Trên thế giới, hiếm có nơi nào tỏ rõ sự phấn khích về công nghệ di động 5G như khu vực Đông Nam Á. Đây là thị trường smartphone bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian qua với dân số trẻ.
Tuy nhiên mục tiêu 5G của khu vực có thể bị ảnh hưởng khi chính phủ Mỹ tuyên bố "cấm vận" Huawei. Chỉ vài tuần trước, Huawei giữ vai trò quan trọng trong việc triển khai công nghệ 5G trên toàn khu vực. Giờ đây, giới chuyên gia nhận định hãng Trung Quốc khó lòng tiếp tục vị thế trung tâm.
Nhiều người tin rằng Huawei đang phải đối diện với cuộc chiến sinh tử. Ảnh: Bloomberg. |
Động thái đưa Huawei vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ không những cấm công ty nước này sử dụng thiết bị của Huawei, mà còn ngăn công ty bán công nghệ cho đối thủ.
“Đòn đánh” này có thể làm tê liệt hoạt động của gã khổng lồ đất nước tỷ dân vì Huawei vốn phụ thuộc nhiều vào công nghệ phương Tây, như chip chẳng hạn.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump sau đó gia hạn lệnh cấm cho tới giữa tháng 8, nhưng các nhà phân tích lo ngại về những hậu quả lâu dài.
Với gần hai thập kỷ theo đuổi thị trường Đông Nam Á, từ Singapore cho đến Malaysia, thậm chí thị trường “non trẻ” như Campuchia, công ty Trung Quốc được xem là nhà lựa chọn cung cấp dịch vụ 5G hàng đầu tại đây.
Paul Triolo, chuyên gia tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group trụ sở Washington nhận định, việc nằm trong “danh sách đen” của Mỹ sẽ khiến Huawei khó hiện diện chính thức ở khu vực.
“Điều này sẽ tác động đến kế hoạch triển khai mạng 5G trên toàn cầu, đầu tiên là châu Âu, sau đó là các thị trường tiềm năng khác như Đông Nam Á”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump liệu có trở thành “sát thủ công nghệ”? Ảnh: EPA. |
Cùng chung nhận định, nhà phân tích Charlie Dai đến từ Forrester Research trụ sở Bắc Kinh chia sẻ: “Các biện pháp chính trị của chính phủ Mỹ đang tác động tiêu cực tới kế hoạch ra mắt 5G tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới”.
Công nghệ 4G đã tồn tại hàng thập kỷ, nhưng một số nước Đông Nam Á vẫn chưa phủ sóng toàn quốc. Gần đây, chính phủ các nước rất tích cực thử nghiệm và trình diễn công nghệ 5G.
Quy trình 2 bước
Trên bình diện chung, quá trình phát triển mạng 5G sẽ trải qua hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, mạng 4G hiện tại sẽ được đẩy mạnh cho phép tăng tốc độ truyền tải trên smartphone và các thiết bị khác.
Quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ được tiến hành độc lập với hệ thống đang có, dự kiến mất nhiều năm mới hoàn thành. Đó là tiền đề phát triển cho xe tự lái, phẫu thuật từ xa bằng robot và IoT, tất cả dựa trên khả năng truyền tải dữ liệu siêu nhanh của thế hệ mạng mới.
Khác với mạng lưới 3G và 4G trước đây, 5G phụ thuộc phần lớn vào phần mềm thay vì phần cứng và sẽ sử dụng nhiều trí tuệ nhân tạo.
Với việc mạng 4G triển khai chưa như ý muốn, những quốc gia có hệ thống kết nối phát triển như Singapore lại nóng lòng ra mắt mạng 5G sớm nhất có thế. Tuy nhiên, “tai nạn” hiện tại của Huawei có thể ảnh hưởng tới những kế hoạch đó.
Đa dạng hóa nhà cung cấp trở thành giải pháp an toàn
“Câu hỏi lớn giữa tình hình khó lường như thế này, là liệu những nhà cung cấp dịch vụ như Ericsson, Nokia và Samsung, có thể thay thế Huawei để đảm bảo về chi phí và khả năng triển khai trên quy mô lớn hay không”, ông Triolo nêu ra thách thức.
“Đây vẫn là ẩn số, đặc biệt về mặt chi phí. Nếu Huawei yếu đi, dù ở mức độ thấp nhất, cũng sẽ làm chậm tiến độ phát hành 5G trên toàn cầu, đặc biệt là những thị trường phụ thuộc lớn vào thiết bị của hãng”.
“Các nhà mạng có thể phải thay thế thiết bị, bỏ thêm chi phí tài chính, đối mặt với tình trạng đội giá và sẽ phải chuyển sang các nhà cung cấp mới”.
Về phần mình, các công ty viễn thông đã đề xuất sử dụng nhiều nhà cung cấp khác nhau để giảm thiểu rủi ro liên quan tới chiến tranh thương mại.
Phương Tây cáo buộc Huawei là “sân sau” của chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Washington và đồng minh tin rằng Huawei được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn, có thể tạo “cửa hậu” trên thiết bị mạng cho phép Bắc Kinh theo dõi chiến lược của đối thủ. Công ty trụ sở Thâm Quyến đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc và gọi hành động của chính quyền ông Trump là bắt nạt.
Tuy nhiên, các hãng viễn thông lớn ở Đông Nam Á tỏ ra không mấy bận tâm trước cảnh báo về vấn đề bảo mật của phương Tây.
“Vụ việc Huawei trở thành vấn đề toàn cầu ảnh hưởng tới tất cả các ngành công nghiệp. Nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra (Huawei bị cấm ở Malaysia), chính sách đa dạng nhà cung cấp của chúng tôi sẽ giúp giải quyết tình hình tốt hơn”, Idham Nawawi, CEO của Celcom Axiata có trụ sở tại Malaysia trả lời tờ Computer Weekly hồi tháng 3 cho biết.
Marc Einstein, trưởng nhóm phân tích tại công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ thông tin ITR của Nhật Bản cho biết ông tin rằng sự đa dạng hóa như vậy đã được thực hiện từ lâu, và trở thành giải pháp hữu hiệu trong trường hợp Huawei bị loại khỏi vai trò nhà cung cấp.
“Đây luôn là cách mà các công ty viễn thông thực hiện khi làm việc với nhiều nhà cung cấp khác nhau. Chúng sẽ tiếp tục được sử dụng bởi đó là cách thương lượng giá tốt nhất”, Marc Einstein chia sẻ.
Từ lâu, chính phủ Singapore đã lên kế hoạch xây dựng mạng 5G độc lập, vì thế họ không quá lo lắng về bài toán Huawei. Việc phát triển hệ thống mới sẽ được hoàn thành vào năm 2020.
Singapore là quốc gia hiếm hoi không phụ thuộc vào công nghệ 5G của Huawei. Ảnh: Reuters. |
“Tôi không thấy bất kỳ tác động trực tiếp nào ảnh hưởng tới Singapore vì cơ quan quản lý nơi đây ưu tiên phát triển 5G độc lập”, Sachin Mittal, nhà phân tích viễn thông đến từ DBS Bank chia sẻ.
Quốc đảo sư tử đã trang bị công nghệ tiên tiến 4.5G và cơ sở hạ tầng “băng thông vạn vật kết nối” cho phép sử dụng các dịch vụ 5G. “Singapore có cách tiếp cận 5G hết sức thực tế”, ông Mitt Mittal nhận định.
Bài toán về tiêu chuẩn chung của ngành công nghiệp
Trong khi đó, lệnh cấm đối với Huawei lại gây ra thách thức mới cho toàn thế giới. Triolo, nhà phân tích người Mỹ cho biết, vấn đề lớn bây giờ chính là vai trò của công ty Trung Quốc trong việc thiết lập các tiêu chuẩn của ngành công nghiệp.
Quá trình thiết lập tiêu chuẩn 5G do nhóm Third Generation Partnership Project (3GPP) thực hiện dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Nhưng mọi thứ có thể không theo đúng kế hoạch vì Huawei đang gặp khó khăn. Nên nhớ, đây là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới và cũng là thành viên đóng vai trò quan trọng của nhóm.
“Chúng tôi chưa biết tác động từ lệnh cấm Huawei đối với quá trình thiết lập tiêu chuẩn 5G sẽ như thế nào”, Triolo chia sẻ.
Huawei đối mặt với tương lai ảm đạm vì bị Mỹ cấm vận. |
Thậm chí, ngay cả khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Huawei thì hãng Trung Quốc vẫn đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chơi 5G nhờ công nghệ được đánh giá là tốt và rẻ, và sở hữu tới 30% bằng sáng chế cốt lõi.
“Hiện tại, chúng ta đang ở một thế giới hoàn toàn mới và chưa rõ Huawei sẽ làm gì tại 3GPP và những đơn vị đóng vai trò chủ chốt sẽ đối xử với Huawei ra sao. Họ đã là một phần quan trọng của các tiêu chuẩn”, Triolo nói thêm.
Các chuyên gia am hiểu về ngành công nghiệp trấn an mọi người không nên quá lo lắng. Nhà phân tích Einstein đến từ Tokyo chia sẻ đối tác cung cấp chip của Huawei có khả năng chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm kéo dài, vì thế không loại trừ trường hợp Washington sẽ tìm giải pháp tháo gỡ.
“Trong mọi trường hợp, 5G là câu chuyện của 10 năm tới và nếu tiếp tục, nó không chỉ có hại cho Huawei mà cả với các nhà cung cấp ở Mỹ. Vì vậy theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng trong ngắn hạn chúng ta sẽ thấy một số giải pháp”, Einstein bày tỏ sự lạc quan.
Hy vọng về một tương lai tốt đẹp được nhen nhóm hôm thứ Năm khi Tổng thống Donald Trump “gợi ý” vấn đề Huawei có thể trở thành một phần trong thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.