Financial Times đã nhận định về một kịch bản giống như phim Hollywood: Một chiến đấu cơ chuẩn bị cất cánh vào năm 2035 được trang bị vũ khí siêu vượt âm có khả năng di chuyển ở tốc độ Mach 5. Nó còn được trang bị vũ khí có thể sử dụng xung điện từ để hạ gục các hệ thống của đối phương.
Kế hoạch vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng tham vọng đó là chưa từng có. Máy bay đó sẽ là trung tâm của sự hợp tác quốc phòng ba bên đầu tiên giữa Anh, Nhật Bản và Italy. Loại máy bay này được chế tạo dựa trên thiết kế có thể đưa nó trở thành một trong những máy bay tinh vi nhất.
Cho đến nay, Nhật Bản chỉ làm việc với các đối tác Mỹ trong những chương trình quân sự lớn. Dự án ba bên này sẽ hợp nhất chương trình F-X của Nhật Bản với dự án Tempest của Anh và Italy, đánh dấu sự thay đổi vai trò của quốc gia châu Á này trong ngành công nghiệp quốc phòng toàn cầu.
Anh - Nhật xích lại gần nhau
Dự án này cũng củng cố quyết tâm của Tokyo trong việc thúc đẩy mối quan hệ an ninh sâu sắc hơn với một loạt đồng minh. Theo ông Katsutoshi Kawano, cựu Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, dự án sẽ mở rộng mối quan hệ của nước này với châu Âu và góp phần củng cố môi trường an ninh, đồng thời mang đến khả năng xuất khẩu.
Theo ông, bằng việc hợp tác với Anh, Nhật Bản có thể sẽ linh hoạt hơn trong việc nâng cấp chiến đấu cơ của mình để giải quyết các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng.
Tuy nhiên, trong vài tháng qua, những nỗ lực tìm kiếm thời điểm hoàn hảo cho việc ký kết ba bên đã bị trật bánh do bất ổn chính trị ở Anh, sự thay đổi chính phủ ở Italy và vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe Shinzo ở Nhật Bản.
Sau khi rời Liên minh châu Âu, Anh đang theo đuổi một chương trình tách biệt với dự án chiến đấu cơ của Pháp, Đức và Tây Ban Nha, Reuters đưa tin.
Hồi tháng 7, Anh khẳng định họ đang hợp tác với Nhật Bản và Italy trong chương trình máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo và muốn nó được đưa vào sử dụng trong năm 2035.
Khi năm 2022 sắp kết thúc, chính phủ Nhật Bản, Anh và Italy đang cố gắng ấn định ngày chính thức công bố mối quan hệ đối tác này.
Trong khi đó, Anh khẳng định họ cần các đối tác quốc tế, vừa giúp giảm chi phí vừa đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu. Họ cũng đã ký ý định thư với Italy vào năm 2019.
Nếu một thỏa thuận đạt được vào tháng này, đó sẽ là sự hợp tác giữa các nhà thầu chính Mitsubishi Heavy Industries (MHI) của Nhật Bản, BAE Systems của Anh và Leonardo của Italy.
Sự tự chủ cũng là một vấn đề quan trọng đối với Nhật Bản, khi nước này cố gắng xây dựng khả năng phòng thủ trước bối cảnh địa chính trị đang thay đổi.
Các nhà phân tích cho rằng đằng sau nỗ lực khiến Nhật Bản ngồi vào bàn đàm phán với Anh là cảm giác thất vọng ở Tokyo khi Mỹ có thói quen giữ công nghệ tiên tiến nhất cho riêng mình.
Nhật Bản từ lâu đã mơ ước chế tạo một chiếc máy bay nội địa để sánh ngang với máy bay chiến đấu Zero nổi tiếng thời Thế chiến II. Ảnh: Alamy. |
Trong gần như toàn bộ thời gian sau chiến tranh, Nhật Bản chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ quân sự và quân đội Mỹ để phòng vệ.
Theo nguồn tin thân cận, quyết định của Tokyo khi hợp tác với Anh để chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình mới xuất phát từ những lo ngại ngày càng tăng.
Tokyo cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng của họ sẽ không thể duy trì khả năng tự chủ để phát triển khí tài hiện đại nếu không đóng vai trò lớn hơn trong quá trình phát triển của chúng.
Nhật Bản từ lâu đã mơ ước chế tạo một chiếc máy bay nội địa để sánh ngang với máy bay chiến đấu Zero nổi tiếng thời Thế chiến II. Giới chức ở Tokyo đã thúc đẩy việc sử dụng một thiết kế “cây nhà lá vườn” để thay thế cho các máy bay chiến đấu F-2 của họ.
Theo Asahi, Nhật Bản có kế hoạch triển khai các máy bay chiến đấu mới này vào khoảng năm 2035, khi những chiếc F-2 hiện tại bắt đầu ngưng sử dụng. Chính phủ Nhật Bản mong đợi dự án này sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
Tuy nhiên, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, Nhật Bản đã chịu áp lực chính trị khi chọn một công ty quốc phòng của Mỹ để cùng phát triển máy bay chiến đấu F-X.
Vào cuối năm 2020, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã chọn Lockheed Martin, nhà sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ, làm đối tác cho MHI, công ty dẫn dắt chương trình F-X.
Tuy nhiên, họ cũng tiếp tục thảo luận với BAE Systems và nhà sản xuất động cơ Rolls-Royce, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết.
Mối quan hệ bình đẳng
Vào tháng 7, Anh chính thức tuyên bố sẽ phân tích ý tưởng chung về năng lực tác chiến trên không trong tương lai với Nhật Bản và Italy.
Trong khi Lockheed vẫn là một đối tác, nguồn tin thân cận cho biết các cuộc đàm phán với công ty Mỹ đã bị đình trệ vì những lo ngại ở Tokyo rằng máy bay sẽ sử dụng công nghệ Mỹ được thiết kế cho F-22 và F-35. Điều đó sẽ hạn chế việc sử dụng công nghệ Nhật Bản, gây cản trở khả năng nâng cấp độc lập.
Nhiều giới chức và chuyên gia phía Nhật Bản cho rằng mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với Anh có ý nghĩa cả về mặt chiến lược và tài chính. Vào tháng 12, hai nước cũng sẽ ký một hiệp ước quốc phòng quan trọng giúp cho việc tập trận chung và hợp tác hậu cần trở nên dễ dàng hơn.
Nhật Bản bắt đầu coi Anh là đối tác tiềm năng cho dự án chiến đấu cơ mới của mình khoảng 7 năm trước. Các cuộc đàm phán đã tăng tốc vào cuối năm 2017 trong cuộc gặp ở London giữa các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước, theo nguồn tin thân cận.
Hình ảnh về mô hình do đội ngũ Tempest đề xuất. Ảnh: BAE Systems. |
“Tôi luôn cho rằng chúng ta cần một mối quan hệ bình đẳng”, Itsunori Onodera, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, cho biết. Ông nói thêm rằng Tokyo đã nhiều lần làm rõ với Anh xem họ có sẵn sàng chia sẻ công nghệ với tư cách là đối tác.
Theo ông, nếu họ làm được điều đó, Nhật Bản có thể sản xuất nhiều máy bay hơn và giảm chi phí.
Trong khi đó, một lãnh đạo trong ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu nhận định Anh có “lịch sử hợp tác rất mạnh mẽ” trong lĩnh vực này.
Nguồn tin thân cận cho biết tiến bộ đã được ghi nhận ở cấp độ kỹ thuật, mặc dù các vấn đề xung quanh sở hữu trí tuệ và kiểm soát xuất khẩu vẫn cần được giải quyết.
Norman Bone, Chủ tịch và giám đốc điều hành của Leonardo UK - đối tác của Tempest, khẳng định có một "sự liên kết tự nhiên" giữa lực lượng không quân của Anh và Nhật Bản.
Ông Bone lý giải rằng cả hai nước đều đang cố gắng "đạt được những điều tương tự với những quan ngại và mối đe dọa tương tự".
Thách thức
Anh, Nhật Bản và Italy đã bước vào giai đoạn thảo luận cuối cùng, tập trung cả vào cách chia sẻ chi phí cũng như mức độ tích hợp của FX và Tempest, theo nguồn tin.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán vẫn chưa đạt được thỏa thuận về cách thức phân bổ chi phí giữa các quốc gia. Trong khi đó, Nhật Bản và Anh đều đang chịu áp lực giảm chi phí phát triển và đang tìm kiếm sự đóng góp lớn hơn từ Italy.
Bên cạnh đó, theo Financial Times, vẫn chưa rõ chương trình Tempest và F-X có thể được hợp nhất ở mức độ nào.
Nhật Bản đang xem xét sử dụng công nghệ kỹ thuật số cho F-X. Phương pháp đó có thể tiết kiệm chi phí cũng như giúp Tempest và FX dễ dàng có một cấu trúc chung nhưng lại có các tính năng riêng biệt, Simon Chelton, cựu tùy viên quốc phòng Anh tại Nhật Bản, cho biết.
Máy bay chiến đấu đa năng F-2A của Nhật Bản. Ảnh: Shutterstock. |
Mặc dù Anh có lịch sử chia sẻ công nghệ với các đối tác của mình, những lãnh đạo trong ngành cũng đã đặt câu hỏi liệu họ có thực sự cung cấp thông tin đầy đủ cho Nhật Bản.
Vì chiến đấu cơ này sẽ cần phải tương thích với Mỹ, một số nguồn tin đã chỉ ra khả năng Washington có thể can thiệp nếu Anh chia sẻ công nghệ nhạy cảm với Nhật Bản. Tokyo hiện không có hệ thống giám sát an ninh tương đương với Mỹ và Anh.
Ông Bone nhấn mạnh rằng "các quy trình bảo mật sẽ được hài hòa ở một mức độ phù hợp" trước khi có đồng thuận về quan hệ đối tác chính thức. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đã có một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo song phương với Anh.
Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều nếu các quốc gia muốn đạt được tham vọng đưa loại chiến đấu cơ này vào hoạt động vào năm 2035.
Trong khi đó, các lãnh đạo trong ngành cho biết dự án Tempest FX sẽ không chỉ giúp ích cho các quốc gia liên quan, mà còn cả Mỹ.
Washington, vốn cần các đồng minh của mình tăng cường khả năng phòng thủ để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, đã hoan nghênh việc Anh tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2018. Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.