vào tháng 5, một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng đã đưa ra luật bảo vệ nguồn cung cấp khoáng sản của Mỹ. Trong khi đó, Nhật Bản đã phát hiện ra mỏ đất hiếm có trữ lượng đủ cung cấp cho toàn cầu “vô thời hạn”.

Việc hạ bệ Trung Quốc trong ngành công nghiệp đất hiếm sẽ mất thời gian và tiền bạc, nhưng các nước đều có động lực để làm điều đó, đặc biệt là khi Trung Quốc thể hiện bản thân là một nhà cung cấp không đáng tin cậy.

‘Cơn ác mộng’ Huawei có ảnh hưởng tới mục tiêu 5G của châu Á?

Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc được hầu hết quốc gia châu Á lựa chọn để phát triển mạng 5G, nhưng lệnh cấm của Mỹ bỗng khiến mọi thứ trở nên khó dự đoán.


Đại Việt

Bạn có thể quan tâm