An ninh Pháp phong tỏa khu Corcy trong chiến dịch săn lùng hai hung thủ thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo. Ảnh: Reuters |
Cũng giống như hai hung thủ bắn giết các nhà báo ở Paris, những kẻ này cũng hét vang lên câu “Thánh Allah vĩ đại” (câu cửa miệng của người Hồi giáo) khi gây án.
Hồi tháng 3/2012, một kẻ cực đoan tên Mohammed Merah đã sát hại bảy người, bao gồm một số binh sĩ và trẻ em Do Thái, trong các cuộc tấn công ở thành phố Toulouse.
Cuộc thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo là nghiêm trọng và đẫm máu nhất. Nó đã đẩy nước Pháp tới tiền tuyến của cuộc chiến giữa phương Tây và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.
Câu hỏi là tại sao nước Pháp liên tục bị tấn công dù có hàng chục quốc gia vào liên minh chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và tuyên chiến với Al-Qaeda.
Tại sao Pháp liên tục bị tấn công khủng bố?
Pháp là nước tham gia trực tiếp vào hai cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông và châu Phi. Tuần trước, báo chí Pháp đưa tin Tổng thống Francois Hollande sẽ ra lệnh triển khai tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle tới vùng Vịnh để hỗ trợ chiến dịch chống IS tại Iraq.
Pháp là quốc gia phương Tây đầu tiên nối gót Mỹ không kích IS ở Iraq hồi tháng 9/2014. Hiện Pháp đã triển khai hàng loạt máy bay chiến đấu Rafale và Super Etendard tới các căn cứ quân sự ở Jordan và UAE. Tính đến tháng 12/2014, máy bay Pháp đã thực hiện hơn 100 đợt không kích ở Iraq.
Sự xuất hiện của tàu sân bay Charles de Gaulle sẽ đẩy số lượng máy bay chiến đấu Pháp tại đây lên gấp đôi.
Không chỉ tham gia liên minh chống IS, quân đội Pháp còn mở chiến dịch chống các tổ chức phiến quân Hồi giáo ở vùng Sahel tại châu Phi từ năm 2013.
Tạp chí quốc phòng Jane’s Defense Weekly mới đây đưa tin Pháp vừa hoàn tất chiến dịch Tudelle với 3.000 binh sĩ ở Mali, Chad, Niger, Mauritania và Burkina Faso. Với máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái, lực lượng này có nhiệm vụ lùng bắt các tay súng cực đoan. Hồi giữa tháng 12, Bộ Quốc phòng Pháp thông báo đã tiêu diệt và bắt giữ ít nhất 200 tay súng cực đoan ở vùng Sahel.
Một ngày trước vụ thảm sát ở Paris, Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop kêu gọi Pháp mở rộng can thiệp vào Libya. Mọi dấu hiệu đều cho thấy sự can thiệp quân sự của Pháp ở Trung Đông và châu Phi đang leo thang và sẽ kéo dài.
Những sự kiện này có thể không liên quan trực tiếp đến cuộc thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, nhưng đó là nguyên nhân khiến IS nhiều lần kêu gọi các phần tử cực đoan tấn công khủng bố tại Pháp. Chắc chắn Al-Qaeda cũng có mục tiêu tương tự.
Lò lửa trong nước
Thứ hai, Pháp có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất châu Âu, khoảng 6,5 triệu người, chiếm 10% dân số. Vấn đề là cộng đồng này gặp rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống tại Pháp. Con cháu của người nhập cư đạo Hồi từ Bắc Phi sinh tại Pháp, là công dân Pháp, nhưng rất khó kiếm công ăn việc làm tử tế.
Ước tính tỷ lệ thất nghiệp lên đến gần 30% tại các khu ngoại ô Paris, nơi người nhập cư Hồi giáo chiếm đa số. Các công ty e ngại những lá đơn xin việc có tên kiểu Arab. Một số truyền thống của người Hồi giáo bị lên án ở Pháp. Nhiều khu dân cư Arab giống như bị cách ly với thế giới bên ngoài.
Mạng che mặt bị cấm ở nơi công cộng, khăn trùm đầu không được chấp nhận tại các văn phòng công sở và trường học công. Hồi tháng 1/2014, một tòa án ở Versailles xử cô gái 20 tuổi Cassandra Belin án tù treo vì “tội” đeo mạng che mặt nơi công cộng. Vụ bắt giữ Belin dẫn tới ba ngày bạo động ở khu Trappes, ngoại ô Paris.
Dễ hiểu là nhiều thanh niên Pháp theo đạo Hồi cảm thấy bất lực và bị gạt ra bên lề xã hội. Điều đó giải thích tại sao chỉ trong năm 2014 gần 1.000 công dân Pháp đến Syria và Iraq để gia nhập IS và các tổ chức cực đoan. Sự thất vọng khiến các thanh niên này dễ tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan về quyền lực của IS và Al-Qaeda.
Chính quyền Pháp ước tính 234 công dân Pháp đã rời vùng xung đột ở Syria và Iraq và 185 đã trở về Pháp. Đó đều là những kẻ có khả năng thực hiện các vụ tấn công khủng bố trên đất Pháp.
Nhà phân tích Alisa Lockwood của hãng IHS Country Risk từng nhận định cả chính sách ngoại giao và các vấn đề trong nước là nguyên nhân thúc đẩy tình trạng cực đoan tại quốc gia này.
Phải xây dựng các chương trình xã hội
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Tuổi Trẻ gần đây, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định ngoài việc tăng cường giám sát an ninh trong nước, chính quyền các nước phương Tây phải phát triển các chương trình xã hội để hỗ trợ thanh niên Hồi giáo bị gạt ra bên lề cuộc sống.
Đó là cách tốt nhất để “tẩy độc cực đoan” đã tiêm nhiễm đầu óc họ.
Ngoài ra chính quyền phương Tây còn cần phải thiết lập các cơ chế ngăn chặn công dân đi ra nước ngoài gia nhập khủng bố.