Đây là động thái can thiệp đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường để ổn định tình hình tỷ giá sau một tuần tăng "nóng" của ngoại tệ.
Trong hôm nay (24/3), cơ quan quản lý tiền tệ niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.260 đồng/USD, tăng 1 đồng so với ngày hôm qua. Cùng với đó, cơ quan này đã điều chỉnh giảm mạnh giá bán USD tại các Sở giao dịch và giữ nguyên giá mua.
Cụ thể, các Sở giao dịch NHNN hiện niêm yết giá mua vào USD ở mức 23.175 đồng và bán ra ở mức 23.650 đồng. So với hôm qua, giá bán ra tại đây đã giảm 257 đồng (tương đương hơn 1%) so với mức công bố hôm qua (23/3).
Với mức này, NHNN hiện chấp nhận bán ra đồng bạc xanh với giá rẻ hơn thị trường để các ngân hàng thương mại có thể sở hữu nguồn USD giá rẻ từ cơ quan quản lý.
Đâu cũng là lần đầu tiên trong năm nay, cơ quan quản lý tiền tệ phải giảm tỷ giá mua để điều tiết thị trường.
Động thái này đã giúp thị trường ngoại tệ trong nước trùng lại sau đà tăng “nóng” tuần qua.
Trên kênh giao dịch chính thức, Vietcombank hiện niêm yết giá bán USD ở mức 23.690 đồng, giảm 70 đồng so với cuối ngày hôm qua. Giá mua cũng được nhà băng này giảm tương đương hiện ở mức 23.500 đồng/USD với giao dịch tiền mặt và 23.530 đồng/USD với giao dịch chuyển khoản.
Tuy vậy, tính từ đầu tuần trước, tỷ giá đồng bạc xanh tại nhà băng này vẫn tăng 400 đồng, tương đương 1,7%.
Vietinbank hiện đã giảm 40 đồng/USD so với chiều hôm qua, mua vào ở mức 23.530 đồng và bán ra ở mức 23.690 đồng. Đây cũng là giá niêm yết tại các điểm quy đổi của ngân hàng BIDV hôm nay.
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, cả ACB, Techcombank, Eximbank và MSB… đều đã giảm giá bán USD xuống dưới mức 23.690 đồng. Trong khi đó, tỷ giá giao dịch đồng bạc xanh tại HDBank hiện ở mức 23.530-23.700 đồng/USD (mua vào - bán ra), còn MBBank vẫn niêm yết giá bán ở mức 23.735 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, giá các đầu mối mua vào đã giảm 70 đồng, hiện đạt 23.700 đồng đổi một USD, trong khi giá bán cũng giảm tương ứng hiện phổ biến trên 23.900 đồng.
Trước đó, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, đã khẳng định, dù tỷ giá tăng mạnh, thanh khoản thị trường vẫn thông suốt.
Ông cũng cho biết, nguyên nhân chính khiến tỷ giá trong nước tăng do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các đồng tiền trên thế giới biến động, đồng tiền của nhiều nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam cũng đã mất giá.
Dù Ngân hàng trung ương các nước đã có các chính sách hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhưng cần có độ trễ trước khi tác động tới thị trường.
Vị lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ cũng khẳng định, với tiền lực ngoại tệ có sẵn, Dự trữ ngoại hối rất cao, cơ quan quản lý có thể can thiệp thị trường bất cứ khi nào cần thiết, thậm chí giảm tỷ giá bán thấp hơn niêm yết để bình ổn thị trường ngoại tệ.