Kết thúc quý II, trong bối cảnh đại dịch, Vietjet ghi nhận mức doanh thu dịch vụ vận tải hàng không đạt 1.970 tỷ đồng, giảm 54%, mức lỗ hàng không 1.122 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, ở mảng hoạt động hàng không, hãng lỗ 2.111 tỷ đồng trong bối cảnh ngành hàng không thế giới chịu mức thiệt hại kỷ lục hơn 84 tỷ USD.
Nhằm tăng dòng tiền hỗ trợ hoạt động kinh doanh, Vietjet tích cực tìm kiếm các đối tác, thực hiện giải pháp chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư tài chính. Nỗ lực đó giúp hãng tăng doanh thu tài chính 1.174 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.063 tỷ đồng, tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.
Kết quả kinh doanh của Vietjet dựa trên nền tảng tài chính của công ty tích luỹ trong giai đoạn trước đó. |
Khi thị trường trong nước được cho phép, hãng khai thác trở lại toàn bộ đường bay nội địa với hơn 300 chuyến/ngày trong tháng 6, tăng gấp 3-5 lần thời điểm đỉnh dịch. Hãng đồng thời mở mới 8 đường bay nội địa để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân và du khách, đưa tổng số lượng đường bay lên 52 tuyến, tổng số chuyến đạt 14.000. Riêng trong tháng 6, tổng lượt khách vận chuyển đạt 1,2 triệu lượt, khôi phục thị trường nội địa.
Với lợi thế tối ưu chi phí theo mô hình tăng trưởng của các hãng hàng không chi phí thấp (LCC) trên thế giới, Vietjet tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm với bình quân chi phí giảm 55% do giảm khai thác hơn 30-35% và giảm đơn giá chi phí 20-25%. Trong tháng 5, hãng triển khai thành công chương trình mua trữ xăng dầu trong giai đoạn giá thấp, giúp giảm chi phí 25% so với thị trường. Hãng cũng tích cực đàm phán với các nhà cung cấp giảm giá dịch vụ cảng, sân bay, kỹ thuật và các dịch vụ khác từ 20% đến 45% tùy nhà cung cấp.
Với định hướng phát triển thành hãng hàng không thế hệ mới, Vietjet triển khai các giải pháp thương mại trên nền tảng công nghệ 4.0, phát triển ứng dụng di động. Tối ưu chi phí dựa trên nền tảng công nghệ, hãng vận hành theo mô hình LCC - mô hình được đánh giá hiệu quả khi nền kinh tế trải qua khủng hoảng.
Vietjet đạt tổng tài sản 48.392 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 17.339 tỷ đồng gồm cổ phiếu quỹ. Chỉ số thanh khoản hiện hành duy trì ở mức tốt 1,4 lần, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ 0,57 lần. Tỷ lệ nợ vay hiện thuộc nhóm thấp nhất trong ngành hàng không thế giới, hãng tiếp tục thực hiện kế hoạch vay vốn dài hạn để tăng cường nội lực vượt qua khủng hoảng.
Vietjet thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí. |
Từ đầu năm đến nay, chủ động trước các kế hoạch ứng phó Covid-19, Vietjet đã triển khai loạt giải pháp quyết liệt như mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các sản phẩm dịch vụ SkyBoss, dịch vụ phụ trợ (ancillary), thẻ bay Power Pass... Ngoài ra, hãng bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài để chủ động trong hoạt động khai thác, tăng chi phí phụ trợ tại sân bay cũng như nâng cao được chất lượng dịch vụ khách hàng.
Để tăng nguồn doanh thu và tối ưu hoạt động, hãng phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa (cargo) từ tháng 4, trở thành hãng hàng không đầu tiên được phê chuẩn triển khai khai thác vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách (CIPC). Đồng thời, hãng tăng cường dịch vụ thuê chuyến, mở rộng dịch vụ tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để tối ưu chi phí vận hành.
Bên cạnh nỗ lực của hãng, sự hỗ trợ của Chính phủ cũng được chờ đợi góp phần giảm áp lực, hỗ trợ hàng không hồi phục. Theo đề xuất của của các hãng, cơ quan chức năng, Chính phủ Việt Nam đang xem xét thông qua gói hỗ trợ hàng không bao gồm không giới hạn việc miễn giảm các loại thuế, phí dịch vụ hàng không, miễn giảm thuế môi trường cho nhiên liệu bay, gói hỗ trợ tài chính, gia hạn nợ vay… Sự hỗ trợ này cần cấp thiết và cụ thể trong giai đoạn hiện nay để củng cố nội lực của các hãng trong nước.
Trên thế giới, các hãng đang được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ nước sở tại nhằm giúp ngành hàng không hồi phục, do đây là một trong những lĩnh vực xương sống giúp thúc thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế chung.
Bình luận