Nếu lướt qua tiêu đề trên báo chí quốc tế những ngày qua, tình hình tại Ukraine dường như đang trên bờ vực khủng hoảng.
“Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có thể đến bất cứ lúc nào”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định. “Công dân Mỹ cần rời đi ngay”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu, theo CNN.
Tại thủ đô Kiev của Ukraine, nhiều đại sứ quán đang khuyến cáo công dân rời Ukraine sớm nhất có thể, trong khi hàng viện trợ quân sự đang mau chóng được chuyển đến.
Cách đó hàng trăm cây số, cuộc sống tại thủ đô Moscow của Nga vẫn diễn ra bình thường và êm ả. Tuy vậy, điều này không có nghĩa người Nga không quan tâm đến tình hình tại nước láng giềng.
“Đây không phải là chiến tranh”
Trong những ngày qua, Moscow liên tục đón tiếp các chuyến thăm của nguyên thủ và quan chức cấp cao phương Tây - bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hay Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss. Ukraine là chủ đề chính của các chuyến thăm này.
Tuy vậy, bất chấp việc Nga đang tập trung hơn 100.000 binh sĩ gần biên giới với Ukraine và mới gửi thêm tàu chiến tới Biển Đen, người dân Moscow dường như không nghĩ nguy cơ chiến tranh đang cận kề.
Ông Igor “Strelkov” Girkin, một chỉ huy quân sự Nga từng tham chiến tại miền Đông Ukraine năm 2014, nhận định Nga không huy động đủ quân cho một cuộc tấn công.
Người Nga không tin tưởng nước này sẽ tấn công Ukraine, dù hơn 100.000 quân Nga đang tập trung gần biên giới với nước láng giềng Đông Âu. Ảnh: Reuters. |
“Điều tối đa mà ông Putin có thể làm là đánh lạc hướng về quân sự, có thể là đưa bớt quân khỏi vùng chiến sự ở Donbass”, ông Girkin nói với Economist.
Trong khi đó, truyền thông Nga sử dụng giọng điệu thân thiện - pha chút châm biếm - khi đưa tin về chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh Liz Truss tới Moscow. Người Nga nói nhiều hơn đến trang phục của bà Truss, cũng như nhầm lẫn của bà khi cho rằng hai vùng Rostov và Voronezh không phải của Nga.
Người Nga cũng đùa vui về một sự kiện “nghiêm túc” khác: Chuyến thăm của ông Macron tới Moscow. Tâm điểm của sự chú ý - và nguồn gốc của nhiều tấm ảnh chế - là chiếc bàn cỡ lớn, dài tới 4 m, được sử dụng trong cuộc hội đàm giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp nhau hôm 7/2. Ảnh: Guardian. |
“Mọi người mà tôi mời đến đều nói một điều giống nhau: Đây là chính sách ‘bên miệng hố chiến tranh’ của ông Putin, không phải là chiến tranh”, một người dẫn chương trình phát thanh tại Nga cho biết.
Trước những cảnh báo liên tục của Mỹ về việc Nga có thể tấn công Ukraine, đại diện Moscow cho rằng “sự cuồng loạn" của Nhà Trắng đang rõ ràng hơn bao giờ hết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trên Telegram: "Họ muốn có một cuộc chiến bằng bất cứ giá nào".
“Quân đội của chúng tôi vẫn đang ở trên lãnh thổ Nga, và tôi tự hỏi liệu Mỹ, hay ai đó, sẽ tấn công Ukraine, sau những hoảng loạn như vậy”, Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy đáp trả tuyên bố từ phía Mỹ.
Nga và Ukraine có chung đường biên giới dài và một lịch sử đầy phức tạp. Nhiều người Nga có các mối quan hệ cá nhân với Ukraine, bất chấp căng thẳng địa chính trị giữa hai nước sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Một khảo sát của công ty nghiên cứu độc lập Levada cho thấy 50% người Nga có quan điểm tích cực về Ukraine. Tỷ lệ này còn cao hơn ở những người trẻ. Tuy vậy, cũng có tới 2 trên 5 người Nga nhận định căng thẳng giữa hai nước có thể dẫn tới chiến tranh, theo khảo sát khác sau đó.
Theo khảo sát mới nhất được phát hành hồi tháng 1, 8% người Nga nhận định chắc chắn nổ ra xung đột vũ trang giữa Nga và một nước láng giềng, con số cao nhất trong 15 năm khảo sát.
Tác động của dư luận
Các chuyên gia chính trị nhận định ông Putin sẽ phải tính đến quan điểm của người dân trong nước nếu muốn có bất cứ hành động nào nhằm vào Kiev. Một cuộc tấn công có thể không được lòng dân, vì sự việc này có nguy cơ gây thương vong lớn, khác với chiến dịch sáp nhập Crimea nhanh gọn năm 2014.
Sự kiện năm 2014 gây khá ít thương vong và giúp uy tín của ông Putin tăng cao trong các cuộc thăm dò dư luận.
Một cuộc biểu tình ủng hộ sáp nhập bán đảo Crimea tại thủ đô Moscow, Nga năm 2014. Ảnh: AP. |
Theo ông Andrei Kolesnikov, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie Moscow, người Nga không còn hào hứng với xung đột như năm 2014. “Chiến tranh bắt đầu làm mọi người lo ngại”, ông Kolesnikov nói, theo Washington Post.
Một khảo sát khác được Levada công bố cho thấy 56% người Nga coi một cuộc chiến tranh toàn cầu là một trong những mối lo ngại lớn nhất của họ. Đây là mối lo lớn thứ hai của người Nga, chỉ sau việc người thân bị mắc bệnh.
Dù vậy, chuyên gia Alexei Levinson tại Levada nhận định ông Putin sẽ vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số người dân nếu quyết định tấn công. Nhóm người ủng hộ ông Putin mạnh mẽ nhất - như những người cao tuổi - có thái độ thù địch với NATO và coi Ukraine là con rối của Mỹ và phương Tây.
Trong khi đó, theo ông Kolesnikov, dư luận có thể là một yếu tố giúp ngăn chặn cuộc xung đột.
“Một cuộc chiến tranh thực sự có thể không được lòng dân. Cho đến nay, các chiến dịch quân sự vẫn đang được người dân chấp thuận. Tỷ lệ ủng hộ của ông Putin dựa trên các chiến dịch quân sự thành công và nhanh chóng như Crimea, giúp tạo nên làn sóng chủ nghĩa yêu nước”, ông Kolesnikov nhận định.
“Tuy vậy, chúng ta đang nói tới một cuộc chiến đẫm máu và kéo dài. Đây là câu chuyện khác”, ông nói.