Bộ Y tế vừa ban hành Chương trình chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà, trong đó cảnh báo về việc có bằng chứng cho thấy virus có thể lây lan sang động vật.
Nhiều gia đình ở TP.HCM đã chủ động cho chó mèo hạn chế tiếp xúc, để tránh tình trạng thú cưng trở thành “F0 bất đắc dĩ”.
“Tôi đã hạn chế cho thú cưng đi ra ngoài ngay từ đầu dịch. Nay đọc được thông tin về việc chó, mèo có khả năng bị nhiễm, tôi khá lo lắng", anh Thanh Phong (TP Thủ Đức) nói.
Chủ động phòng ngừa
Nhà của anh Phong có em gái và ba cùng bị mắc Covid-19, được cách ly tại nhà. Chú chó khá thân với cô em gái của anh. Do đó, để hạn chế lây nhiễm, anh Phong để thú cưng ở riêng biệt một khu.
"Thấy cả nó cả em mình đều buồn nhưng giờ cố gắng thôi, mình còn được có vaccine chứ tụi nó có đâu", anh Thanh Phong chia sẻ.
Trước khi đọc thông tin do Bộ Y tế khuyến cáo về việc virus SARS-CoV-2 có thể lây từ người nhiễm bệnh sang động vật, anh Q.V. (TP Thủ Đức) đã tìm hiểu vấn đề này trên báo chí nước ngoài để chủ động phòng tránh.
Ngoài chuyện lo lắng cho hai chú chó ở nhà, anh Q.V. cũng đề phòng trường hợp thú cưng có thể trở thành nguồn lây nên từ đầu dịch anh đã giữ chúng ở khu vực riêng, hạn chế cho ra khỏi nhà. Anh Q.V. cũng lên lịch vệ sinh chuồng, tắm rửa và cắt tỉa bớt lông cho thú cứng nhà mình thường xuyên hơn.
Hai chú chó nhà anh Q.V. đã hạn chế ra ngoài và tiếp xúc trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Ảnh: NVCC. |
"Tôi có cập nhật thông tin virus không lây từ động vật sang người, tuy nhiên tôi sợ nếu chúng vô tình tiếp xúc với F0 rồi virus dính lên lông, da... thì cũng có thể thành nguồn lây”, anh Q.V. cho biết.
Sở hữu đến 4 chú mèo trong nhà, chị Anh Thư (quận Phú Nhuận) cũng đau đầu trước tình trạng hiện tại. Trước đó, khu chung cư nơi chị Thư ở có ca nhiễm, chị lo ngại mèo nhà mình tiếp xúc với các bề mặt hay nguồn lây không thể rà soát.
Theo chị, bình thường, mèo nhạy cảm với môi trường xung quanh, đủ chứng bệnh có thể mắc nên phải thường xuyên tiêm ngừa. Nay nghe thêm tin chúng có thể nhiễm Covid-19 từ người thì chị càng lo.
"Mèo khác chó là tụi nó hay luồn lách khắp nơi, khó mà nằm yên một chỗ, giờ tôi phải cho bọn nó ở hẳn trong phòng, không cho chạy lung tung”, chị Thư bày tỏ.
Vì thành phố phong tỏa, các dịch vụ thú y đóng cửa, việc khám chữa bệnh cho vật nuôi không thể thực hiện. Một trong bốn con mèo nhà chị Thư gặp vấn đề về tiêu hóa, may là chị có trữ sẵn thuốc, nhờ bác sĩ hướng dẫn qua điện thoại nên cũng khỏi.
"Sợ nhất cảnh tụi nó nhiễm bệnh một con rồi lây hết cho mấy con còn lại”, chị Anh Thư chia sẻ.
Theo chị Thư, các hội nhóm nuôi chó mèo trên mạng xã hội hay trong các group chung cư cũng đăng bài, nhắc nhở các thành viên nếu có là F0 cũng phải cách ly với cả chó mèo, tránh để chúng nhiễm bệnh, lây lan cho động vật khác.
Chó, mèo có thể dính virus nếu tiếp xúc gần
Bên cạnh lo ngại việc lây nhiễm Covid-19 cho thú cưng, không ít người bày tỏ lo lắng có trường hợp thú cưng trở thành nguồn lây nhiễm phát tán virus SARS-CoV-2 hay không.
Sống cùng nhà với người bạn nuôi cả chó lẫn mèo, kể từ đầu dịch chị Ngọc Lam (quận 1) đã phải hạn chế đến phòng sinh hoạt chung mỗi lúc có chúng xuất hiện tại đây.
“Mình có đọc thông tin về việc thú cưng có thể nhiễm bệnh, nhưng không có tình huống ngược lại. Dù vậy cứ phải phòng cho chắc, có thể mình hơi kỹ lưỡng một chút, với cả nếu hạn chế tiếp xúc thì khi mình có nhiễm bệnh cũng không thể lây chéo cho cả người khác hay thú cưng của họ”, chị Lam bày tỏ.
Thú cưng có thể là "trung gian" lây nhiễm nếu tiếp xúc gần với các F0. Ảnh: Business Insider. |
Trao đổi với Zing về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết con người thường chỉ bị bệnh do nhiễm virus SARS-CoV-2 lây từ người khác, không thể bị nhiễm từ động vật hay thú cưng.
Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cũng cảnh báo trường hợp thú nuôi tiếp xúc với F0, virus từ những người này có thể nhưng tồn tại trên bề mặt da, lông của vật nuôi và có thể lây sang người tiếp xúc gần. Chó, mèo, vật nuôi khác có thể giống như "vật trung gian" dính virus và lây nhiễm qua người khác khi sờ, nắm phải.
Mặt khác, theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thì cho đến hiện tại, nguy cơ động vật lây lan SARS-CoV-2 cho người được xem là thấp. Ở phía ngược lại, virus này có thể lây lan từ người sang động vật trong một số trường hợp, đặc biệt là khi tiếp xúc gần.
Theo CDC, virus corona là một họ virus lớn. Một số gây bệnh có triệu chứng như cảm cúm ở người, trong khi loại khác gây bệnh cho vài loại động vật như gia súc, lạc đà và dơi. Tuy nhiên, virus corona ở chó và mèo chỉ lây nhiễm cho động vật và không lây cho người.
Trong trường hợp, chủ nuôi nhiễm Covid-19 thì nên tránh tiếp xúc, cách ly với thú cưng giống như cách ly với mọi người xung quanh. Điều này vừa làm hạn chế khả năng virus tấn công vật nuôi hoặc biến chúng thành "vật trung gian" làm lây lan dịch bệnh.
Ngoài ra trong thời điểm dịch còn căng thẳng, CDC cũng khuyến cáo nên giữ thú cưng hạn chế tiếp xúc, thường xuyên khử trùng khay ăn, đồ chơi và các vật dụng chăm sóc vật nuôi, vệ sinh, dọn dẹp chất thải của chúng đúng cách. Những biện pháp này nhằm giảm thiểu các nguy cơ gây bệnh từ môi trường xung quanh.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.