“Gần đây cơ quan thú y TP HCM phát hiện nhiều điểm giết mổ lậu “thịt” heo “dính” chất cấm thuộc nhóm β-agonist (chất tạo nạc) rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Thực trạng này rất đáng lo ngại” - ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y TP HCM, cho Pháp Luật TP HCM biết thông tin trên sáng 10/9.
Mổ lậu: Kiểm đâu dính đó
Theo báo cáo của Chi cục Thú y TP HCM, sáng 1/9, Trạm Thú y Củ Chi (TP HCM) bất ngờ kiểm tra và phát hiện ông Đoàn Châu Đốc (ấp 6A, xã Bình Mỹ) đang tổ chức giết mổ heo lậu tại nhà. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận ông Đốc đang xẻ thịt ba con heo tổng cộng trên 310 kg. Đoàn còn phát hiện 15 con heo sống không giấy kiểm dịch đang nằm chờ mổ. Thấy bầy heo có hiện tượng bất thường, đoàn kiểm tra lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm, kết quả nước tiểu dương tính với chất cấm thuộc nhóm β-agonist.
“Ngoài phạt 8,5 triệu đồng do giết mổ trái phép, cơ quan chức năng còn phạt ông Đốc 12,5 triệu đồng do lưu giữ heo chứa chất cấm” - ông Nguyên cho biết.
Nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó, ngày 11/8, đoàn liên ngành quận Gò Vấp (TP HCM) kiểm tra điểm giết mổ heo trái phép tại 80/42 đường số 3, phường 9 và gặp phải sự chống đối, không hợp tác của người nhà. Sau khi có sự can thiệp từ UBND quận, đoàn tiến hành thực hiện được việc kiểm tra và phát hiện 13 con heo (mỗi con khoảng 90 kg) đang bị nhốt tại đây. Đoàn lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm và cũng ghi nhận số heo trên tồn dư chất cấm.
Bà Nguyễn Thị Lục, chủ số heo trên, bị cơ quan chức năng phạt vi phạm hành chính 5,5 triệu đồng. Ngoài ra, bà Lục còn bị phạt 12,5 triệu đồng vì lưu giữ heo “dính” chất cấm.
Đàn heo “dính” chất cấm bị cơ quan thú y TP HCM phát hiện, nhốt riêng chờ xử lý. |
Cũng gần thời điểm trên, Trạm Thú y Hóc Môn (TP HCM) kiểm tra một nhà không số tại tổ 11, ấp 1, xã Đông Thạnh do ông Nguyễn Văn Tiến làm đại diện đang tổ chức giết mổ heo trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận ngoài ba con heo đã bị mổ còn 22 con đang chờ “thịt”. Những con heo này không có giấy chứng nhận kiểm dịch, đồng thời kết quả xét nghiệm còn cho thấy heo dương tính với chất cấm.
Ông Tiến cũng bị cơ quan chức năng phạt 12,5 triệu đồng do giết mổ heo có chất cấm.
Mổ ở tỉnh, tuồn về TP HCM
Tại các điểm giết mổ lậu trên, lực lượng chức năng ra sức truy tìm nguồn gốc đàn heo chứa chất cấm để có biện pháp ngăn chặn từ gốc nhưng đều gặp phải sự bất hợp tác của những người giết mổ lậu. Họ chỉ khai báo mua heo trôi nổi nên rất khó truy tìm gốc gác.
“Phải nói giết mổ lậu rất khó kiểm soát, do vậy với tình hình này thịt heo nhiễm chất cấm tuồn ra thị trường ngày càng nhiều. Đây là diễn biến mới rất đáng báo động” - ông Nguyên bày tỏ.
Một vấn đề nổi cộm khác khiến cơ quan chức năng không khỏi đau đầu. Đó là trước việc cơ quan thú y TP HCM liên tục kiểm tra đột xuất tại các cơ sở giết mổ và lấy mẫu nước tiểu heo xét nghiệm, gần đây thương lái có dấu hiệu chuyển địa bàn về các tỉnh lân cận giết mổ rồi tuồn thịt bẩn về TP.
“Trong khi đó cơ quan chức năng các tỉnh lân cận hầu như không lấy mẫu xét nghiệm chất cấm tại những cơ sở giết mổ. Điều này khiến thương lái không đưa heo vào TP HCM giết mổ nữa mà đưa về các tỉnh” - ông Nguyên nhận xét.
Trước tình hình này, trong tháng 8/2015, Chi cục Thú y TP HCM đã đề nghị sáu tỉnh có heo “dính” chất cấm được phát hiện thời gian qua (Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Long và Bến Tre) phối hợp truy tìm nguồn gốc các hộ chăn nuôi có sử dụng chất cấm.
Cụ thể, ngày 1/9, sau khi phát hiện 30 con heo của bà Nguyễn Thị Thu Huệ có nguồn gốc từ Bến Tre tồn dư chất cấm, Chi cục Thú y TP HCM đã có công văn đề nghị Chi cục Thú y tỉnh Bến Tre phối hợp kiểm soát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ngày 8/9, Chi cục Thú y tỉnh Bến Tre có báo cáo cho biết số heo nói trên được chủ hàng thu mua trực tiếp tại bốn hộ chăn nuôi trong xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam. Chi cục Thú y tỉnh Bến Tre đã kiến nghị Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre lập đoàn kiểm tra về địa phương này để truy tìm nguồn gốc chất cấm.
Dự báo từ nay đến cuối năm, heo chứa chất cấm được xẻ thịt (thay vì để nguyên con như trước đây) từ các tỉnh lân cận về TP sẽ gia tăng.
“Do vậy, kế hoạch kiểm tra tồn dư chất cấm trên mẫu thịt đang được Chi cục Thú y TP nghĩ tới” - ông Nguyên cho biết.
Kiến nghị xử phạt mạnh tay hơn
Điểm a khoản 1 Điều 36 Nghị định 119/2013 quy định “Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ”. Khoản 3 Điều 36 nghị định nói trên có nội dung “Buộc chủ chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ”.
Theo tôi, quy định xử phạt nêu trên là quá nhẹ đối với người chăn nuôi cố tình sử dụng chất cấm. Chi cục Thú y TP HCM kiến nghị Bộ NN&PTNT quy định biện pháp xử lý mạnh tay hơn đối với vi phạm sử dụng chất cấm tại hộ chăn nuôi để ngăn chặn ngay từ gốc.
Đồng thời đưa chỉ tiêu kiểm tra tồn dư chất cấm tại hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ là chỉ tiêu bắt buộc để bảo đảm cung cấp nguồn thịt heo an toàn cho người tiêu dùng.
Kiểm tra tồn dư chất cấm đến tết Nguyên đán 2016
Trước thực trạng heo tồn dư chất cấm quá nhiều, Chi cục Thú y TP HCM sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn TP từ đây đến tết Nguyên đán 2016, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm.
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục
Thú y TP HCM