Thịt heo từ các lò giết mổ lậu tại phường Long Bình (TP Biên Hòa, Đồng Nai) hầu hết được các thương lái bỏ vào giỏ nhựa, không che đậy rồi chở bằng xe máy, xe ba gác. Thịt (trong đó có cả thịt heo chết, heo nhiễm bệnh) đưa đi tiêu thụ ở Biên Hòa, Bình Dương và TP HCM trót lọt.
Cung đường chở thịt lậu
Trong quá trình xâm nhập thực tế một số lò mổ heo lậu tại phường Long Bình (ở số báo trước), chúng tôi dễ dàng chứng kiến cảnh chở thịt heo bẩn đi tiêu thụ.
Các thương lái sau khi lấy thịt ở các lò mổ lậu ở phường Long Bình thì chạy đường tắt xuyên qua Khu công nghiệp Amata ra quốc lộ 1A rồi tỏa đi theo nhiều hướng. Trong đó chủ yếu đi về hướng TP HCM và Bình Dương.
Bà Mai vào lò mổ heo lậu của ông Nam ở phường Long Bình - chở trên đường - đến bày bán tại chợ tự phát cổng 11 thuộc khu phố 6, phường Long Bình. |
Trong khoảng một giờ ở một bãi đất trống giữa khu dân cư và Khu công nghiệp Amata, chúng tôi đếm được gần một trăm xe máy chở các giỏ, khay lớn đựng đầy thịt heo. Trong suốt nhiều ngày tác nghiệp, PV không thấy bóng dáng của cơ quan chức năng có mặt để kiểm tra, xử lý.
Một bảo vệ của Khu công nghiệp Amata cho biết con đường mòn đi tắt qua Khu công nghiệp Amata để ra quốc lộ 1A trên trở thành cung đường chở heo lậu trong nhiều năm nay.
“Nếu các cơ quan chức năng muốn kiểm tra, xử lý heo lậu trên ở phường Long Bình thì cứ đứng ở đây là bắt được hết. Nhưng hơn một năm nay trực gác ở đây tôi chưa thấy khi nào lực lượng chức năng xuất hiện để kiểm tra cả” - người bảo vệ này nói.
Tương tự, chúng tôi ghi nhận được cảnh vận chuyển, giết mổ heo lậu của các lò diễn ra công khai cả ngày lẫn đêm nhưng không hề thấy bóng dáng của cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Một người làm lò mổ heo lậu nhiều năm cho hay ở khu vực chỉ có một vài lò được phép, còn tất cả là làm chui.
Thịt không mộc thú y
Sau khi chứng kiến cảnh xe cộ chở thịt heo nườm nượp ra khỏi “thủ phủ” heo lậu, chúng tôi quyết định bám theo một vài trường hợp. Theo chân chiếc xe máy của bà Mai, chúng tôi thấy xe này sau khi lấy thịt tại lò mổ lậu của ông Nam thì theo con đường mòn vào Khu công nghiệp Amata.
Tiếp đó phụ nữ này đánh lái vào đường Bùi Văn Hòa. Điểm đến của người này là một sạp thịt heo ở khu chợ tự phát tại cổng 11, phường Long Bình Tân. Tính từ nơi lấy thịt đến sạp này cách nhau khoảng 10 km song phụ nữ này vô tư chở thịt mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Heo chết vẫn được các lò mổ lậu giết mổ rồi đưa ra thị trường. |
Trong vai người cần mua số lượng lớn thịt heo, chúng tôi được bà Mai báo giá thịt heo các loại mông, vai hay ba chỉ đều bán đồng giá 85.000 đồng/kg. Bà thừa nhận heo này mổ ở lò tư nhân, không mổ ở lò nhà nước nên không có đóng mộc thú y nhưng thịt rất… tươi.
“Muốn có mộc thì dễ mà. Quan trọng là chất lượng thịt chứ quan trọng mổ ở đâu. Muốn đóng mộc thì dễ lắm, giờ mộc giả tràn lan ra đó. Nhưng thực ra ở ngoài chợ ít bị kiểm tra lắm và việc kiểm tra chủ yếu thực hiện ở các lò mổ” - bà Mai nói.
Còn có dung túng!
Theo một cán bộ thú y tỉnh Đồng Nai, phần lớn các lò mổ lậu hoạt động tinh vi và chống trả quyết liệt khi bị bắt quả tang. Một phần cũng do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý. Đây là các nguyên nhân chính của tình trạng lò mổ lậu hoạt động tràn lan.
Theo ông Nguyễn Minh Đạo - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, các địa phương báo cáo trên địa bàn không còn cơ sở giết mổ lậu nhưng kiểm tra thực tế thì vẫn còn. Theo quy định, trách nhiệm kiểm tra, xử lý tình trạng giết mổ lậu là chính quyền cơ sở. Tuy vậy, việc để xảy ra tình trạng giết mổ lậu có phần trách nhiệm của Sở NN&PTNT.
Lò mổ heo bày bán thịt. |
Theo ông Phạm Minh Báu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) Đồng Nai, cho biết thêm toàn tỉnh hiện có ba trong tổng số 36 cơ sở giết mổ tập trung hiện đại theo quy hoạch. Tuy nhiên, hai trong số ba cơ sở hoạt động không hiệu quả cũng do sự tồn tại của các lò mổ thủ công.
“Trước khi quyết định tài trợ, Lifsap yêu cầu chính quyền địa phương cam kết sau khi dự án đi vào hoạt động thì sẽ dẹp bỏ các lò mổ lậu, lò mổ thủ công không đảm bảo. Đây là một trong những điều kiện để cho các dự án hoạt động hiệu quả. Nhưng thực tế cam kết này chưa được thực hiện và thậm chí còn có sự dung túng khiến các lò mổ hiện đại hoạt động không hiệu quả. Các chủ đầu tư sẽ dễ bị phá sản nếu tình trạng này kéo dài”, ông Báu cho hay.
Ông Bùi Hữu Nam, Chủ tịch UBND phường Long Bình cho biết ở phường Long Bình có rất nhiều lò mổ heo lậu, trong đó có cả lò mổ heo bệnh, heo chết hoạt động lén lút và tinh vi. Nhiều lần phường kết hợp với các đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý.
Nhưng mỗi lần ra quân chỉ xử lý được một điểm và thường chỉ bắt quả tang được một con heo. Các lò hay tin liền ngưng hoạt động và phi tang tang vật. Ngoài ra, thời gian giết mổ một con heo chỉ mất khoảng năm phút và chủ lò đối phó bằng cách giết mổ từng con. Khi đưa thịt đi tiêu thụ thì thương lái chạy bạt mạng và cơ quan chức năng ngại truy đuổi gắt vì sợ xảy ra tai nạn.
Trong tháng 8/2015, phường xử lý 10 lò mổ lậu, tiêu hủy 1.600 kg thịt heo bẩn và xử phạt các chủ lò mổ 35 triệu đồng. Phường cũng phối hợp xử lý bốn lò mổ heo lậu khác, trong đó có một lò mổ nghi giết mổ heo bệnh, heo chết.
Cái gốc là nhiều người xem việc giết mổ heo là nghề mưu sinh và đáp ứng cho nhu cầu ở địa bàn và vùng phụ cận. Trong khi ở phường chưa có lò mổ tập trung nên để giải quyết triệt để các lò mổ lậu thì phường Long Bình đã đề xuất xây dựng lò mổ tập trung trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai đã xử lý 12 vụ giết mổ lậu. Trong đó có hai vụ giết mổ heo bệnh, tiêu hủy 520 kg thịt heo dưới da bị xuất huyết, bốc mùi hôi thối, nghi mắc bệnh truyền nhiễm. Nhưng đây chỉ là những con số nhỏ lẻ so với thực trạng giết mổ lậu trên địa bàn.
* Tên nhân vật đã được thay đổi