Nhật Bản cho biết nước này sẽ có hành động đáp trả nếu các tàu cá Trung Quốc quay trở lại vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp sau khi lệnh cấm đánh bắt mùa hè của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông hết hiệu lực hôm 16/8.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono nói Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ "hành động kiên quyết khi cần thiết" nếu các tàu Trung Quốc tăng cường hoạt động xung quanh quần đảo Senkaku mà Tokyo đang kiểm soát. Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này và gọi là Điếu Ngư.
Trung Quốc và Nhật Bản cùng tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Kyodo. |
Trung Quốc muốn tránh căng thẳng?
Lo ngại đã gia tăng ở Nhật Bản sau khi các tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư trong 100 ngày liên tiếp, tính đến hôm 22/7 - khoảng thời gian dài nhất mà hoạt động này diễn ra kể từ khi Tokyo đặt quần đảo này dưới sự kiểm soát của nhà nước năm 2012.
Trong 100 ngày này, tàu Trung Quốc được phát hiện đi vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo trong 11 ngày, theo giới chức Nhật Bản.
Tokyo nói đây là diễn biến "vô cùng nghiêm trọng" và đã tăng cường hoạt động tuần tra giám sát tại quần đảo, cũng như phản đối chính thức với Bắc Kinh.
"Trung Quốc đã nỗ lực khống chế vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý trong những tháng gần đây nhằm làm suy yếu sự kiểm soát của Nhật Bản và củng cố các tuyên bố chủ quyền của nước này", nhà địa chính trị học Brahma Chellaney viết trong bài đăng trên Nikkei Asian Review hôm 12/8.
Ông Chellaney cho rằng một khi lệnh cấm đánh bắt do Trung Quốc áp đặt xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư kết thúc vào ngày 16/8, các hành động khiêu khích của Trung Quốc có thể leo thang, với sự xâm nhập của nhiều tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc.
"Xét cho cùng, mục đích của Trung Quốc là dần dần thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho họ", ông kết luận.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định chính phủ Trung Quốc có thể kiềm chế để tránh căng thẳng quá mức với Nhật Bản vào thời điểm quan hệ giữa Bắc Kinh với Mỹ đang xấu đi.
"Trung Quốc không muốn căng thẳng với Nhật Bản về quần đảo Điếu Ngư khi mối quan hệ giữa họ với Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng", Liu Nanlai, thành viên Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc chuyên về luật pháp quốc tế, nói với South China Morning Post. "Trung Quốc sẽ không chủ động [ở đây]".
Tàu cá Trung Quốc (trái) bên cạnh tàu hải cảnh Nhật Bản ở biển Hoa Đông hồi tháng 2/2013. Ảnh: Reuters. |
Hãng thông tấn Kyodo của Nhật cho hay các đội tàu cá của Trung Quốc đã được yêu cầu không tiếp cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sau khi lệnh cấm đơn phương của Trung Quốc được dỡ bỏ.
Các đội tàu cá cho biết họ đã được chính quyền các tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang thông báo không được tiến vào phạm vi 30 hải lý (56 km) tính từ quần đảo bao gồm các đảo nhỏ không có người ở, bản tin cho biết.
Một ngư dân ở Thạch Sư, Phúc Kiến, nói với Kyodo rằng thuyền viên đã được cảnh báo tại cuộc họp với giới chức. Thông điệp này được củng cố bằng một tấm băng rôn ở bến cảng ghi "Nghiêm cấm đánh bắt ở vùng biển nhạy cảm".
Năm ngoái, cơ quan chức năng ở Phúc Kiến cũng từng yêu cầu các thuyền viên tránh xa quần đảo để xoa dịu căng thẳng trước chuyến thăm Tokyo dự kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo Japan Times.
Chuyến thăm đó đã bị hoãn lại vì đại dịch Covid-19, nhưng một số chính trị gia Nhật Bản hiện đã kêu gọi hủy luôn chuyến thăm sau khi chính phủ Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia ở Hong Kong.
Đến nay, chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra tuyên bố chính thức.
Viễn cảnh có thể nghĩ đến
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ lâu đã là vấn đề nhạy cảm giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Dù bản thân các hòn đảo có thể không có nhiều giá trị, vùng biển xung quanh có ý nghĩa chiến lược về mặt kiểm soát luồng biển, ngư trường, năng lượng chưa được khai thác và nhiệm vụ quân sự.
Bắc Kinh bắt đầu tuyên bố chủ quyền với quần đảo nằm cách Okinawa khoảng 400 km từ thập niên 1970 sau khi kỳ vọng về tài nguyên dầu khí tại khu vực ngày càng gia tăng. Dù vậy, tranh chấp được gác lại trong nhiều năm vì phát triển kinh tế được ưu tiên.
Năm 2012, chính phủ Nhật Bản quyết định mua quần đảo này từ một chủ sở hữu tư nhân và đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước. Động thái này đã gây ra các cuộc biểu tình chống Nhật lan rộng trên khắp Trung Quốc.
Bốn năm sau, giới chức Nhật Bản chỉ trích việc các tàu tuần duyên và khoảng 300 tàu cá của Trung Quốc đi vào vùng biển của Nhật Bản xung quanh quần đảo.
Lệnh cấm đánh bắt do Trung Quốc đơn phương áp đặt ở biển Hoa Đông hết hiệu lực hôm 16/8. Ảnh: Xinhua. |
Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Trung Quốc có quyền đưa tàu tuần duyên đến tuần tra khu vực, đồng thời khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại.
"Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ làm những điều có lợi cho hòa bình và ổn định tại khu vực và kiềm chế những lời nói và hành động đi ngược lại những điều này", ông Uông nói trong một cuộc họp báo hồi cuối tháng 7.
Theo Narushige Michishita, Giám đốc Chương trình An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Viện Cao học Quốc gia về Nghiên cứu Chính sách ở Tokyo, Bắc Kinh đã và đang nỗ lực tạo ra "một thực tế mới".
"Trong đó, các tàu Trung Quốc duy trì sự hiện diện khá đáng kể gần Senkaku/Điếu Ngư để có lẽ 10, 20 năm sau, Trung Quốc có thể tuyên bố họ đã và đang kiểm soát khu vực này", ông Michishita nói với Japan Times.
Các quan chức quốc phòng Mỹ và Nhật Bản thậm chí còn nói rằng viễn cảnh trong tương lai không xa khi Bắc Kinh tuyên bố họ có "quyền kiểm soát hành chính" đối với Senkaku/Điếu Ngư - với lý do họ hiện diện liên tục ở đó - không phải là điều không tưởng.