Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lo quá tải tiếp nhận người nghiện

Người nghiện tại các cơ sở xã hội được chăm sóc, bảo vệ như người bệnh. Đây không chỉ tôn trọng nhân quyền mà còn là tình cảm chân thành của TP.HCM đối với họ.

Chiều 16/1, đoàn Đại biểu HĐND TP.HCM do Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn đầu đã có buổi làm việc tại 2 cơ sở xã hội Bình Triệu (quận Bình Thạnh) và Nhị Xuân (huyện Hóc Môn) về công tác tiếp nhận người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để tòa án xem xét quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Khó xác minh nơi cư trú

Báo cáo với đoàn, Chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) Nguyễn Hữu Tài cho biết đến nay đã tập trung hơn 5.500 đối tượng tệ nạn xã hội. Qua xét nghiệm, có trên 3.200 trường hợp dương tính với ma túy. Hiện 3 cơ sở xã hội Bình Triệu, Nhị Xuân và Thanh Thiếu niên 2 (huyện Củ Chi) tiếp nhận hơn 1.800 người nghiện. 

Theo ông Tài, khó khăn lớn nhất là xác minh nơi cư trú của người nghiện. “Khi TP.HCM gửi hồ sơ về các địa phương để xác minh nơi cư trú thì thời gian trả lời còn chậm, thậm chí có nơi không hợp tác”, ông Tài ngao ngán. 

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm thăm hỏi, động viên người nghiện tại Cơ sở xã hội Bình Triệu.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm thăm hỏi, động viên người nghiện tại Cơ sở xã hội Bình Triệu.

Chính điều này đã dẫn đến tình trạng tòa án không đủ căn cứ để ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc, làm dồn ứ người nghiện tại các cơ sở xã hội. Tại 2 cơ sở xã hội Bình Triệu và Nhị Xuân đã phát sinh nhiều trường hợp vượt quá 30 ngày (theo quy định của UBND TP thì thời gian cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện không nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ tòa án xem xét ban hành quyết định tại cơ sở xã hội là 30 ngày - PV).

Ông Lê Bá Hoàng, Giám đốc cơ sở xã hội Bình Triệu, cho biết có 38 trường hợp đến cơ sở đã quá thời gian quy định. “Việc này phải có chủ trương, biện pháp tháo gỡ để cơ sở xã hội Bình Triệu không bị quá tải nếu tiếp nhận thêm người nghiện không có nơi cư trú ổn định” - ông Hoàng kiến nghị. Giám đốc cơ sở xã hội Nhị Xuân Bùi Thanh Tuấn cũng trăn trở khi có hơn 250 người nghiện ở cơ sở này quá thời gian quy định.

Để tháo gỡ vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Huỳnh Thanh Khiết gợi mở: “Nếu trong thời hạn 30 ngày mà các địa phương không có phản hồi về việc xác nhận nơi cư trú thì mặc nhiên là người nghiện không có nơi cư trú ổn định”. Tuy nhiên, Chánh Tòa Hành chính TAND TP.HCM Vũ Kim Thoa khẳng định dù địa phương gửi chậm hoặc không trả lời thì vẫn chờ chứ không thể mặc nhiên là người nghiện không có nơi cư trú ổn định.

Ma túy đá ngày càng nguy hiểm

Một khó khăn khác mà các cơ sở gặp phải trong quá trình cắt cơn, giải độc cho người nghiện là xác định tình trạng nghiện. Theo ông Lê Bá Hoàng, người nghiện heroin còn dễ chứ người nghiện ma túy đá (ma túy tổng hợp) thì rất khó xác định tình trạng. 

“Ngoài số người sử dụng heroin thì số người nghiện ma túy đá tại cơ sở chiếm tỉ lệ khá cao (khoảng 40%), trong khi vẫn chưa có thông tư hướng dẫn phác đồ điều trị cụ thể nên đội ngũ y - bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong quá trình cắt cơn, giải độc ma túy đá cho bệnh nhân”, ông Hoàng nói. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tài cho biết đến thời điểm này, có 220 người nghiện không xác định được tình trạng nghiện. “Ở ngoài xã hội, tỉ lệ người nghiện sử dụng ma túy đá lớn hơn nhiều, có địa phương 70%-80% người nghiện sử dụng ma túy đá. Điều này rất nguy hiểm”, ông Tài cảnh báo.

Đánh giá về công tác tiếp nhận những người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định tại cơ sở xã hội, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng từ khi triển khai đề án đến nay, tình hình trật tự xã hội trên địa bàn tốt hơn nhiều, đặc biệt là không còn tình trạng người nghiện công khai tiêm chích ma túy ở địa bàn dân cư. Công tác tiếp nhận triển khai tốt, đồng bộ khi các sở, ngành cùng vào cuộc. 

Theo bà Tâm, thắng lợi lớn nhất là việc làm trên nhận được sự đồng thuận từ người nghiện. “Điều này rất rõ ràng khi người nghiện vào đây tinh thần ổn định, sức khỏe tốt hơn, điều kiện sống tốt hơn, ăn uống đầy đủ. Người nghiện được xem như người bệnh để chăm sóc, bảo vệ. 

Đây chính là tình cảm thật sự, chân thành của TP.HCM đối với người nghiện. Mặt khác, nhân quyền cũng được coi trọng” - bà Tâm chia sẻ. Đối với các vướng mắc trong quá trình triển khai, bà Tâm đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP chủ trì báo cáo kịp thời cho UBND TP. Từ đó, UBND TP và tất cả sở, ngành liên quan cùng bàn để tháo gỡ. “Cái nào trong thẩm quyền của TP thì phải giải quyết ngay, khi kiến nghị trung ương phải đeo bám để đem lại kết quả tốt nhất”, bà Tâm nhấn mạnh.

Thiếu xe chuyên dùng chuyển giao người nghiện

Ông Lê Bá Hoàng cho biết hiện chỉ có 1 xe chuyên dùng để chuyển giao người nghiện ma túy sau khi quyết định của tòa án có hiệu lực thi hành đến các trường, trung tâm để cai nghiện bắt buộc cho cả 3 cơ sở xã hội Bình Triệu, Nhị Xuân và Thanh Thiếu niên 2. 

“Điều này sẽ không bảo đảm an toàn cho xe do lịch trình vận chuyển thường xuyên, không có thời gian bảo dưỡng, sửa chữa” - ông Hoàng bày tỏ. 

Về việc này, bà Quyết Tâm yêu cầu Sở Tài chính và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải “ngồi lại ngay” để tìm hướng, kiến nghị UBND TP giải quyết. 

Bà Tâm nói: “Ngân sách chi cho vấn đề này, HĐND rất tán thành vì đây là mua xe chuyên dụng nên không trái với quy định của trung ương. Việc này cũng trong thẩm quyền của TP nên phải giải quyết ngay vì bảo đảm an toàn cho người nghiện là rất quan trọng”.

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/lo-qua-tai-tiep-nhan-nguoi-nghien-20150116223142778.htm

Theo Phan Anh/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm