“SAB, VRE, MWG, PNJ là danh mục đầu tư của tôi trong năm 2020. Dù chưa đi hết 1/4 chặng đường cả năm nhưng tài khoản hiện đã bốc hơi hơn 40%”, anh Nguyễn Văn Hải (27 tuổi, Quảng Ninh), kỹ thuật viên một tập đoàn công nghệ lớn tại Hà Nội chia sẻ khi nói về khoản đầu tư cổ phiếu của mình trong năm nay.
Tự nhận mình là “tay ngang” tham gia thị trường chứng khoán, không có nhiều khả năng phân tích, danh mục đầu tư của anh Hải đều là cổ phiếu lớn của các doanh nghiệp đứng đầu mỗi ngành.
Đầu tư cổ phiếu vốn hóa lớn vì tâm lý an toàn
Với mục tiêu lợi nhuận 20% cho năm 2020, anh Hải cũng như nhiều nhà đầu tư không chuyên chủ yếu chọn nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn để đầu tư với chiến lược an toàn.
Tuy nhiên, điều mà những nhà đầu tư cá nhân như anh Hải hay cả những quỹ đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường không thể tính toán được chính là dịch bệnh Covid-19 bùng phát hiện nay.
“Từ đầu năm 2020, đến khi nghỉ Tết Nguyên Đán, tức khoảng một tháng đầu tiên, khoản đầu tư vẫn ghi nhận lợi nhuận trên 1,2%. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cổ phiếu liên tục giảm giá, đến nay đã âm hơn 44%”, anh Hải buồn bã chia sẻ.
Thực tế, anh Hải không phải nhà đầu tư duy nhất thua lỗ vì đầu tư chứng khoán từ đầu năm đến nay. Tính từ thời điểm thị trường giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2020 (22/1), chứng khoán trong nước đã liên tục giảm mạnh.
Cổ phiếu nằm sàn la liệt phiên giao dịch ngày 9/3. Ảnh: Tr.Nguyễn. |
Trong đó, chỉ số VN-Index trên sàn HOSE đến cuối phiên 24/3 đã giảm hơn 330 điểm, tương đương mức giảm hơn 33% từ 991 điểm hồi 22/1. HNX-Index trên sàn Hà Nội cũng đã giảm từ vùng hơn 106 điểm xuống 96,95 điểm, mất gần 9% trong cùng thời gian trên.
Việc chỉ số VN-Index giảm mạnh cũng đến trực tiếp từ việc các cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán tháo hơn 2 tháng qua.
Xét trong nhóm VN30, cũng là những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên sàn TP.HCM, đến nay toàn bộ nhóm này đều giảm so với thời điểm cuối tháng 1 đầu năm.
Trong đó, cổ phiếu giảm mạnh đến cuối ngày 24/3 là ROS (Công ty FLC Faros), doanh nghiệp của đại gia Trịnh Văn Quyết.
Cổ phiếu này đã giảm một mạch từ mức 10.300 đồng (22/1) xuống 4.540 đồng (24/3), mất 56% thị giá sau 2 tháng. Đây cũng là số thua lỗ ghi nhận trên tài khoản nếu nhà đầu tư rót tiền vào cổ phiếu này từ đầu năm.
Trong nhóm VN30, ngoài ROS còn tới 7 cổ phiếu khác cũng giảm trên 40% từ cuối tháng 1 đến nay. Bao gồm SAB (Sabeco) giảm từ 232.500 đồng về 115.500 đồng, tương đương 50%; BVH (Tập đoàn Bảo Việt) giảm từ 67.000 đồng về 34.55 đồng, tương đương 48%; VRE (Vincom Retail) giảm 46%; PNJ (Vàng Phú Nhuận) giảm 44%; BID (BIDV) giảm 43%; MWG (Thế giới Di động) giảm 42%; và GAS (Tổng công ty Khí Việt Nam) mất 41%.
Nhiều doanh nghiệp mất hàng trăm nghìn tỷ vốn hóa
Ngoài nhóm này, cũng có tới 12 mã rổ VN30 giảm trên 30%. Trong đó đều là những cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay.
Như VIC (Vingroup) cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay đã giảm tới 38% thị giá so với cuối tháng 1. Tính theo số tuyệt đối, mỗi cổ phiếu doanh nghiệp này đã mất 43.400 đồng. Với quy mô hơn 3,38 tỷ cổ phiếu niêm yết, đà sụt giảm này đã khiến vốn hóa của Vingroup “bốc hơi” gần 147.000 tỷ đồng trong 2 tháng.
Là cổ phiếu lớn thứ 2 thị trường về vốn hóa, VCB (Vietcombank) 2 tháng qua cũng đã giảm 38% khiến vốn hóa nhà băng này mất hơn 131.000 tỷ đồng.
Số vốn hóa sụt giảm tại các doanh nghiệp quy mô lớn khác cũng lên tới vài chục cho tới hàng trăm nghìn tỷ như VHM (Vinhomes) mất 114.000 tỷ đồng; BID (BIDV) mất 96.000 tỷ đồng; VNM (Vinamilk) mất hơn 61.000 tỷ đồng…
Cổ phiếu CTD (Coteccons) là mã giảm thấp nhất 2 tháng qua trong rổ VN30 với mức giảm 2.100 đồng/cổ phiếu, tương đương 4% thị giá. Cùng với CTD (Coteccons), EIB (Eximbank), MSN (Masan), và NVL (Novaland) là 4 cổ phiếu trong nhóm VN30 giảm dưới 10% thị giá từ cuối tháng 1 đến nay.
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán trong nước vẫn đang ở tình trạng xấu và có thể tiếp tục giảm trong tuần này.
Ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Khối Kinh doanh Môi giới VDSC, cho rằng ngoài ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, việc khối ngoại bán ròng liên tục trong hơn 30 phiên với giá trị xấp xỉ 10.000 tỷ đồng tạo áp lực lớn tới thị trường.
“Xu hướng bán ròng của khối ngoại cũng tập trung vào nhóm VN30 dù đây là những cổ phiếu tốt nhất thị trường được chọn lựa kỹ càng để đưa vào hệ quy chiếu. Đây cũng lại là nhóm giảm mạnh nhất thời gian qua”, ông Hùng chia sẻ.
Với nhà đầu tư cá nhân như anh Hải, việc cả 4 cổ phiếu trong danh mục đều thuộc nhóm giảm mạnh nhất từ đầu năm là lý do khiến khoản đầu tư vào chứng khoán “bốc hơi” hơn 44% giá trị chỉ sau 2 tháng.