Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lo ngại Trung Quốc, các nước châu Á tăng chi cho quốc phòng

Việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để khẳng định chủ quyền phi lý ở Biển Đông và biển Hoa Đông sẽ khiến chi tiêu quốc phòng các nước khu vực tăng cao nhiều năm tới.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bắn pháo tự hành trong cuộc diễn tập gần núi Phú Sĩ năm 2014. Ảnh: Reuters

Craig Caffrey, chuyên gia phân tích tại công ty IHS Jane's có trụ sở tại London (Anh), nhận định, căng thẳng gia tăng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương “kéo theo quá trình hiện đại hóa quân sự trong thời gian dài và được đề cập trong ý đồ chính trị của một số nước”.

Theo ông Caffrey, trong số các nước Đông Nam Á, Philippines, Indonesia và cả Việt Nam lọt vào danh sách 10 quốc gia có ngân sách quốc phòng tăng cao nhất trong năm 2015. Ông nhận định, các nước tăng chi tiêu quân sự để đề phòng Trung Quốc và nhận thấy xu hướng này chưa có dấu hiệu kết thúc.

Trong một động thái hung hăng nhất từ trước tới nay, Trung Quốc triển khai hệ thống phòng không HQ-9 phi pháp thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhật Bản và các nước láng giềng của Trung Quốc ở Đông Nam Á phản ứng bằng cách đẩy mạnh chi tiêu quân sự để củng cố khả năng phòng thủ.

Straits Times dẫn báo cáo ngày 22/2 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Việt Nam hiện là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ 8 thế giới. Việt Nam chi 4,3 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2014, tăng 113% so với 2013. Quốc gia Đông Nam Á đã mua 6 tàu ngầm tấn công lớp Kilo, 36 chiến đấu cơ Su-30MK2, 6 tàu khu trục tàng hình, 6 tàu tấn công nhanh và gần đây là thương vụ mua hệ thống phòng không tiên tiến của Israel.

Philippines đang mạnh tay trong chi tiêu quốc phòng nhằm xây dựng lực lượng hải quân và không quân mạnh hơn. Manila đã chi 39 tỷ Peso (khoảng 1,2 tỷ USD) để mua hai 2 tàu khu trục tàng hình mang tên lửa dẫn đường, 2 trực thăng tấn công chống tàu ngầm và 3 tàu chiến.

Nhật Bản, quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, đang thay thế toàn bộ hạm đội tàu ngầm và công bố kế hoạch tăng chi tiêu quân sự tới năm 2020. Kế hoạch bắt đầu từ tháng 4/2016 sẽ tăng 1,5% lên 41,8 tỷ USD. Đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức vào tháng 12/2012.

Trong khi đó, vùng lãnh thổ Đài Loan gần đây thông báo về gói vũ khí trị giá 1,83 tỷ USD với Mỹ, gồm 2 tàu khu trục.

Theo IHS Jane's, năm ngoái, Trung Quốc chi 191 tỷ USD cho quân sự, bằng tổng ngân sách quốc phòng của 24 nước Đông Á và Đông Nam Á cộng lại. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 225 tỷ USD vào năm 2020, bất chấp sự sụt giảm của nền kinh tế nội địa.

Công ty phân tích quốc phòng độc lập ở London cho hay, đến năm 2020, tổng chi tiêu quốc phòng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự báo đạt 553 tỷ USD, từ 435 tỷ USD trong năm 2015.

Tờ Wall Street Journal nhận định, tham vọng của Trung Quốc không chỉ tác động tới chi tiêu quân sự của các nước trong khu vực. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang tăng cường chi tiêu cho các thiết bị công nghệ cao để đảm bảo lợi thế cạnh tranh về mặt quân sự với Trung Quốc và Nga. Trong tổng đề nghị ngân sách quốc phòng 582,7 tỷ USD cho năm tài khóa 2017 vừa được Bộ Quốc phòng Mỹ gửi tới quốc hội nước này 6,7 tỷ USD được chi cho phòng thủ mạng, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về các hành động của Trung Quốc.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm