Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) vừa báo cáo Bộ GTVT về năng lực điều phối cất hạ cánh của các sân bay phía Nam trong trường hợp đưa sân bay quân sự Biên Hòa và khai thác dân dụng.
Qua rà soát, VATM kết luận việc khai thác dân dụng sân bay Biên Hòa sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động bay trong tương lai của cụm sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành, dẫn đến làm giảm năng lực cất hạ cánh các sân bay này.
Xung đột hướng đường cất hạ cánh của sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất có thể nhìn thấy rõ qua ảnh vệ tinh. Ảnh: Google Maps. |
Nguyên nhân là sân bay Biên Hòa có hướng đường cất hạ cánh giao cắt rất sớm với đường cất hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất ở cự ly 28 km về phía đông, dẫn đến hoạt động cất hạ cánh của 2 sân bay này bị tác động qua lại, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.
Sự xung đột này có thể được giải quyết thông qua biện pháp trì hoãn, sắp xếp thứ tự chuyến bay xen kẽ nhau, nhưng sẽ làm giảm năng lực khai thác vùng trời của mỗi sân bay.
Sân bay Long Thành tuy cũng có sự chênh lệch về hướng đường cất hạ cánh với sân bay Tân Sơn Nhất, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau không quá lớn vì cự ly giao cắt lên tới 60 km.
Hiện, tổng năng lực khai thác vùng trời tối đa cho cụm sân bay Long Thành - Tân Sơn Nhất là 147 lần chuyến/giờ, trong đó Tân Sơn Nhất 52 lần chuyến, Long Thành 95 lần chuyến.
Trường hợp cho máy bay dân dụng khai thác sân bay Biên Hòa với giả thiết 15 lần chuyến, VATM ước lượng tổng năng lực của cụm sân bay vẫn giữ nguyên, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ giảm còn 37 lần chuyến, Long Thành vẫn giữ nguyên 95 lần chuyến.
Trước đó, Bộ GTVT đề nghị thành lập tổ công tác nghiên cứu việc chuyển hai sân bay quân sự Thành Sơn (Ninh Thuận) và Biên Hòa (Đồng Nai) thành các sân bay khai thác cả dân dụng.
Theo kế hoạch, tổ công tác sẽ báo cáo Thủ tướng về khả năng khai thác dân dụng các sân bay này trong quý III.